Sinh nhật 10 tuổi Winmart

SUNHOUSE - Dấu mốc thương hiệu sau gần 20 năm và quyết định bất ngờ của Shark Phú

05/09/2019 19:20

Nổi tiếng với những thương vụ 'chắc cốp' hay những câu hỏi hóc búa về bài toán doanh thu – lợi nhuận, Shark Phú gây nhiều tiếc nuối khi quyết định rời 'ghế nóng' Shark Tank mùa 3. Tất cả khởi nguồn từ một bình luận Facebook!

Doanh nghiệp đứng trước giai đoạn chuyển mình quan trọng

Shark Phú hay “Mr.Wonderful” là cái tên quen thuộc mà người xem dành cho ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SUNHOUSE khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam.

SUNHOUSE là cánh chim đầu đàn trong thị trường gia dụng nhà bếp Việt Nam với gần 2 thập kỷ có mặt, cùng mạng lưới 50.000 điểm bán, trên 500 nhà phân phối trên toàn quốc. Có thể nói, SUNHOUSE hiện đã có “tên” trong lòng khách hàng – đồng thời cũng có “tuổi” trên thị trường. Mà thị trường thì luôn đòi hỏi những cái mới.

Quyết định tạm rời “ghế nóng” Shark Tank, Shark Phú tập trung với chính “con đẻ” của mình – SUNHOUSE.

Chia sẻ lý do nghỉ làm “cá mập”, ông Phú cho biết: Ông vẫn thường xuyên lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng sau khi họ sử dụng sản phẩm của SUNHOUSE. Tham gia Shark Tank, SUNHOUSE được nhắc đến nhiều hơn, phản hồi của khách hàng về hàng hóa SUNHOUSE cũng tự nhiên mà xuất hiện. Đâu đó, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thực sự hài lòng với chất lượng sản phẩm. “Tôi nhận ra câu chuyện của chính mình: SUNHOUSE cần chuyển mình, để vươn lên một tầm cao mới”.

“Trong một số thời điểm, SUNHOUSE lựa chọn chiến lược kinh doanh phát triển nhanh, tập trung vào mở rộng thị trường. Thời kỳ đó, việc quản trị chất lượng và công nghệ sản xuất tại các nhà máy sản xuất đồ gia dụng như xoong, nồi chảo… không quá khó. Nhưng khi SUNHOUSE mở rộng sang các lĩnh vực khác, đặc biệt như hàng điện máy, gia dụng lớn như quạt điều hòa, điều hòa, thì vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa là chuyện khó khăn hơn rất nhiều”, ông Phú nói. Đó là chưa kể đến các yếu tố thị trường về cạnh tranh, về sự xuất hiện của các thương hiệu nước ngoài, các chính sách hỗ trợ/chăm sóc khách hàng…

Nhà máy ép khuôn nhựa - một trong ba nhà máy mới của SUNHOUSE.

Từ các bình luận của người tiêu dùng, trong đó có cả khán giả “ruột” của Shark Tank, bản thân người đứng đầu SUNHOUSE nhìn thấy một giai đoạn chuyển mình quan trọng của thương hiệu: Tập trung vào chiến lược nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm! Đây là một chiến lược dài hạn yêu cầu quyết tâm cao độ với khối lượng công việc điều hành tăng lên rất nhiều. Bởi thế, việc tạm dừng góp mặt trong dàn “cá mập” là điều tất yếu.

Làm chủ công nghệ là cách tốt nhất để quản trị chất lượng sản phẩm

Trong bước chuyển mình của SUNHOUSE, ông Phú cũng nhìn nhận điểm mấu chốt nhất để kinh doanh chất lượng là bản thân doanh nghiệp phải sở hữu công nghệ gốc cũng như tự sản xuất được các linh kiện chính.

Thực tế, chúng ta nhìn thấy nhiều thương hiệu toàn cầu mà giá trị cốt lõi chỉ nằm ở công nghệ thương hiệu đó nắm giữ, như Apple, Samsung, LG… Các phần cứng như gia công, lắp ráp và phân phối họ chủ động đặt ở nơi có nguồn tài nguyên dồi dào nhất, nhân công rẻ nhất, công suất sản xuất lớn nhất…

“Chiến lược trong giai đoạn mới của SUNHOUSE cũng chính là làm sao để nắm giữ công nghệ lõi cũng như tự hoàn thiện chuỗi cung ứng. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm sẽ được quản trị tốt hơn, chặt chẽ hơn, chủ động hơn”. Cũng theo Shark Phú tiết lộ, SUNHOUSE vừa đầu tư cùng lúc 3 nhà máy mới, kết hợp cùng 6 nhà máy hiện có tạo nên một hệ sinh thái sản xuất gần như hoàn chỉnh, bao gồm: Nhà máy sản xuất vi mạch điện tử, Nhà máy ép khuôn nhựa và Nhà máy lắp ráp.

Đặc biệt, nhà máy vi mạch này do SUNHOUSE liên doanh với một doanh nghiệp Hàn Quốc, tỷ lệ sở hữu ở mức 65%. Nhà máy này đạt tiêu chuẩn nhà cung cấp cấp 1 của Samsung, có thể làm các mạch trong smartphone, TV, điều hòa… Với nhà máy này, SUNHOUSE hướng tới trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của Samsung, LG ở Việt Nam, làm khách hàng của các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu…

Bài toán quản trị chất lượng sản phẩm của SUNHOUSE luôn có sự có mặt của các chuyên gia Hàn Quốc.

Hệ thống dây chuyền sản xuất hiện có cũng được đầu tư nâng cấp mỗi ngày với sự tư vấn, giám sát và kiểm định của các chuyên gia Hàn Quốc đầu ngành. Hiện tại, SUNHOUSE đang có hai cố vấn thường trực là ông Kim Young Jong – Nguyên Phó Tổng Giám đốc Hãng nồi cơm điện Cuckoo lớn nhất Hàn Quốc và ông Yoo Myung Joon – chuyên gia tư vấn cao cấp hãng Samsung tham gia trực tiếp vào quy trình quản lý chất lượng sản phẩm.

Sản xuất vốn là một bài toán khó, quản trị chất lượng sản phẩm càng khó hơn. Phải đạt được một nền tảng niềm tin vững chãi trong lòng người tiêu dùng, SUNHOUSE mới có thể mạnh dạn đầu tư cho bước ngoặt lớn này. Ông Phú cũng khẳng định, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên cho cả một chiến lược dài hơi mà ông và các cộng sự đang rất quyết tâm thực hiện.

Theo Báo Công Luận