Sinh nhật 10 tuổi Winmart

‘Tại sao các Shark không mặn mà với startup F&B?’ và đây là câu trả lời của các nhà đầu tư

02/09/2019 12:22

Tại tọa đàm “Những sai lầm dẫn đến thất bại của startup” do Shark Tank Việt Nam tổ chức, một startup đưa ra câu hỏi, “Tại sao F&B (ngành thực phẩm và đồ ăn, uống) được đánh giá tiềm năng nhưng hiếm khi các startup trong lĩnh vực này được đầu tư trong chương trình Shark Tank Việt Nam?”.

Dưới đây là câu trả lời từ các “cá mập” của chương trình:

Shark Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Cengroup: Ý tưởng của các startup quá nhỏ, khó mở rộng quy mô

Theo Shark Phạm Thanh Hưng, hiện nay có nhiều startup tại Việt Nam cũng như thế giới trong lĩnh vực F&B rất thành công. Tuy nhiên đây là lĩnh vực mang tính “self-business”, tức là người sáng lập tự làm. Việc gọi vốn không quá cần thiết trong trường hợp này.

“Tuy nhiên, thời gian gần đây mảng đặt đồ ăn trên các app như Foody, Grab, Uber... rất phát triển. Điều này làm dịch chuyển ngành F&B, mô hình bếp ảo (cloud kitchen) bắt đầu hình thành và dần thay thế bếp thật. Có những nhà hàng nổi tiếng nhưng không cần nhà hàng, họ chỉ cần một cái bếp, mọi món ăn được bày trên mạng, người tiêu dùng đặt hàng online. Tôi nghĩ đó sẽ là xu hướng mới. Còn nếu F&B truyền thống như mở chuỗi nhà hàng thì ở Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp thành công”, Phó Chủ tịch Cengroup nói.

Doanh nhân này đánh giá ẩm thực của Việt Nam là lợi thế khi khởi nghiệp và ông rất ủng hộ những ý tưởng startup trong lĩnh vực F&B.

“Đáng tiếc là các startup trình bày trên Shark Tank, ý tưởng F&B của các bạn quá nhỏ, sản xuất sợi mỳ, nước mắm, giấm rất khó để mở rộng quy mô”, Shark Phạm Thanh Hưng chia sẻ.

batch-toa-dam-4-8883-1567351893.jpg

Shark Dzung Nguyễn, Shark Phạm Thanh Hưng và Shark Nguyễn Hòa Bình (từ trái qua phải). Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech: Rủi ro cao, tỷ suất lợi nhuận cho nhà đầu tư không cao

Theo ông Bình, về mặt phân tích kinh doanh, rủi ro ngành F&B rất cao, mở 10 nhà hàng thì 8 nhà hàng vắng khách. Trong khi đó tỷ suất lợi nhuận cho nhà đầu tư không được cao lắm. Khi đầu tư cho các nhà hàng truyền thống, mức độ tăng trưởng doanh thu thường đi kèm với chi phí, cộng với công sức quản lý, con người.

“Trên thực tế, có nhiều quỹ đầu tư truyền thống rót vốn vào các chuỗi F&B. Tuy nhiên tôi nghĩ cần làm rõ về khái niệm startup - đó phải là các doanh nghiệp có sự đổi mới sáng tạo, thị trường rộng và có khả năng tăng trưởng cao”, Chủ tịch NextTech nói.

Shark Dzung Nguyễn, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent Việt Nam & Thái Lan: F&B phù hợp với quỹ PE hơn là quỹ đầu tư mạo hiểm

Theo Shark Dzung, nhà đầu tư có 2 loại là nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư cá nhân. Với nhà đầu tư cá nhân, startup có thể hoàn vốn cho họ bằng cách chia cổ tức – đó là cách thông thường và dễ nhất. Nhưng với nhà đầu tư tổ chức, đa số họ đầu tư vào để xây dựng giá trị doanh nghiệp tăng chứ không phải chia cổ tức vì chia cổ tức là một hình thức làm cho giá trị doanh nghiệp giảm.

“Không phải họ không quan tâm đến F&B mà nhà đầu tư tổ chức muốn tìm kiếm những mô hình kinh doanh có thể mở rộng quy mô nhanh trong một thời gian ngắn, những startup này cần tiền của họ và vì vậy họ mới bơm tiền vào để cho doanh nghiệp phát triển”, Shark Dzung nói.

Theo “cá mập công nghệ”, các công ty trong lĩnh vực F&B nhưng biết ứng dụng công nghệ, tối ưu hóa vận hành vẫn huy động được vốn, thậm chí rất lớn như The Coffee House.

“Tất cả những mô hình kinh doanh đó người ta gọi là “new retail”, tức là ứng dụng công nghệ vào để phát triển. Nếu startup làm được như hướng đó thì sẽ gọi được vốn”, Shark Dzung nói.

Cũng theo Shark Dzung, thường đầu tư vào lĩnh vực này là các quỹ PE (private equity – đầu tư vốn tư nhân) chứ không phải là các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Intracom: Sẽ đầu tư vào startup cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe

Theo Shark Việt, F&B vẫn có thể phát triển và làm lớn được nhưng chỉ có điều chưa có startup dám làm.

“Chăm sóc sức khỏe không phải ốm mới đến mà là chăm sóc từ lúc sinh ra, ăn cái gì cho khỏe. Việt Nam sống trên rừng thuốc mà lại nhập thuốc về. Tại sao không làm cái gì để ăn khỏe”, ông Việt nói.

Chủ tịch Intracom cũng cho biết, nếu còn tham gia Shark Tank những mùa sau, ông sẽ đầu tư vào những startup có thể cung cấp thực phẩm sạch và an toàn cho sức khỏe.

Linh lam/NDH