Telepro - nền tảng kết nối tư vấn viên với doanh nghiệp - đã từ chối 1 triệu USD của Shark Liên để nhận 300.000 USD của Shark Dzung trong tập 13 Shark Tank Việt Nam. Nhờ việc Telepro nhận được đầu tư của Shark Thủy trước đó, Shark Dzung mới đồng ý giảm số cổ phần hoán đổi xuống 15%, để "Shark Thủy khỏi lăn tăn, không lại bảo Shark Dzung ép Shark Thủy".
Xuất hiện đầu tiên trong Shark Tank Việt Nam tập 13 là "người quen" của Shark Dzung và cũng là startup đã nhận được đầu tư của Shark Thủy - Telepro.
Dự án "call center" gọi vốn 1 triệu USD, số lượng agent thoạt đầu nghe có vẻ OK nhưng tỷ lệ active lại quá thấp
Telepro là nền tảng kết nối tư vấn viên với các doanh nghiệp để thực hiện các công việc liên quan đến tele-marketing, chăm sóc khách hàng qua điện thoại. "Hiểu một cách đơn giản, Telepro giống như là 'Uber cho telemarketing'", Trung Hiếu - Cofounder của Telepro trình bày.
Bên cạnh việc cung cấp các tư vấn viên, Telepro còn cung cấp hệ thống báo cáo và hệ thống giám sát cuộc gọi cho doanh nghiệp.
Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 3, Trung Hiếu cùng đồng sáng lập Hồng Nhi muốn gọi 1 triệu USD cho 20% cổ phần của công ty.
Trả lời chất vấn của Shark Dzung về sự tiến triển của startup sau cuộc gặp với vị cá mập công nghệ trong Techfest tháng 11/2018, Hiếu cho biết hiện Telepro đạt doanh số 1 tỷ đồng/tháng. Xét về số lượng agent (ở đây là tư vấn viên), đã tăng từ 3.000 lên gần 12.000 tư vấn viên, tính đến tháng 6/2019. Tuy nhiên, khi bị chất vấn về số lượng active (hoạt động), Hiếu cho biết lượng active chỉ ở mức 400 - 500 người/ngày và chừng 2.000 người/tháng.
Để giải quyết bài toán "khủng hoảng cuộc gọi đến" của Shark Dzung khi vị cá mập này nhận được 20 - 30 cuộc gọi/ngày, chủ yếu là mời mua bất động sản, Hiếu cho biết Telepro có hệ thống blacklist để tránh làm phiền, tránh tạo thêm cái nhìn tiêu cực về doanh nghiệp cho người nhận cuộc gọi.
Giải pháp này lại không làm thỏa mãn Shark Hưng khi trong lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ convert (chuyển đổi) thành công chỉ chiếm 1 - 2 phần nghìn.
"Nếu cứ khách hàng không quan tâm thì cho vào blacklist, thì bọn em chỉ cần vài vòng gọi thôi, 99% database khách hàng vào blacklist hết", vị cá mập bất động sản bình luận.
Bên cạnh tỷ lệ agent active quá nhỏ, phí hoa hồng cũng là mức khiến Shark Dzung lăn tăn. Hiếu cho biết Telepro thu phí hoa hồng ở mức 50%, trong khi tất cả nền tảng trên thế giới, theo lời Shark Dzung, lấy nhiều nhất 30%.
Lý giải cho điều này, Telepro cho biết doanh nghiệp Việt Nam cần hỗ trợ quá nhiều và startup này đang tốn nhiều chi phí đầu tư các công việc hỗ trợ đó.
"Em là startup và em cần những người làm việc trên nền tảng đấy. Họ làm việc tốt thì mới có thêm khách hàng, mà em lại lấy chiết khấu cao. Đây là câu chuyện con gà quả trứng, mà em đang sai lầm khi từ đầu lấy quá nhiều phần trăm", Shark Dzung nói.
Startup đặt mục tiêu 3 năm tới sẽ thống trị thị trường Việt Nam, Shark Linh từ chối đầu tư vì thị trường VN không đủ lớn mà ra toàn cầu thì không đủ sức cạnh tranh
Telepro đã kêu gọi thành công 250.000 USD từ các nhà đầu tư thiên thần. Nhà sáng lập không giấu giếm tham vọng trong 3 năm tới sẽ dominate (thống trị) thị trường Việt Nam. "Thương hiệu Telepro sử dụng tên miền ".me" vì muốn sản phẩm đi được ra toàn cầu, muốn đi các nước trong khu vực, đến Philippines để thực hiện telesales cho Mỹ và Châu Âu", Trung Hiếu chia sẻ.
Telepro hiện đã có khách hàng Mỹ tìm đến, nhưng hiện chưa có đội Sales bán hàng cho Mỹ bởi chưa có agent nói được tiếng Anh.
"Công nghệ này đã phát triển nhiều, mà ở bọn em chị không thấy có nhiều điểm khác biệt. Để đánh vào thị trường Việt Nam thì không đủ lớn, để đánh ra thị trường nước ngoài lại phải có agent biết nói tiếng Anh. Để mở rộng mô hình kinh doanh của em rất khó, chị quyết định không đầu tư", Shark Linh nói.
Trái ngược với nhận định từ Shark Linh, "cá mập công nghệ" Dzung Nguyễn lập tức lên tiếng cho hay, Quỹ Cyber Agent đang đầu tư vào toàn bộ Đông Nam Á, những nước mà hai nhà sáng lập Telepro định triển khai "vị cá mập" đều có khả năng giúp đỡ.
"Quan trọng hơn là có một chiến lược định hướng làm sao cho sản phẩm em đi một cách bền vững hơn và làm sao tạo thu nhập cho chính Agent, hiệu quả cho chính khách hàng sử dụng. Cái đó là cái em nên tập trung vào chứ đừng nghĩ mông lung những cái khác", Shark Dzung Nguyễn nói kèm đưa ra đề nghị đầu tư 1 triệu USD theo giai đoạn như sau:
* Ngay sau khi thẩm định xong sẽ giải ngân 300.000 USD cho 20% cổ phần
* 700.000 sẽ lead round (dẫn đầu vòng gọi vốn tới) để làm sao startup gọi được 1,5 - 2 triệu USD cho vòng tiếp theo.
"Trường hợp có nhà đầu tư phù hợp vào anh sẽ bỏ thêm vào. Còn không có nhà đầu tư nào chứng tỏ em không đủ hấp dẫn để anh tiếp tục", Shark Dzung nói.
Nhận định đây là lĩnh vực tiềm năng tuy nhiên cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, kế hoạch lỗ chiến lược không rõ ràng và nhà sáng lập vẫn chưa góp vốn vào công ty nên hai Shark Phạm Thanh Hưng và Nguyễn Thanh Việt quyết định rút lui để nhường sân chơi lại cho Shark Đỗ Liên.
Tự nhận bản thân mặc dù ở tuổi "bà ngoại" nhưng vẫn rất ưa thích khám phá công nghệ, cùng lợi thế hệ sinh thái Data và hệ thống Agent của ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN, Shark Liên đưa ra đề nghị đầu tư đầy hấp dẫn là 1 triệu USD cho 51% cổ phần và tuyên bố các nhà sáng lập đã có thể nghỉ ngơi ngay lập tức trong năm 2019.
Lo lắng sở hữu ít cổ phẩn sẽ làm giảm mất động lực chiến đấu, hai nhà sáng lập Telepro mạnh dạn đưa thương lượng 1 triệu USD cho 25% cổ phần. Tuy nhiên, "cá mập bà ngoại" chỉ chấp nhận giảm tỉ lệ chiếm xuống mức 49% cổ phần kèm tuyên bố: "Các bạn muốn vẫn điều hành, nắm giữ cổ phần còn tôi muốn gắn kết cuộc đời bạn với cuộc đời tôi. Nếu Telepro vào hệ sinh thái LIAN, các bạn có hàng triệu user, hàng triệu Agent để các bạn có thể sale, các bạn có rất nhiều lợi thế để trở thành sàn giao dịch rất lớn cho thị trường".
"Em phải nên tập trung một giải pháp cho toàn bộ thị trường đa ngành, chứ không phải là một lĩnh vực. Nếu không thì lúc đấy, em đã là LIAN-Telepro rồi", Shark Dzung bình luận.
"Super app LIAN của tôi đa dạng, không chỉ dành riêng cho bảo hiểm. Tôi là người quyết định tài chính, mọi thứ khi các bạn cần tôi đều quyết định được", Shark Liên phản pháo.
"Anh cũng là người quyết định. Điều quan trọng nhất với những startup như của em thì em cần thêm vòng gọi vốn sau, nếu Founder chỉ nắm 51% thì vòng sau em đã ở dưới tỷ lệ đấy rồi", Shark Dzung bồi thêm.
Câu nói của Shark Dzung đã chạm tới lo lắng của 2 cofounder. "Em muốn Telepro phát triển to", Hiếu khẳng định và xin thời gian hội ý.
"Chọn tiền tương lai chứ không chọn tiền trước mắt", Telepro từ bỏ 1 triệu USD của Shark Liên để lấy 300.000 USD của Shark Dzung
Quay trở lại sân khấu, startup thương lượng với từng Shark nhưng cả Shark Liên và Shark Dzung đều giữ nguyên đề nghị ban đầu.
Lúc này, startup mới tiết lộ đã nhận được đầu tư của Shark Thủy trước đó. Hiện Shark Thủy sở hữu 10% cổ phần của Telepro với mức định giá 1,5 triệu USD. Và bất cứ nhà đầu tư nào cũng mong startup của mình up-round (vòng gọi vốn sau định giá cao hơn vòng gọi vốn trước).
Em cần một người đi đường dài với em hay em chỉ cần một khoản tiền? Em chọn tiền ngay bây giờ hay chọn tiền trong tương lai?
Nếu Shark Dzung giữ nguyên mức 300.000 USD đổi lấy 20% cổ phần, định giá của Telepro sẽ không đổi.
Nghe đến tên Shark Thủy, Shark Dzung xuống nước, offer mức 300.000 USD cho 15% để up-round. "Đây là một con số phù hợp để Shark Thủy khỏi lăn tăn, không lại bảo Shark Dzung ép Shark Thủy", Shark Dzung nói.
"Ngoài ra, anh cam kết rót thêm vòng tiếp theo tùy theo KPI là 700.000 USD, khi anh dẫn dắt vào thêm thì nhà đầu tư cũng dễ dàng vào. Thông thường các công ty anh đầu tư thì anh đi rất dài chứ không phải ngày mai anh ra. Những công ty anh đi cùng 5, 7, 10 năm, có công ty đi mười mấy năm rồi. Em cần một người đi đường dài với em, hay em chỉ cần một khoản tiền? Giờ em có 2 lựa chọn: Chọn tiền ngay bây giờ hay chọn tiền trong tương lai?"
Hai nhà sáng lập Telepro đã quyết định bắt tay cùng Shark Dzung Nguyễn để Telepro phát triển quy mô hơn chứ, không chỉ là một công ty SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) đều đều.
"Telepro có giấc mơ lớn hơn rất nhiều so với số tiền 1 triệu USD hiện tại", Nhi chia sẻ sau màn gọi vốn.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ