Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Sụt hơn 13%, dầu WTI rớt mốc 70 USD/thùng, giảm mạnh nhất trong năm 2021

27/11/2021 12:32

Giá dầu ghi nhận phiên tồi tệ nhất từ đầu năm đến nay vào ngày thứ Sáu (26/11), giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tháng khi một biến thể Covid-19 mới làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm nhu cầu ngay khi nguồn cung tăng.

Giá dầu suy yếu trong bối cảnh thị trường bán tháo rộng rãi với chỉ số Dow Jones “bốc hơi” hơn 900 điểm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 25/11 đã cảnh báo về một biến thể Covid-19 mới được tìm thấy ở Nam Phi. Nó có thể kháng vắc-xin cao hơn do các đột biến của mình, mặc dù WHO cho biết cần phải điều tra thêm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu WTI sụt 10.24 USD (tương đương 13.06%) xuống 68.15 USD/thùng, rớt mốc quan trọng 70 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh nhất của hợp đồng này kể từ tháng 4/2020. Hợp đồng dầu WTI khép phiên dưới mức trung bình động 200 phiên – một chỉ báo kỹ thuật quan trọng – lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020.

Hợp đồng dầu Brent mất 11.55% còn 72.72 USD/thùng.

Cả 2 hợp đồng dầu đều giảm phiên thứ 5 liên tiếp, đánh dấu chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 3/2020.

Việc đi lại hạn chế và khả năng áp các lệnh phong tỏa mới, cả 2 đều có thể ảnh hưởng đến nhu cầu, ngay khi nguồn cung sắp tăng lên.

Vào ngày 23/11, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch giải phóng 50 triệu thùng dầu từ Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR). Động thái này là một phần trong nỗ lực toàn cầu của các quốc gia tiêu thụ năng lượng để làm dịu đà tăng nóng của giá nhiên liệu trong năm 2021. Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh cũng sẽ giải phóng một số lượng dự trữ quốc gia.

“Động thái bán tháo này là do lo ngại về tình trạng dư cung khá lớn vào đầu năm 2022, được dẫn đến bởi việc giải phóng SPR ở Mỹ và các quốc gia tiêu thụ khác, cộng thêm sự sự gia tăng mạnh liên tục số ca nhiễm mới Covid-19”, chuyên gia phân tích tại Commerzbank nhận định. “Hơn nữa, một biến thể có thể lây lan nhanh Covid-19 mới được phát hiện ở Nam Phi khiến sự lo ngại về rủi ro trên thị trường tài chính hôm nay tăng lên đáng kể”.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất đồng minh dự kiến nhóm họp vào ngày 02/12 để thảo luận về chính sách sản xuất tháng 01/2022. Và sau đó nhóm này đã duy trì mức tăng sản lượng từ từ bất chấp lời kêu gọi từ Nhà Trắng và các nước khác về nâng sản lượng khi giá dầu tăng lên mức đỉnh nhiều năm. Hợp đồng dầu WTI vọt lên đỉnh 7 năm vào tháng 10, còn hợp đồng dầu Brent tăng lên cao nhất trong 3 năm.

Dầu WTI hiện giảm hơn 15 USD kể từ mức đỉnh tháng 10 là 85.41 USD/thùng.

An Trần (Theo CNBC)