CEO 9X Phạm Khánh Linh cho biết từ khi quyết định phát triển Logivan, cô phải chấp nhận đánh đổi rất nhiều. Trong đó, việc là phụ nữ chính là rào cản lớn nhất để bước tới thành công nên cô phải học cách từ bỏ tính cách “dễ mến”.
Hành trình Logivan bắt đầu từ những chiếc xe "quay đầu rỗng"
Là diễn giả trẻ tuổi nhất chia sẻ tại buổi Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM với chủ đề "Từ khát vọng đến hành động", Phạm Khánh Linh – CEO của startup Logivan đã có những trải lòng về con đường khởi nghiệp thú vị với lĩnh vực "Uber xe tải".
Logivan được xem là một startup đình đám dưới sự điều hành của nữ CEO 9x Phạm Khánh Linh. Được thành lập từ tháng 11/2017, sau 2 năm Logivan đã hoàn thành 3 vòng gọi vốn gần 8 triệu đô từ các quỹ đầu tư thiên thần, các nhà đầu tư châu Á.
Tháng 8/2018, công ty gọi vốn thành công 1,75 triệu USD trong vòng Series A. Trước đó, LOGIVAN nhận khoản đầu tư 600.000 USD từ quỹ Insignia Ventures Partners tại Singapore. Tháng 2/2019, Logivan tuyên bố đã huy động được 5,5 triệu USD. Khoản đầu tư này đến từ các nhà đầu tư thiên thần và các công ty đầu tư mạo hiểm trên khắp châu Á, bao gồm đối tác sáng lập quỹ đầu tư Matrix Partners (Trung Quốc) David Su, quỹ Alpha JWC Ventures. Logivan cũng là đại diện startup Việt Nam nhận giải nhất cuộc thi Pitch@Palace - chương trình được khởi xướng bởi Hoàng tử Anh.
Phạm Khánh Linh cho biết hành trình đến với lĩnh vực Logistic của mình không hề có chủ đích từ trước mà là sự tình cờ. Khi về Việt Nam sau 7 năm học tập và làm việc tại nước Anh, Phạm Khánh Linh vào làm cho công ty gia đình. Khánh Linh học về công nghệ, IT nhưng công ty của gia đình lại làm về thuốc bảo vệ thực vật, không liên quan gì đến chuyên môn của mình. Tuy nhiên, cô muốn có cơ hội trải nghiệm tại đây để hiểu về các ngành nghề truyền thống ở Việt Nam, từ đó quan sát và tìm ra những thiếu sót để đưa công nghệ vào áp dụng và từ từ thay đổi.
Tuy nhiên, sau 1 năm làm việc thì một vấn đề lớn nhất mà cô nhận thấy chính là 10 chiếc xe tải của gia đình 100% quay đầu rỗng. Có nghĩa là xe chỉ chở hàng đi rồi về rỗng rất uổng phí. Từ đó, cô gái trẻ nhận ra thị trường vận tải Việt Nam tuy rộng, nhiều tỷ đô nhưng lại hoạt động thiếu hiệu quả. Do đó, Khánh Linh quyết định thành lập nên mạng lưới "Uber xe tải" để tận dụng tối đa lượng xe đi về rỗng, giúp kết nối chủ xe và các chủ hàng một cách hiệu quả.
"Mọi người không ở trong ngành không biết được ngành Logistic này rất phân mảnh. 90% các công ty vận tải Việt Nam chỉ có dưới 5 xe mà thôi. Sự phân mảnh này dẫn đến việc các xe quay đầu về chiều rỗng chiếm đến 70%, dẫn đến 1 sự lãng phí kinh khủng cho ngành Logistic Việt Nam. Trong khi đó, ngành này chiếm đến 21 % tổng GDP của Việt Nam, cao gấp 3 lần so với Singapore là 8%, gấp rưỡi Trung Quốc, Nhật Bản với khoảng 15, 16%.
Tôi xây dựng Logivan là để kết nối thẳng với chủ xe, không đi qua trung gian, môi giới nữa. Điều này sẽ giúp giảm chi phí Logistic cho các chủ hàng. Việc kết nối tốt hơn giữa chủ hàng - chủ xe sẽ giúp giúp chủ xe có nhiều mối hàng hơn và đi về rỗng ít hơn. Đây cũng là mục tiêu phủ sóng trong 5-10 năm nữa của Logivan", Phạm Khánh Linh nhấn mạnh.
Theo nữ CEO 9x, Logivan hiện có 200 nhân sự, có 3 văn phòng ở Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, mạng lưới xe tải là 44.000 đầu xe, hơn 30.000 chủ hàng nhỏ lẻ trên toàn quốc sử dụng nền tảng để kết nối chủ xe trực tiếp. Trong 2 năm qua, startup này đã ký hợp đồng với các tập đoàn lớn như Hòa Phát, Ajinomoto, Coca Cola, Unilever…
Đội ngũ AI trí tuệ nhân tạo của Logivan hiện có 8 thành viên, là các thạc sĩ tiến sĩ từ Nhật Bản, châu Âu đang ngày đêm cố gắng số hóa ngành vận tải bằng cách sử dụng mô hình thuật toán trí tuệ nhân tạo, dựa vào đó tính giá vận tải linh hoạt để giới thiệu đúng chuyến hàng cho chủ xe một cách phù hợp nhất.
Thân là phụ nữ chính là rào cản lớn nhất
Trong khi nhiều người nghĩ rằng khó khăn lớn nhất với startup là vốn thì Phạm Khánh Linh lại cho rằng chính vì bản thân mình là phụ nữ nên mới khó chạm đến thành công. Cô cho biết, từ ngày thành lập Logivan đã phải rất vất vả để biến mình thành người không còn dễ mến. Bởi việc "dễ mến" theo Khánh Linh là không đủ sức tạo dựng niềm tin để thuyết phục người khác cống hiến cho mình.
"Thường khi tôi hỏi mọi người về những doanh nhân nữ tài giỏi thì phần đa người ta không muốn dành thời gian đi câu cá, chạy bộ, hay cafe, thậm chí là làm việc với các nhà lãnh đạo giỏi là nữ. Vì khi nghĩ đến những doanh nhân nữ thì thường chúng ta đánh đồng về sự dễ mến, mà dễ mến thì liệu có giỏi không, có kỹ năng không, có làm được như lời họ nói không. Trong khi một người đàn ông cùng kỹ năng đó lại rất dễ thuyết phục người khác làm việc cho mình", Khánh Linh trải lòng.
Đây cũng là khó khăn lớn nhất khiến cho startup này mất thời gian rất lâu để tìm cộng sự. Mặc dù ý tưởng đã có, kế hoạch cũng đã vạch ra sẵn nhưng Khánh Linh thường bị từ chối bởi sự hoài nghi rằng "trông cô ta trẻ thế, dễ mến thế thì liệu có làm được những điều to tát như cô ta nói không?".
"Tôi lấy ví dụ, một giáo sư Đại Hoc Havard đã có một nghiên cứu khá thú vị. Trong một cuộc thảo luận, nhà giáo sư này đã đưa profile của 2 nhân vật, 2 người cùng profile, kỹ năng như nhau nhưng được đề tên khác nhau. Một người là nam, một người là nữ. Điều kỳ lạ là mọi người đều nhận xét 2 người này giỏi như nhau. Tuy nhiên, ở câu hỏi "nên làm việc cho ai" thì hầu hết mọi người đều chọn người đàn ông chứ không chọn cô gái. Họ nói rằng không muốn làm việc cùng cô này", Khánh Linh kể.
Rào cản là phụ nữ khiến Khánh Linh phải vất vả đi thuyết phục từng người rằng "Tôi có thể làm được", rằng "Uber xe tải" có thể phát triển ở Việt Nam, bởi nó đã được nhân rộng ở Trung Quốc, Mỹ…Tuy nhiên, rất khó vì người ta nhìn vào cô là phụ nữ, mà lại là phụ nữ dễ mến thì thường bị hoài nghi về khả năng lãnh đạo và dẫn dắt…
Vì quá khó khăn nên khi công ty lên đến 50 người, Khánh Linh đã quyết định tuyển thêm 1 nhân sự là con trai, người Tây về để thuyết phục mọi người Join vào công ty. Điều ngạc nhiên là người đàn ông này chỉ cần mất thời gian rất ngắn đã có thể tuyển dụng thành công, trong khi nữ CEO vất vả giải thích khản cả tiếng vẫn không có ai chịu về.
Khánh Linh cho biết hiện tại Logivan đã có 200 nhân sự, riêng bộ phận nhân sự cũng có khoảng 8, 9 người nên công tác tuyển dụng không còn khổ sở như trước. Tuy nhiên, cô cho rằng một nữ CEO khi đã lựa chọn làm người lãnh đạo thì phải chọn 1 trong 2.
"Mình không thể nào là CEO trẻ, nữ mà lại nhẹ nhàng và dễ mến được. Tôi chọn sự thành công của Logivan là quan trọng nhất. CEO phải có sự chuyên nghiệp, mạnh mẽ chứ không thể dễ mến mãi được nữa. Nói như thế để mọi người thấy rằng làm startup ngoài những khó khăn chung thì với những cô gái lại càng phải hy sinh và đánh đổi nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi mong rằng trong tương lai 10 - 20 năm nữa thì những định kiến về phụ nữ lãnh đạo sẽ không còn.
Nếu có con, một trai và một gái tôi cũng sẽ bảo chúng ‘Con hãy cố Reach for the Top – hãy biến khát vọng của mình thành hiện thực đi’. Tôi có thể nói với cả 2 người con nam và nữ mà không sợ con cái mình phải đánh đổi hay mất đi sự quý trọng của mọi người", nữ CEO Logivan kết lại.