'Tái cơ cấu ngành đường sắt sẽ chạm tới quyền lợi cá nhân, tổ chức nhưng buộc phải làm'

16/04/2022 06:42

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), năm 2022, ngành đường sắt sẽ tái cơ cấu hết sức mạnh mẽ, có những việc sẽ động chạm tới quyền lợi cá nhân, tổ chức nhưng buộc phải làm bởi ngay bản thân lãnh đạo hay cán bộ lao động cũng trăn trở.

'Tái cơ cấu ngành đường sắt sẽ chạm tới quyền lợi cá nhân, tổ chức nhưng buộc phải làm'

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Như VietnamFinance đã thông tin, mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ban hành văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Theo đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý về chủ trương phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Cụ thể, thực hiện thu gọn đầu mối chi nhánh xí nghiệp đầu máy, từ 5 xuống 3 chi nhánh; chuyển nguyên trạng toàn bộ hoạt động, tài sản, con người đang có tại 3 ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1, 2, 3 về một ban quản lý dự án đường sắt có các điều kiện tốt nhất về quy mô, kinh nghiệm, thực tế... để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án đường sắt do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư; chấm dứt hoạt động của 2 Ban quản lý dự án đường sắt còn lại.

Phó thủ tướng cũng đồng ý việc hợp nhất Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt.

Phó thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại các doanh nghiệp, đơn vị nêu trên bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, phát huy hiệu quả, tuyệt đối không để thất thoát vốn và tài sản của nhà nước.

Trao đổi với báo chí về việc tái cơ cấu lại ngành đường đường sắt, ông Vũ Anh Minh cho biết việc hợp nhất Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn sẽ tăng cường tính chuyên môn hoá, tách bạch vận tải hàng hóa và vận tải hành khách, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, đầu tư vào vận tải hàng hóa, hành khách để khai thác nguồn lực xã hội về tài chính, công nghệ, thị trường và đặc biệt là quản trị.

Sau khi hợp nhất, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt; tiến tới xây dựng lộ trình thoái vốn tại công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa để thực hiện mục tiêu xã hội hóa vận tải hàng hóa đường sắt.

Liên quan đến các chính sách cho người lao động sau khi hợp nhất 2 đơn vị, ông Minh cho biết việc tái cơ cấu này là kế thừa lại toàn bộ, không phải cổ phần hóa, nên quyền lợi người lao động sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc sát nhập 2 đơn vị sẽ làm phát sinh lao động dôi dư cần giải quyết chế độ chính sách.

Để giải quyết việc này, theo ông Minh, đối với các vị trí đến tuổi nghỉ chế độ của khối lao động gián tiếp không tuyển dụng mới chỉ tiến hành điều chuyển trong nội bộ; khối lao động trực tiếp, trên cơ sở tận dụng nguồn lực chung của các đơn vị để phân công công việc, hạn chế tuyển dụng mới.

"Năm 2022, ngành đường sắt sẽ tái cơ cấu hết sức mạnh mẽ, có những việc sẽ động chạm tới quyền lợi cá nhân, tổ chức nhưng buộc phải làm bởi ngay bản thân lãnh đạo hay cán bộ lao động cũng trăn trở", ông Vũ Anh Minh nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết sẽ khẩn trương hoàn thiện phương án trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt. Nếu thuận lợi, VNR sẽ cần khoảng 8-10 tháng để hợp nhất sắp xếp lại các đơn vị.

Tại buổi làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về tình hình vận tải đường sắt năm 2021, kế hoạch vận tải đường sắt năm 2022, hồi cuối năm ngoái, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá hạ tầng đường sắt còn nhiều hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa được đầu tư tương xứng. 

“Để hiện đại hóa ngành đường sắt thì đòi hỏi nguồn vốn rất lớn bởi cần đầu tư đồng bộ cả hệ thống, không thể đầu tư hiện đại hóa từng phần”, Phó thủ tướng nói và cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hiện đại hoá ngành đường sắt.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng cán bộ, lãnh đạo ngành đường sắt phải đổi mới tư duy, quyết liệt, chủ động hơn nữa, có các giải pháp, cách làm mới để đưa ngành đường sắt phát triển hơn trong thời gian tới.

“Ngành đường sắt không thể như thế này mãi được, dứt khoát phải hiện đại hóa... Vai trò của người đứng đầu, của lãnh đạo, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc tổng công ty là quan trọng nhất, quyết định sự phát triển của ngành là ở các đồng chí”, Phó thủ tướng nói và cho rằng lãnh đạo ngành đường sắt phải mạnh dạn, chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá.

Theo Chí Bình/VietnamFinance