Bích Ngọc là một trong những người trẻ của phong trào về quê khởi nghiệp với các mô hình nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp sạch.
Vườn chè sinh thái Ngọc Trà được canh tác theo phương pháp organic và sản xuất với cam kết 6 không: không thuốc trừ sâu, không thuốc trừ cỏ, không phân hóa học, không biến đổi gen, không hương liệu phẩm màu và chất bảo quản.
Tuy nhiên, câu chuyện của Bích Ngọc không chỉ là chuyện gầy dựng một vườn trà nói không với hóa chất hay qua trình chế biến tuyệt đối tôn trọng hương vị tự nhiên của trà, mà là quá trình cô cố gắng thay đổi nhận thức của người dân Thái Nguyên rằng: cách canh tác và chế biến trà quá phụ thuộc vào hóa chất như bây giờ là sai và nếu làm trà sạch, họ không những bảo vệ được sức khỏe mà còn có thu nhập cao, ổn định.
Startup Bích Ngọc |
Mong ước lớn nhất trong năm mới của Ngọc là gì?
Bích Ngọc: Về công việc, mong ước lớn nhất trong năm nay của Ngọc là có đủ năng lực để thuyết phục bà con làm trà sạch nhiều hơn nữa, giúp diện tích được mở rộng hơn, đủ sức làm chuẩn hữu cơ quốc tế. Một khi vườn nguyên liệu cùng quy trình sản xuất đạt chuẩn hữu cơ như USDA, thì giá trị cây trà sẽ được nâng cao rõ rệt, việc xuất khẩu sẽ trở lên dễ dàng hơn.
Về gia đình, trong năm mới, Ngọc chỉ mong cả nhà ai cũng mạnh khỏe và vui vẻ là Ngọc đã cảm thấy biết ơn trời đất lắm rồi!
Theo tôi được biết biết, Ngọc đã có một năm 2017 rất sôi động, như tham gia cuộc thi khởi nghiệp, đi Thái Lan, tham gia các hội chợ khác nhau… Ngọc đã học được những gì thông qua những chuyến đi của mình trong năm 2017?
Bích Ngọc: 2017 là một năm tràn đầy hạnh phúc của Ngọc: việc làm trà theo hướng sinh thái ở vườn Ngọc Trà có thành quả rõ rệt, sản phẩm matcha cũng được cải tiến, hương vị ngon hơn nhiều so với trước đây…
Cũng trong năm 2017, Ngọc Trà nhận được sự quan tâm và giúp đỡ từ Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp – BSA, được động viên tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp và may mắn đạt giải ba; sau đó còn được đi Thái Lan học hỏi.
Đó thực sự là một bước trưởng thành của Ngọc, bởi qua những chương trình, buổi huấn luyện của BSA, Ngọc học hỏi rất nhiều thứ từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Khiến bản thân mình cảm thấy tự tin hơn và đầu óc cũng mở mang đựơc nhiều điều mới mẻ.
Đặc biệt là chuyến đi Thái Lan, Ngọc Trà cùng các chủ dự án tận mắt nhìn thấy nước bạn chú trọng phát triển nông nghiệp địa phương, nâng cao giá trị nông sản, đa dạng hóa về bao bì - chủng loại và thu nhập từ nông sản của nông dân cao như thế nào.
Sau chuyến đi, không chỉ Ngọc mà các chủ dự án, ai ai cũng tự tin hơn và quyết tâm phát triển nông nghiệp nước nhà. Vì rõ ràng, đất nước mình cũng có rừng vàng biển bạc, điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi để phát triển nông nghiệp và du lịch, không thua gì Thái Lan.
Ngoài ra, Ngọc cũng tham gia cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh Thái Nguyên và đạt giải nhì, qua đó cũng nhận được sự quan tâm, động viên và giúp đỡ của tỉnh. Các hội chợ triển lãm giúp Ngọc hiểu hơn về thị trường cũng như khách hàng, từ đó tìm ra hướng phát triển tốt hơn cho các sản phẩm của chính mình.
Là một người làm trà/chè, theo Ngọc thì thức uống truyền thống này có vai trò như thế nào trong các dịp lễ Tết của người Việt? Đặc biệt là ở vùng trà quê Ngọc?
Bích Ngọc: Truyền thống uống trà của người Việt không đâu có được, đó là một nét văn hoá đáng quý mà thế hệ trẻ cần gìn giữ và phát huy.
Ở quê hương Thái Nguyên mình, thì nhà nào cũng uống trà. Nhất là trong dịp lễ Tết, ai cũng đều để dành những ấm trà thơm ngon nhất mời khách.
Ngọc hay nói về trà sạch – trà bẩn. Vậy Ngọc có thể nói rõ, 2 loại trà này tác dụng cụ thể như thế nào đến sức khỏe của con người?
Bích Ngọc: Trà vốn là thức uống rất tốt cho sức khỏe con người. Trà có tính mát, chống oxi hoá mạnh mẽ, giúp ngăn ngừa ung thư. Ở Việt Nam, với khí hậu thổ nhưỡng đặc thù rất phù hợp với sự phát triển của cây chè, thì trà còn mang một hương vị đặc trưng mà không đâu có được.
Nhưng trà bẩn thì ngược lại, nó ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Bẩn ở đây có hai loại: bẩn do hoá chất và bẩn do thiếu vệ sinh.
Bẩn do hóa chất cũng có hai quá trình, một là bẩn từ quá trình chăm bón quá dư lượng phân thuốc như thuốc trừ sâu, trừ cỏ, kích thích tăng trưởng... Hai là bẩn trong quá trình chế biến như thêm hương liệu, phẩm màu, các chất độn không cho phép...
Chưa hết, việc sử dụng phân thuốc quá mức sẽ gây ảnh hưởng đến đất đai cây cối, người sản xuất tiếp xúc với hoá chất thường xuyên mà không có đồ bảo hộ phù hợp dễ gây nhiễn độc và bệnh tật. Người uống trà bẩn thường xuyên sẽ bị tích tụ chất độc hại trong cơ thể.
Còn bẩn do thiếu vệ sinh như để trà tiếp xúc với nền đất, nước thải thì ở Thái Nguyên hiện nay đã không còn nhiều.
Trong một vài status của Ngọc trên facebook gần đây, tôi nhận thấy, dường như thái độ của bà con quanh vùng về mô hình của Ngọc đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Cảm giác của Ngọc về những thay đổi đó như thế nào?
Bích Ngọc: Ngọc Thật sự rất hạnh phúc nhưng cũng tràn đầy lo lắng. Bởi, lo phải làm ăn sao cho tấn tới để không phụ sự kỳ vọng của bà con, có khả năng bao tiêu vườn cho bà con. Thế nên, trong năm 2018, Ngọc mong đợi sẽ có thêm nhiều khách hàng để cùng bà con mở rộng diện tích sản xuất trà sạch, sau đó tiến tới xuất khẩu.
Cám ơn Ngọc!
Quỳnh Như
The LEADER