Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Sự nhẫn nhịn của Toyota: Bị Mỹ áp thuế do bán quá rẻ, Toyota “bình tĩnh” xây nhà máy và tiếp tục sản xuất “rẻ rề” ngay tại đất Mỹ để đá văng đối thủ

24/08/2018 10:02

Vào những năm 70, các hãng ô tô Nhật Bản đã vượt qua rào cản thuế nhập khẩu của chính phủ Hoa Kỳ để “danh chính ngôn thuận” chiếm lĩnh thị trường Mỹ bằng chính nhà máy sản xuất tại đất Mỹ.


Vào những năm 70, các hãng ô tô Nhật Bản đã vượt qua rào cản thuế nhập khẩu của chính phủ Hoa Kỳ để “danh chính ngôn thuận” chiếm lĩnh thị trường Mỹ bằng chính nhà máy sản xuất tại đất Mỹ.

Toyota – chuyên gia "phá rào"

Sự nhẫn nhịn của Toyota: Bị Mỹ áp thuế do bán quá rẻ, Toyota “bình tĩnh” xây nhà máy và tiếp tục sản xuất “rẻ rề” ngay tại đất Mỹ để đá văng đối thủ - Ảnh 1.

Ô tô là một trong những sản phẩm đặc thù do khối lượng và trọng lượng đã vô tình tạo nên một rào cản về chi phí vận chuyển, khiến việc sản xuất ngay tại thị trường tiêu thụ trở thành một lợi thế rất lớn.

Nhưng định kiến đó không tồn tại được bao lâu khi Toyota bắt đầu xâm nhập thị trường Mỹ với hàng loạt mẫu xe được sản xuất tại Nhật Bản với giá bán tốt hơn hẳn những chiếc xe nội địa.

Giật mình trước kẻ phá bĩnh này, những hãng sản xuất xe Hoa Kỳ như General Motors buộc phải nhờ đến sự can thiệp của chính phủ để tránh mất thị phần, và vì ngành công nghiệp ô tô quá quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ vào thời bấy giờ, hàng loạt thuế nhập khẩu được ban hành để đẩy giá ô tô nhập từ Nhật lên bằng mức giá ô tô đang được sản xuất tại Mỹ.

Đối mặt với rào cản thuế quan mới, Toyota không những không phản kháng mà còn tập trung xây dựng hàng loạt nhà máy lớn ngay trên đất Mỹ nhằm "né" thuế nhập khẩu. Các hãng xe Mỹ dù nắm được kế hoạch trên nhưng vẫn tự tin rằng Toyota sẽ chẳng sản xuất nổi một chiếc xe với giá thành rẻ vì chi phí sản xuất tại Hoa Kỳ quá cao, và đặc biệt là khi họ là những người đã chấp nhận "sống chung với lũ" hàng chục năm qua.

photo-1

Và một lần nữa, định kiến trên lại bị Toyota vượt qua, hãng xe Nhật Bản nhanh chóng hoàn tất xây dựng nhà máy và tập trung tối ưu hóa chuỗi cung ứng của mình để cho ra đời hàng loạt mẫu xe với giá thành thấp hơn nhiều so với các đối thủ Mỹ.

Chuỗi cung ứng của Toyota được đánh giá là sự cân bằng "hoàn hảo" giữa hiệu quả về chi phí và sự hài lòng của khách hàng. Toyota luôn duy trì một mức dịch vụ "hợp lý", hướng tới khách hàng vào đúng nơi, tại đúng thời điểm và các đại lý luôn được bổ sung đúng sản phẩm, với đúng số lượng và với thời gian chính xác nhất.


Nhà cung cấp – Không phải rẻ là tốt

Sự nhẫn nhịn của Toyota: Bị Mỹ áp thuế do bán quá rẻ, Toyota “bình tĩnh” xây nhà máy và tiếp tục sản xuất “rẻ rề” ngay tại đất Mỹ để đá văng đối thủ - Ảnh 2.

Toyota không chọn nhà cung cấp có giá thấp nhất mà tin vào quá trình "cùng hợp tác và phát triển" để có những đối tác lâu dài và mối quan hệ hiệu quả nhất.

Nhà cung cấp của Toyota sẽ làm việc trực tiếp với phòng ban phát triển sản phẩm và điều chỉnh kế hoạch sản xuất phụ kiện cho phù hợp với yêu cầu của đối tác. Đặc biệt hơn, nhà cung cấp và Toyota luôn chia sẻ thông tin liên tục nhằm giảm các rủi ro có thể xảy ra và tăng tốc những công đoạn như thiết kế, phát triển cũng như sản xuất.

Toyota còn thường xuyên điều các nhân sự của mình qua hỗ trợ trực tiếp hay thậm chí là đề xuất những nhân sự lâu năm lên các vị trí cấp cao ở bên công ty đối tác. Điều này góp phần gia tăng sự tương thích giữa hai bên, đồng thời đảm bảo triết lý "sản xuất tinh gọn" của chính Toyota được mở rộng cho toàn chuỗi cung ứng.

Toyota luôn hướng tới việc thiết lập mối quan hệ lâu dài với một nhà cung cấp lớn, dù điều đó có thể tăng rủi ro khi nhà cung cấp này không đáp ứng được nhu cầu hoặc gặp sự cố, nhưng chiến lược này lại gia tăng sự tin tưởng và cam kết hợp tác một cách linh hoạt hơn so với quan hệ mua bán thông thường.

Sản xuất – Tiết kiệm, tiết kiệm nữa, tiết kiệm mãi

Sự nhẫn nhịn của Toyota: Bị Mỹ áp thuế do bán quá rẻ, Toyota “bình tĩnh” xây nhà máy và tiếp tục sản xuất “rẻ rề” ngay tại đất Mỹ để đá văng đối thủ - Ảnh 3.

Toyota luôn duy trì một hệ thống nhà cung ứng trong phạm vi 100 km xung quanh nhà máy để tiết kiệm chi phí vận chuyển và gia tăng tốc độ phản ứng với thay đổi. Để thu hút thêm đối tác, Toyota luôn cam kết một mức "sản xuất tối thiểu" nhằm đảm bảo nguyên liệu đầu vào với giá thành và chất lượng tối ưu.

Toyota còn là "giáo sư" của các triết lý sản xuất khi sở hữu Mô hình Sản xuất Toyota (Toyota Production System). Mô hình này ứng dụng "chiến thuật kéo" khi đưa nhu cầu của khách hàng làm trọng tâm và áp dụng vô số chiến thuật khác nhằm cắt giảm chi phí.

Tại Toyota, nguyên lý Just-In-Time không chỉ được áp dụng mà còn được hoàn thiện. Các phụ kiện trong nhà máy Toyota được kiểm soát và theo dõi cực kỳ sát sao, mỗi sự cố hoặc thiếu hụt đều được phát hiện để điều chỉnh kịp thời.

Ngoài ra thì các công nhân Toyota còn được khuyến khích và trao thưởng để thường xuyên tự tổ chức những buổi họp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tìm ra những khâu có thể tự động hóa. Giảm chi phí cho công ty và nâng cao chất lượng sản phẩm luôn là mục tiêu mà mọi người hướng tới.

Nhưng điều mà hiếm có đối thủ nào sao chép được từ Toyota là niềm tin vào con người, đối với các quản lý cấp cao, các đối tác của Toyota không phải chỉ là một "mảnh ghép" mà là một kho tàng kiến thức vô giá cho công ty.

Sự nhẫn nhịn của Toyota: Bị Mỹ áp thuế do bán quá rẻ, Toyota “bình tĩnh” xây nhà máy và tiếp tục sản xuất “rẻ rề” ngay tại đất Mỹ để đá văng đối thủ - Ảnh 4.

Có thể dễ dàng nhận ra tầm quan trọng của điều này qua một câu chuyện từ chính Toyota. Trong quá khứ, có một khoản thời gian khách hàng liên tục đưa xe đi bảo hành vì dấu hiệu rò rỉ ở bộ tản nhiệt. Thay vì làm tròn nhiệm vụ bảo trì cho khách hàng như bình thường, các cửa hàng phân phối đã thông tin với nhau và nhận ra rằng đây không phải là trường hợp hy hữu.

Sau đó, một báo cáo được tổng hợp và đưa lên nhà máy Toyota nhằm giải quyết triệt để vấn đề trên. Thay vì phải bỏ tiền để thuê tư vấn bên thứ ba, một nhóm công nhân lắp ráp trong nhà máy Toyota được giao trọng trách giải quyết và nhanh chóng phát hiện ra lỗi nằm ở một miếng đệm trong bộ tản nhiệt.

Được sự hỗ trợ của cả tập đoàn, một hệ thống theo dõi và quy trình sản xuất mới đã được áp dụng dưới sự tư vấn của các nhân viên trên, kết quả là quy trình mới đã tiết kiệm được 600 đến 700 USD trong tổng chi phí mỗi xe, thêm vào đó là 300 USD tiền bảo hành có thể xảy ra, nhân với số lượng xe được sản xuất mỗi năm, những ý kiến từ các người thợ lắp ráp đã tiết kiệm cho Toyota tới hàng triệu USD.

Bài học rút ra

Sự nhẫn nhịn của Toyota: Bị Mỹ áp thuế do bán quá rẻ, Toyota “bình tĩnh” xây nhà máy và tiếp tục sản xuất “rẻ rề” ngay tại đất Mỹ để đá văng đối thủ - Ảnh 5.

Đa phần các công ty được báo chí tung hô hiện nay đều áp dụng những chiến thuật táo bạo hoặc làm nên điều không tưởng bất chấp khó khăn. Đó chính là lý do Toyota trở thành một trường hợp khác biệt.

Không màu mè và cũng không khoa trương, Toyota dành phần lớn thời gian để nghiên cứu sự thành công của những "giấc mơ Mỹ" như Ford hay General Motors để không những hiểu rõ thế mạnh công nghệ của Mỹ mà còn nắm được những khó khăn mà các gã khổng lồ này phải đối mặt.

Và Toyota "bình tĩnh" chờ đợi. Chờ đợi đến khi chính họ rút ngắn được sự khác biệt về công nghệ của đối thủ, đến khi họ có thể kết hợp giữa thế mạnh đó và những bản chất riêng của mình để tạo nên một Chuỗi cung ứng đầy hiệu quả bất chấp chi phí vận chuyển, rào cản thuế quan hay địa điểm sản xuất.

Toyota chứng minh cho cả thế giới rằng "nhẫn nhịn" và "khiêm tốn" luôn là một đức tính của thành công. Điển hình là việc cả một đội ngũ Toyota đã đánh bại cả ngành công nghiệp ô tô lâu đời tại cường quốc số 1 thế giới, nhưng ít ai có thể kể tên một nhân vật "xuất chúng" trong đấy.


Lê Thanh Sang

Theo Trí Thức Trẻ