Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Star Citizen: Video game gọi vốn 300 triệu USD nhưng chưa bao giờ ra mắt thị trường

19/07/2019 16:44

STAR CITIZEN: RA MẮT THẤT BẠI

Chris Roberts dùng bảy năm và gọi vốn được gần 300 triệu đô la Mỹ - phần lớn trong số đó là từ các game thủ bình thường – để xây dựng Star Citizen. Tựa game này sắp được công nhận danh hiệu trò chơi video đắt tiền nhất từng được tạo ra và dự án gọi vốn cộng đồng lớn nhất thế giới – không tính đến tiền mã hóa. Sản phẩm này vẫn chưa sẵn sàng, cũng có thể là không bao giờ.

MATT PEREZ & NATHAN VARDI

Star Citizen: Video game gọi vốn 300 triệu USD nhưng chưa bao giờ ra mắt thị trường - ảnh 1háng 10.2018, hai ngàn người hâm mộ trò chơi điện tử đổ dồn về trung tâm biểu diễn nghệ thuật Austin để được chiêm ngưỡng Star Citizen, trò chơi trực tuyến nhiều người chơi do nhà thiết kế huyền thoại Chris Roberts tạo ra. Hầu hết những người ở đây đều đã từng đóng góp tiền cho việc phát triển trò chơi – trung bình 200 đô la Mỹ mỗi người, một số người góp tới hàng ngàn đô la Mỹ. Trò chơi khoa học viễn tưởng hoành tráng này đáng lẽ phải được hoàn thành năm 2014. Tuy nhiên, sau bảy năm làm việc, không một ai – kể cả Roberts – trả lời được về thời điểm hoàn tất dự án. Nhưng bất chấp sự thất vọng và chậm trễ, đám đông vẫn cổ vũ Roberts. Họ gào lên khi người đàn ông người Anh 50 tuổi nhảy lên sân khấu và màn hình lớn bừng sáng với phiên bản thử nghiệm mới nhất của Star Citizen.

Bản trình diễn chạy thử bắt đầu từ khung ảnh nhỏ: Góc nhìn từ đôi mắt của nhân vật trong trò chơi. Người chơi tỉnh giấc trong khu vực sinh sống của mình, đứng dậy và pha tách cà phê. Tiếng vỗ tay nhanh chóng chuyển sang tiếng cười ồ lên khi trò chơi ngay lập tức gặp sự cố. Trong lúc cộng sự cố gắng khắc phục sự cố, Roberts với kinh nghiệm của mình đã cứu vãn thời gian chết này bằng cách trình chiếu đoạn quảng cáo về Kraken, con tàu vũ trụ khổng lồ được trang bị vũ khí. Dù sao thì Kraken, cũng như tất cả các tàu vũ trụ mà Roberts bán, cũng sẽ xuất hiện trong Star Citizen. Ít nhất là mọi người hi vọng như vậy. Nhưng nếu bạn có 1.650 đô la Mỹ, bạn sẽ được sở hữu nó ngay lập tức.

“Có lúc, tôi ước mình có thể nghĩ, kiểu như... ‘Bạn sẽ không thể nhìn thấy bất cứ gì cho đến lúc sản phẩm trở nên tuyệt đẹp,’” Roberts phát biểu sau đó tại studio của ông ở Los Angeles. “Chúng tôi sẽ cho trình diễn rất nhiều lần và phát biểu theo đúng nghĩa đen. “Hiện giờ, mọi thứ chỉ là sơ khởi.’”

Thực sự, cụm từ “sơ khởi” cũng phản ánh tình trạng hiện tại của Star Citizen. Công ty do Roberts đồng sáng lập, Cloud Imperium Games, đã gọi được 288 triệu đô la Mỹ để hiện thực hóa trò chơi trên máy vi tính này cùng một trò chơi đồng hành, Squadron 42, trò chơi hành động một người chơi ngoại tuyến. Trong số đó, 242 triệu đô la Mỹ là khoản đóng góp từ khoảng 1,1 triệu người hâm mộ, những người đã mua các món đồ chơi kỹ thuật số như Kraken hoặc chuyển tiền trực tuyến. Không tính các loại tiền mã hóa, Star Citizen là dự án gọi vốn cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay.

Các phiên bản có thể chơi được dưới dạng sơ khởi – các phiên bản alpha, không phải beta – được dùng để tạo hi vọng và minh họa là trò chơi đang được sản xuất. Và Roberts lôi kéo các game thủ bằng chiến dịch quảng cáo được tung ra đều đặn, bao gồm hứa hẹn một vũ trụ rộng lớn, có thể chơi được với “100 hệ sao”. Nhưng tiền đã gần hết, mà trò chơi thì còn lâu mới hoàn thành. Chẳng hạn, cuối năm 2017, số tiền trong ngân hàng của Roberts giảm xuống chỉ còn 14 triệu đô la Mỹ. Ông đã huy động được nhiều tiền hơn. Nhưng 100 hệ sao thì như thế nào? Ông ấy không hoàn thành được một hệ nào. Cho đến nay, ông chỉ có hai hành tinh gần như đã hoàn thành, chín mặt trăng và một tiểu hành tinh.

Đây không phải là lừa đảo – Roberts thực sự đang xây dựng trò chơi – nhưng vấn đề là sự kém cỏi và quản lý sai lầm ở quy mô thiên hà. Sự phung phí không kiểm soát được hậu thuẫn nhờ số tiền huy động quá dễ dàng thông qua hoạt động gọi vốn cộng đồng, tựa như miền Tây hoang dã, gần như không có bất kỳ nhà quản lý và điều luật nào. Sự sáng tạo có vai trò chính, chứ không phải các hoạt động hướng tới lợi nhuận hoặc phải đáp ứng thời hạn tiến độ. Các quan chức liên bang và luật sư của bang chỉ can thiệp vào một vài tình huống nghiêm trọng, trong đó chỉ một số ít trường hợp được bồi thường và rất nhiều tiền đã chảy vào túi người khởi xướng. Nhiều dự án gọi vốn cộng đồng lớn, như đồng hồ thông minh Pebble (gọi được 43,4 triệu đô la Mỹ) và máy chơi trò chơi video Ouya (8,6 triệu đô la Mỹ) đã thất bại thảm hại.

Star Citizen: Video game gọi vốn 300 triệu USD nhưng chưa bao giờ ra mắt thị trường - ảnh 2

RA MẮT KRAKEN
Tạo liên tưởng tới bộ phim Cuộc chiến giữa các vị thần năm 1981, Kraken là một con tàu “ý tưởng” trong Star Citizen được Cloud Imperium bán với giá 1.650 đô la Mỹ mỗi chiếc vào năm ngoái. Với chiều dài 270m và được một phi hành đoàn 10 người điều khiển, chiếc tàu sân bay được mô tả là phiêu bạt giữa các hành tinh, như một “ngọn hải đăng của tự do trong một vũ trụ tàn khốc.”

Nếu bạn không chơi trò chơi điện tử, có thể bạn chưa bao giờ nghe nói về Roberts. Nhưng trong thế giới máy chơi game và cần điều khiển, ông chính là Keith Richards: một ngôi sao nhạc rock lão làng vẫn có thể khiến người hâm mộ mở hầu bao. Roberts nổi tiếng lần đầu với trò chơi Wing Commander vào đầu thập niên 1990, loạt trò chơi chiến đấu không gian thu về hơn 400 triệu đô la Mỹ và có sự tham gia của các ngôi sao Hollywood như Mark Hamill và Malcolm McDowell. Ông tiếp nối thành công đó bằng việc mở studio riêng, Digital Anvil, được Microsoft đầu tư. Ở đó, ông dành nhiều năm phát triển Freelancer, trò chơi kế thừa tinh thần của Wing Commander, nhưng cuối cùng lại được phát hành chậm hơn nhiều năm so với kế hoạch và chẳng thể nào trở thành trò chơi đình đám. Roberts cũng tìm cách tiếp cận Hollywood, chi hàng chục triệu cho phiên bản điện ảnh của Wing Commander mà ông tự đạo diễn và đó là một thất bại cả về chất lượng lẫn doanh thu.

Đây không phải là lừa đảo, nhưng vấn đề là sự kém cỏi và quản lý sai lầm ở quy mô cực lớn.

Forbes đã trò chuyện với 20 người từng làm việc cho Cloud Imperium, nhiều người trong số đó miêu tả Roberts là nhà quản lý chi ly và thiếu kỹ năng quản lý nguồn lực. Họ mô tả môi trường làm việc hỗn loạn.

“Khi nguồn tiền đổ vào, tôi nhận thấy vài thói quen xấu cố hữu [của Robert] xuất hiện – không quá tập trung,” theo Mark Day, nhà sản xuất Wing Commander IV và quản lý một công ty có hợp đồng phát triển Star Citizen vào năm 2013 và 2014. “Theo ý tôi, mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Những hứa hẹn được đưa ra – gọi là vượt phạm vi dự án, hoặc gọi là gì cũng được – giờ chúng ta làm cái này, giờ chúng ta làm cái kia. Tôi đã bị sốc.”

“Chúng ta có kế hoạch. Đừng lo – nó không hoàn toàn điên rồ đâu,” Robert nhấn mạnh.

Nhưng những gì Roberts đang làm rộn cho tới lúc này trông có vẻ điên rồ. Star Citizen dường như được định sẵn là trò chơi video đắt tiền nhất từng được tạo ra – và có thể không bao giờ được hoàn thành. Để tiếp tục chi trả cho dự án và 537 nhân viên của Cloud Imperium làm việc tại năm văn phòng trên khắp thế giới, Roberts cần liên tục huy động thêm vốn vì ông liên tục đốt tiền mặt.

Cũng tới lúc, Roberts phải minh bạch về các khoản chi tiêu. Ông công bố số liệu báo cáo tài chính trong nhiều năm vào tháng 12 năm ngoái. Nhưng ông không cho biết bản thân ông hoặc những nhà điều hành Cloud Imperium cấp cao khác đã kiếm được bao nhiêu tiền từ dự án. Vợ và anh trai ông đều giữ những vị trí cao tại công ty.

“Không nghi ngờ gì nữa, Star Citizen là thứ dở hơi,” Jesse Schell, nhà phát triển trò chơi nổi tiếng và là giáo sư tại ĐH Carnegie Mellon, cho biết. “Điều này bất thường trong cả năm chiều không gian... Hiếm có trò chơi nào được phát triển trong bảy năm – đó không phải là cách nó vận hành. Điều đó hoàn toàn không bình thường.”

Mùa thu năm 2012, Chris Roberts bước lên sân khấu của một khán phòng khác ở Austin và tuyên bố, “Tôi đang trở lại”. Bằng một đoạn video đẹp mắt với hình ảnh những con tàu vũ trụ bay lượn và một đoạn trình diễn trò chơi ngắn được ông chơi từ bục diễn giả, Roberts tuyên bố chiến dịch gọi vốn cộng đồng đầu tiên, và nhanh chóng huy động được 6,2 triệu đô la Mỹ. Trò chơi này có vẻ không giống đại đa số các trò chơi khác trong thế giới mà ngân sách dành cho các trò chơi chất lượng có thể dễ dàng đạt tới hàng chục triệu đô la Mỹ, nhưng Roberts gây ấn tượng rằng nhiêu đó tiền là đủ. Dù sao thì Star Citizen đã được “phát triển trong 12 tháng.” Đây dường như là một bài hát chuộc lỗi của người đàn ông đã tách ra khỏi lĩnh vực trò chơi trong cả thập kỷ sau khi mối quan hệ đối tác với Microsoft trở nên tồi tệ. (Roberts nói năm phát triển đầu tiên không được tính vì “đó là công việc mang tính chứng minh ý tưởng nhiều hơn.”)

Lớn lên ở Manchester, Anh Quốc, Roberts là một lập trình viên lành nghề với nhiều hoài bão lớn. Ông phát triển các trò chơi từ khi còn ở tuổi thiếu niên, bao gồm trò chơi mô phỏng bóng đá cho BBC Micro, trước khi đến Austin năm 1987. Ở đó, ông gặp đạo diễn trò chơi điện tử uy tín Richard Garriott – nổi tiếng trong giới hâm mộ loạt trò chơi bom tấn Ultima với biệt danh Lord British – và ở tuổi 19, ông làm việc cho công ty Origin Systems của Garriott, nơi Roberts tạo ra Wing Commander. Trò chơi trên máy vi tính này ra mắt năm 1990 và thành công rực rỡ.

Năm 1996, Roberts rời Origin và đồng sáng lập Digital Anvil nhằm sáng tạo ra các trò chơi hợp tác với Microsoft, công ty bắt đầu nghiêm túc gia nhập thị trường game và nắm cổ phần thiểu số. Sau thành công của Wing Commander, Roberts là tác giả của trò chơi khác tại Origin, Strike Commander – trò chơi nổi tiếng vì gây đau đầu trong quá trình phát triển, và mang tiếng là ông chủ hay đòi hỏi quá quắt. Nhưng ông vẫn được xem là “cậu bé vàng” của thế giới trò chơi.

Roberts triển khai ý tưởng về một vũ trụ sống động khi công bố Freelancer năm 1999, hai năm sau khi bắt đầu phát triển. Cùng lúc đó, Roberts thuyết phục 20th Century Fox đầu tư vào phiên bản điện ảnh trị giá 30 triệu đô la Mỹ của Wing Commander, dự án sau đó thua lỗ gần 20 triệu đô la Mỹ. Stuart Moulder, tổng giám đốc Microsoft, người giám sát mối liên hệ giữa gã khổng lồ trong lĩnh vực phần mềm với Digital Anvil, tin rằng tiền đầu tư của Microsoft thay vì để phát triển trò chơi lại được sử dụng cho bộ phim. “Năng lượng và tâm trí [của Robert] và vài khoản tiền đã bị rút ra để chu cấp cho bộ phim đó,” Moulder nói. “Khoản đầu tư vào Digital Anvil phải được xem là một thất bại lớn.”

Roberts thừa nhận Microsoft thất vọng với thời gian anh dành cho bộ phim nhưng nói rằng các khoản tiền được sử dụng vào đó là tiền chính đáng từ việc bán cổ phần thiểu số cho Microsoft, cộng với số tiền lãi được dành cho các mục đích kinh doanh chung bao gồm làm phim. Dù sao thì Microsoft cũng đã giành toàn quyền kiểm soát Digital Anvil vào năm 2001 và Roberts rời công ty. Hai năm sau, Freelancer mới lên kệ với quy mô nhỏ hơn nhiều so với hình dung.

Star Citizen: Video game gọi vốn 300 triệu USD nhưng chưa bao giờ ra mắt thị trường - ảnh 3

Thoát khỏi sự ràng buộc với Microsoft, Roberts tập trung vào Hollywood. Ông gia nhập bằng cách đồng sáng lập công ty sản xuất phim Ascendant Pictures, công ty thực hiện một vài bộ phim đáng quên nhất như Outlander (2008) và The Big White (2005). Roberts tham gia sản xuất bộ phim thành công nhất của Ascendant, Lord of War, với diễn xuất của Nicolas Cage.

Nhưng mọi thứ không ổn định. Để thực hiện các bộ phim, Roberts hợp tác với một luật sư người Đức, Ortwin Freyermuth, hiện là phó chủ tịch của Cloud Imperium. Họ xoay xở nguồn tài chính từ quỹ đầu tư đang sử dụng chương trình thuế để huy động tiền từ Đức cho các bộ phim Hollywood. Đến năm 2006, chính phủ Đức ra quyết định ngừng hoạt động và người sáng lập quỹ đầu tư bị kết án tù vì gian lận thuế, theo Variety. Roberts và Freyermuth không liên quan đến vụ việc.

Khi nguồn tiền từ Đức cạn kiệt, mọi thứ trở nên ảm đạm ở Tinseltown. Kevin Costner kiện Ascendant Pictures cuối năm 2005, cáo buộc công ty hủy hợp đồng 8 triệu đô la Mỹ cho vai diễn của ông trong bộ phim hài. (Ascendant phủ nhận hành vi sai trái và vụ kiện đã được giải quyết.) Roberts đã bán Ascendant Pictures năm 2010 cho một công ty sản xuất nhỏ tên là Bigfoot Entertainment, có văn phòng tại Los Angeles và Philippines.

Thời gian ở Hollywood của Roberts đã kết thúc. Đây là lúc quay lại với trò chơi.

VÀO MỘT NGÀY THỨ BẢY mùa hè năm 2007, một kẻ xâm phạm đã vượt qua cổng an ninh và lọt vào nhà của Chris Roberts ở L.A. Bên trong nhà, Madison Peterson, vợ cũ hợp pháp của Roberts, người có mối quan hệ lúc thăng lúc trầm trong thời gian dài với ông, bị hoảng hốt và lo sợ con gái nhỏ của mình có thể bị hại hoặc bị bắt cóc. Peterson sau đó xác định kẻ xâm phạm là Sandi Gardiner, hiện là vợ của Roberts, (lần thứ hai trở thành vợ ông) và là đồng sáng lập Cloud Imperium. Roberts báo cáo vụ việc với cảnh sát, và thẩm phán bang California đã ban hành lệnh cấm tạm thời, yêu cầu Gardiner giữ khoảng cách tối thiểu 91m với Peterson, người cáo buộc trong đơn xin lệnh cấm rằng Gardiner rình rập và đe dọa cả cô và con gái trong gần ba năm.

“Cô Gardiner có sự ám ảnh trái tự nhiên và phi lý đối với con gái tôi và tôi,” Peterson viết. “Tôi liên tục và không ngừng tìm cách để chắc chắn rằng con gái tôi và tôi không bị theo dõi.” Trong một tờ khai lưu tại tòa được Roberts ký vào thời điểm đó, ông cho biết Gardiner cũng đã đến thăm nhà Peterson ở San Diego và trở nên hung hăng, cố bóp cổ ông. “Tôi tin rằng nếu cô ấy có một khẩu súng, cô ấy sẽ giết tôi,” Roberts nói trong tờ khai. “Tôi tin cô Gardiner không ổn định về mặt cảm xúc.” Sau ba tháng, lệnh cấm được hủy bỏ. Hiện nay, Roberts nói ông không nhớ đã ký vào tờ khai và những gì được gán cho ông trong hồ sơ tòa án là do Peterson chuẩn bị và ngụy tạo. Bất chấp các tài liệu, Gardiner thẳng thừng chối bỏ những vụ việc đã xảy ra.

Vài năm sau, Roberts đồng sáng lập Cloud Imperium với Gardiner và Freyermuth, đối tác luật sư của ông từ Hollywood. Ông tái hôn với Gardiner năm 2009. Cuộc hôn nhân đầu tiên của họ bị hủy bỏ năm 2005, hồ sơ tòa án ghi nhận việc này. Gardiner – người Úc, 43 tuổi, nữ diễn viên đang cố gắng thâm nhập Hollywood, cũng là người quản lý bộ phận tiếp thị của Cloud Imperium, và là người dẫn dắt hoạt động gọi vốn của công ty.

Chiến dịch gọi vốn cộng đồng ban đầu năm 2012 thành công, nhưng hóa ra 6,2 triệu đô la Mỹ gần như không đủ để nuôi dưỡng tham vọng của Roberts. Nhưng Roberts và Gardiner đã nghĩ ra cách khéo léo để tiếp tục gọi vốn: Họ sẽ bán những con tàu vũ trụ – hàng trăm ngàn con tàu.

Star Citizen có những con tàu khổng lồ và những con tàu nhỏ xíu, tàu thăm dò và tàu chở hàng, tàu tiếp nhiên liệu và tàu khai khoáng, tàu chiến hạng nặng, tàu chiến hạng nhẹ, tàu chiến hạng trung, tàu chiến cá nhân, tàu khu trục, tàu vũ trang và nhiều, nhiều nữa. Theo tính toán của Forbes, Cloud Imperium đã bán 135 mẫu tàu vũ trụ khác nhau với giá lên tới 3.000 đô la Mỹ mỗi chiếc. Tám mươi bảy trong số những con tàu này được hoàn thiện đến mức người chơi có thể lái chúng trong các phiên bản đầu tiên đầy lỗi của Star Citizen; một vài mẫu trong số 48 con tàu còn lại có vẻ như chẳng có gì ngoài những hình ảnh lạ mắt.

“Không ai bị ép phải mua thêm ngoài con tàu đầu tiên,” Gardiner nói. “Toàn bộ hoạt động tiếp thị đều được thực hiện nhờ hình thức lan truyền của người hâm mộ, và rất nhiều trong số những con tàu đó được chế tạo theo yêu cầu của cộng đồng.”

“Công tác tiếp thị trò chơi là một thành công khách quan, vì chúng tôi là dự án gọi vốn cộng đồng lớn nhất, [và việc này] được Sandi giám sát,” Roberts nói.

Để tăng thêm số tiền Gardiner đang huy động, mùa thu năm ngoái, Roberts lần đầu tiên giới thiệu nhà đầu tư lớn bên ngoài. Cloud Imperium đã nhận 46 triệu đô la Mỹ từ Clive Calder, tỉ phú người Nam Phi đứng sau Jive Records, và con trai ông, Keith. Các khoản tiền này được dùng để tiếp thị nhiều hơn.

Theo tính toán của Forbes, Cloud Imperium đã bán 135 mẫu tàu vũ trụ khác nhau với giá lên tới 3.000 USD mỗi chiếc.

Cloud Imperium cho ra đời hàng loạt các phiên bản mới của những con tàu họ đã bán và cho phép người chơi giao dịch các tàu cũ để mua tàu mới. Công ty cũng giới thiệu khái niệm “trái phiếu chiến tranh,” giảm giá bán tàu nếu người chơi trả bằng tiền mặt. Người chơi giành được địa vị trong câu lạc bộ chỉ huy ưu tú bằng cách chi 1.000 đô la Mỹ (đối với trò chơi High Admiral) hoặc 10.000 đô la Mỹ (đối với trò chơi Wing Commander). Những người chơi có địa vị cao sẽ nhận được các vật phẩm thưởng như “phiên bản đặc biệt của súng ngắn bắn tia hồ quang thế hệ II” hoặc một chai rượu whisky không gian trong trò chơi.

Có vẻ ngớ ngẩn, nhưng đã có những nạn nhân thực sự. Ken Lord là nhà khoa học dữ liệu 39 tuổi đến từ khu vực Denver, người đang chịu đựng căn bệnh đa xơ cứng tồi tệ. Lord góp tiền cho Star Citizen lần đầu tiên vào năm 2013 và cuối cùng chi đến 4.500 đô la Mỹ để mua tàu vũ trụ. Năm ngoái, Lord thua kiện Cloud Imperium khi yêu cầu hoàn tiền. “Bạn có thể làm điều gì đó tồi tệ, như chi quá nhiều tiền vào trò chơi điện tử, và biến nó thành câu lạc bộ đặc quyền mang tính xã hội và khiến mọi người khao khát, thì – chúc mừng bộ phận tiếp thị của họ,” ông nói. (Thật kỳ lạ, Lord, người cho biết mình có “khả năng kiểm soát ham muốn kém,” đã tiếp tục mua thêm tàu vũ trụ sau vụ kiện thất bại.)

“Tôi không việc gì phải nói về cách người ta tiêu tiền,” Gardiner nói.

Khi được hỏi làm việc tại Cloud Imperium như thế nào, nhà sản xuất trò chơi cao cấp rời đi năm 2018 đã gửi một liên kết đến cảnh phim Spinal Tap với nút âm lượng khuếch đại ở mức 11. Các cựu nhân viên nói rằng Roberts tham dự vào từng chi tiết nhỏ nhặt nhất và đẩy các khoản đầu tư lớn, phức tạp vào những phần không đáng làm. Có lúc, một trong những kỹ sư đồ họa cao cấp của công ty được Roberts yêu cầu dành nhiều tháng, chỉnh sửa nhiều lần liên tục, để tạo ra hiệu ứng hình ảnh tấm khiên chắn tàu như ý. Ngoài ra, nhân viên còn phải mất nhiều tuần làm việc để hoàn thành các bản trình diễn giúp Cloud Imperium có thể tiếp tục bán tàu vũ trụ và kiếm thêm tiền.

Trước khi David Jennison bỏ công việc họa sĩ thiết kế nhân vật chính cho Cloud Imperium năm 2015, ông đã viết lá thư cho bộ phận nhân sự – lá thư bị rò rỉ trên Internet – cố gắng giải thích vì sao ông chỉ hoàn thành được năm nhân vật trong 17 tháng. Jennison nói, một trong những khó khăn là Roberts thường xuyên thay đổi ý tưởng đã được duyệt của các nhân vật ông đang thiết kế. “Tất cả các quyết định về tuyến nhân vật và hướng tiếp cận đều do Roberts quyết định,” Jennison viết. “Rõ ràng đây là mô hình toàn công ty – CR chỉ đạo mọi việc.”

Người phát ngôn của công ty đáp lại: “Nếu không có tên ‘Chris Roberts’ trên hộp, tự nhiên, người ta sẽ trông đợi ông tham gia hoàn toàn vào việc ra quyết định.”

Vẫn như trước đây, Roberts dường như rất tập trung vào khía cạnh phim bom tấn trong trò chơi của mình. Cloud Imperium thuê dàn diễn viên đông đảo và có lẽ đắt tiền, thậm chí theo tiêu chuẩn trong lĩnh vực trò chơi hiện nay, bao gồm Gary Oldman, Mark Hamill, Gillian Anderson cùng một số diễn viên nổi tiếng khác, và đưa họ đến London. Ở đó, Roberts trực tiếp hướng dẫn họ về Squadron 42 trong một studio ghi lại chuyển động được diễn viên Andy Serkis xây dựng. Gardiner cũng tham gia.

Có lúc, Roberts ấn định ngày phát hành Squadron 42 vào mùa thu năm 2015, cùng phiên bản thương mại đầy đủ của Star Citizen vào năm 2016. Hiện tại, Roberts cho biết phiên bản beta của Squadron 42 ra mắt trong năm 2020 và không dự đoán thời điểm ra mắt Star Citizen. Nhưng các cảnh quay có Oldman và Hamill trong bộ đồ ghi lại chuyển động của họ đã tỏ ra hữu ích, được đưa vào các video quảng cáo. “Có một câu chuyện điện ảnh với các diễn viên lớn là những gì mọi người mong đợi ở tôi,” Roberts nói.

ỦY BAN THƯƠNG MẠI LIÊN BANG đã nhận được 129 khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến Cloud Imperium, bao gồm những yêu cầu hoàn lại số tiền lên tới 24.000 đô la Mỹ, dựa trên thông tin được tiết lộ theo yêu cầu của đạo luật Tự do Thông tin. “Trò chơi mà họ hứa với chúng tôi hầu như không thể hoạt động. Hiệu suất rất tệ và vẫn còn ở giai đoạn ‘Alpha’,” một cư dân Florida, người năm ngoái tuyên bố đã chi 1.000 đô la Mỹ, phàn nàn. “Tôi muốn rút ra. Họ đã lừa chúng tôi.”

Cloud Imperium tuyên bố chính sách của họ liên quan đến việc hoàn tiền cho những người hâm mộ gửi yêu cầu trong vòng 30 ngày là công bằng, và nói thêm rằng công ty đang minh bạch quá trình phát triển trò chơi của mình. Mặc dù chưa có hệ sao nào trong số 100 hệ sao như hứa hẹn được hoàn thành, Roberts cho biết Cloud Imperium đã xây dựng các công cụ sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các hành tinh và mặt trăng trong tương lai, và tuyên bố hệ sao đầu tiên sẽ lớn nhất và phức tạp nhất. Hiện tại, người hâm mộ trả 45 đô la Mỹ cho con tàu đầu tiên và truy cập vào những gì đã được xây dựng, và những người góp tiền có được thứ gì đó trong tay. Gọi đó là trò chơi thì hơi quá, nhưng điều đó không ngăn được Roberts.

“Star Citizen là trò chơi có thể chơi được,” Roberts nhấn mạnh. “Nó có nhiều nhiệm vụ và nội dung phong phú hơn rất nhiều trò chơi đã hoàn thành.” Ông nói thêm 40.000 người đã chơi trực tuyến cùng nhau trong một tuần gần đây, và những chỉ trích về công việc phát triển của Cloud Imperium đã bị đẩy quá lên do những trò chơi khăm trên mạng. Vẫn còn nhiều người tin. “Tôi tin tưởng hoàn toàn,” theo Dan Paulsen, người góp tiền cho Star Citizen từ năm 2016. “Nếu có sự chậm trễ thì là do lý do chính đáng. Đó là vì họ muốn làm tốt hơn.”

Năm ngoái, Cloud Imperium công bố báo cáo tài chính cho thấy khoản chi lớn nhất của công ty là khoản tiền lương hằng năm lên tới 30 triệu đô la Mỹ. Nhưng các tài liệu không nêu chi tiết Roberts và Gardiner được trả bao nhiêu trong những năm qua. Tháng 9.2018, Roberts Family Trust, được ủy thác cho Gardiner, đã mua ngôi nhà trị giá 4,7 triệu đô la Mỹ tại khu vực Pacific Palisades ở L.A. Trước đó, Roberts đã thuê nó. Roberts cho biết ông đã bán ngôi nhà ở Hollywood của mình vào năm 2007 vì muốn trải nghiệm cuộc sống ven biển. Sau đó, ông thuê ngôi nhà này trong vòng mười năm vì không chắc mình có thích nó hay ở lại L.A. lâu dài hay không.

"Trò chơi mà họ hứa với chúng tôi hầu như không thể hoạt động. Hiệu suất rất tệ...Tôi muốn rút ra. Họ đã lừa chúng tôi."

“Tôi khá thành công trước khi thành lập Cloud Imperium,” Roberts nói, và chia sẻ thêm ông từng là đối tác của Origin, công ty được EA mua vào năm 1992 với giá 37 triệu đô la Mỹ, và ông còn được trả tiền với tư cách là chủ sở hữu chính của Digital Anvil khi Microsoft thâu tóm công ty. Roberts khẳng định chắc chắn ông không tư lợi từ Cloud Imperium và việc gọi

vốn của công ty là đúng nguyên tắc. Roberts nói ông nhận lương như một nhà điều hành trò chơi cao cấp điển hình.

“Tôi biết mọi người nghĩ chúng tôi chỉ có 200 triệu đô la Mỹ trong ngân hàng và chúng tôi ngụp lặn trong đó như chú vịt Scrooge McDuck,” ông nói, và chỉ ra rằng nhiều người chơi xem Star Citizen như một trò tiêu khiển tốn kém, như đánh golf. “Tất cả những gì tôi biết là khi mọi người đến với tôi, tôi nói, ‘Nhìn này, bạn không cần phải chi nhiều hơn 45 đô la Mỹ trong trò chơi này.’”

Theo Forbes Việt Nam