Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Startup gõ cửa quỹ đầu tư

16/07/2018 09:54

Với các DN khởi nghiệp (startup), vấn đề vốn luôn là một thách thức không nhỏ giữa muôn trùng khó. Việc tìm đến các quỹ đầu tư được xem là giải pháp hiệu quả. Song muốn mở được cánh cửa của các quỹ đầu tư cũng cần có những “cách gõ” phù hợp.

Đầu tư từ ý tưởng

Ông Dzung Nguyễn, Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan những ngày gần đây đang trở thành tâm điểm của sự chú ý, khi cam kết rót 300.000 USD (trong đó 150.000 USD đổi lấy 15% cổ phần, 150.000 USD là khoản cho vay và chuyển đổi thành cổ phần trong 18 tháng) cho một DN khởi nghiệp rất mới là ViralWorks, trên chương trình SharkTank Việt Nam - thương vụ bạc tỷ.

Nhiều ý kiến cho rằng quyết định đầu tư của ông quá nhanh trong khi ý tưởng của ViralWorks lại không thực sự xuất sắc, cũng chưa đưa ra các thông tin về tình hình kinh doanh và nhiều yếu tố liên quan khác. Chính vì lẽ đó startup này đượccho là nhận tiền đầu tư không thuyết phục.
Thế nhưng, trong buổi chia sẻ với các bạn trẻ của Group Quản trị và khởi nghiệp mới đây, ông Dzung Nguyễn thẳng thắn trả lời câu hỏi vì sao đầu tư vào ViralWorks nhanh như vậy. Theo đó, bằng kinh nghiệm 11 năm của mình, ông nhận thấy đây là mảnh ghép DN đang thiếu và số tiền đầu tư 150.000USD vào công nghệ là không nhiều.
Rất cần phân biệt quỹ đầu tư chứ không phải là quỹ từ thiện, chính vì thế startup cũng không nên tiếp cận dưới dạng mong mỏi được giúp đỡ, mà phải tự tin để mời quỹ cùng tham gia đầu tư vào dự án của mình. Vì suy cho cùng đích cuối cùng của quỹ đầu tư cũng là lợi nhuận, và số tiền họ thu về khi thoái vốn. Thành công của startup cũng chính là thành công trong một thương vụ đầu tư của quỹ. 
Bà Trương Lý Hoàng Phi
Song quan trọng hơn, quyết định đầu tư của CyberAgent thiên hướng về con người và tiềm năng của sản phẩm, nghĩa là đầu tư cho tương lai nhiều hơn là quan tâm đến con số hiện tại. CyberAgent đã đầu tư những dự án từ thời đang ở giai đoạn rất sớm như Foody, Vicare, Tiki…
Theo ông Dzung Nguyễn, ViralWorks là dự án thứ 4 được đầu tư từ giai đoạn ý tưởng. “Nếu bạn nào có ý tưởng thực sự tốt, cháy với nó và tôi hiểu bạn, tôi sẵn sàng đầu tư, không quan tâm đến doanh số, lợi nhuận của startup ấy" - doanh nhân Dzung Nguyễn chia sẻ.
Startup gõ cửa quỹ đầu tư ảnh 1
Startup gõ cửa quỹ đầu tư ảnh 2
Lê Hồng Thảo Nguyên, Giám đốc ViraWorks đã thành công khi được một quỹ đầu tư rót 300.000USD, gấp 6 lần mong đợi ban đầu.)

Thực ra không chỉ riêng CyberAgent đầu tư từ giai đoạn ý tưởng, mà khá nhiều quỹ đầu tư tại Việt Nam hiện nay cũng sẵn sàng rót vốn cho các DN khởi nghiệp từ giai đoạn rất sớm, để hỗ trợ họ thực hiện ước mơ của mình như Faster Capital, một quỹ đầu tư đến từ Du Bai.

Ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch Trí Tri group, đối tác chiến lược của Faster Capital Việt Nam, thông tin quỹ này không giới hạn ngành nghề đầu tư nhưng phải có yếu tố đổi mới sáng tạo và phải có tư duy toàn cầu, vì kinh doanh hiện nay không chỉ giới hạn ở Việt Nam hay khu vực, mà ở đâu có khách hàng ở đó có thị trường. Nếu startup nào đang chỉ có ý tưởng mà không có đội ngũ về khoa học công nghệ… cũng như muốn tìm một người đồng sáng lập thì quỹ có thể đồng hành. Mức đầu tư của Faster Capital dự kiến sẽ từ 200.000USD đến 2 triệu USD.

Hiểu để gọi vốn thành công

Bí quyết đầu tiên thường được nhắc nhở cho các startup khi muốn gọi vốn từ quỹ chính là phải tìm hiểu lịch sử đầu tư của các quỹ đầu tư, xem cái gu của họ như thế nào, có phù hợp với bản thân và lĩnh vực mà mình đang theo đuổi hay không. Chẳng hạn có những quỹ chuyên đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, quỹ lại chuyên đầu tư mảng nhà hàng, thực phẩm…

Hiểu rõ điều này, startup sẽ không thất vọng khi gửi hồ sơ đến sai địa chỉ để rồi không nhận được bất cứ hồi âm nào. Bí quyết nằm lòng thứ hai chính là phải kiên trì, gửi hồ sơ rồi quỹ có thể gặp hoặc không, nếu không được gặp, đừng bỏ cuộc, bởi lẽ ít có công ty nào đi gặp nhà đầu tư một lần mà được ngay.
Khi được gặp rồi thì đâu là tiêu chí để quỹ xem xét và quyết định đầu tư? Chia sẻ về điều này, ông Phạm Lê Nhật Quang, Giám đốc đầu tư của VIG, chuyên đầu tư mảng nhà hàng nhấn mạnh đến 3 yếu tố: mô hình kinh doanh, ban quản trị và khả năng thoái vốn.
Thoạt nghe 3 yếu tố này rất lý thuyết và các bạn startup có thể được học ở nhiều nơi, nhưng khi đối diện với quỹ nên được hiểu cụ thể hơn. Đơn cử như với mô hình kinh doanh đừng nói về những mô hình độc nhất vô nhị, mà hãy nói mô hình này hướng đến khách hàng là ai, vì sao họ đến với mình và cách thức lấy tiền của họ như thế nào.
Ngoài ra có một điều quan trọng nữa cũng cần nắm rõ, là có không ít quỹ sẵn lòng đầu tư ngay từ khi startup mới chỉ có ý tưởng. Nhưng đó không phải là đa số, nhưng những ý tưởng đó thông thường phải có tính đột phá. Còn lại đa phần nên gọi vốn khi đang có những bước phát triển đáng tin tưởng. Điều này được bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) nhấn mạnh khi chia sẻ với các bạn trẻ đã và đang có ý định khởi nghiệp.
Theo bà Phi, để kêu gọi vốn thành công, startup cũng cần thời gian chuẩn bị hồ sơ và thuyết phục nhà đầu tư. Thêm nữa, khi đi tìm kiếm thêm nguồn lực từ bên ngoài, trong điều kiện và hoàn cảnh DN khỏe mạnh có nhiều lợi thế hơn khi đang bên bờ vực thẳm. Do đó, các startup nên gọi vốn khi DN của mình đang phát triển tốt, đừng đợi tới khi gặp khó khăn về tài chính hoặc có nhu cầu mở rộng thị trường mới tìm đến các nhà đầu tư.
Đặc biệt, khi tiếp nhận đầu tư của các quỹ, các startup phải sẵn sàng cho sự thay đổi. Khi muốn nhận bất cứ thứ gì đó từ người khác, bạn cũng phải trả giá xứng đáng. Sẵn sàng thay đổi để có thể hợp tác tốt với quỹ đầu tư là một trong những số đó. Khi các nhà đầu tư tham gia cùng startup, ngoài tiền họ còn mang tới kinh nghiệm quản trị, khả năng quản lý tài chính chuyên nghiệp…
Theo Thanh Lâm/Sài Gòn Đầu Tư

Bạn đang đọc bài viết "Startup gõ cửa quỹ đầu tư" tại chuyên mục Chuyện thương trường.