Từ 2017, nhiều tháng trước cuộc sáp nhập với Uber để trở thành ứng dụng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á, Grab đã biết rằng mình có vấn đề về "điểm đón".
Mặc dù lượng chuyến xe gần như tăng gấp đôi mỗi tháng, nhưng rất nhiều khách hàng của Grab thấy khó chịu khi không thấy xe đến đón mình, còn tài xế thì hoang mang và bực bội.
Ở Singapore, nơi có trụ sở của Grab, người dùng thường phải đi bộ đến 80m để tìm được xe. Ở các thành phố khác, như Yangon, họ có thể phải đi bộ đến 300m.
Khoảng cách đến điểm đón cần phải được giảm xuống nếu Grab muốn tiếp tục giữ vững tốc độ mở rộng thị trường của mình.
Vì thế, Ajay Bulusu, một người từng làm việc cho Google, đã gia nhập Grab vào năm 2017 để thành lập một đội nhằm giải quyết vấn đề này.
Mười tám tháng sau đó, đội bản đồ gồm 250 thành viên (trong đó 100 người ở Ấn Độ) – đã xem xét tỉ mỉ gần một triệu km đường ở 20 thành phố trong khu vực Đông Nam Á. Kế hoạch cho năm tới là 100 thành phố và 4 triệu km đường.
Chấm xanh trên màn hình điện thoại
Không phải là Grab hay một nhà cung cấp nào đó không có bản đồ. Vấn đề là mức độ chi tiết hiện có mà thôi. "Chẳng hạn sân bay Changi có trên bản đồ, nhưng Nhà ga 1, Cửa ra tàu bay 1, Tầng hầm 1 hiện không có trên bản đồ", Blusu giải thích.
Để giải quyết vấn đề này, Grab quyết định nhận diện các điểm nút, và dùng mọi thứ từ máy học và phản hồi từ khách hàng/tài xế, cho đến hình ảnh từ vệ tinh và xem xét trực tiếp tận nơi một số địa điểm có tần suất gọi xe cao để tìm đúng các điểm nút.
Tác động của các điểm đón chính xác (chấm xanh trong ứng dụng) ngày càng rõ rệt. Khoảng cách đến điểm đón trung bình ở Singapore giảm xuống còn 30m. Ở Yangon, con số này là 70m. "Việc bổ sung nhiều điểm đón khác nhau và khiến mọi thứ chính xác hơn đã giúp mọi việc sáng sủa thêm", Bulusu nói.
Toàn bộ quá trình này cũng có sự trợ giúp của các lái xe và người dùng. Từ tháng 10/2017 đến tháng 1/2018, Grab nhận được 50.000 phản hồi từ các tài xế – đó là những thông tin về các điểm đón khó tiếp cận hay những lối đi dễ dàng hơn – ở 5 quốc gia. Khách hàng của Grab cũng đóng góp 1.900 phản hồi, dẫn đến tổng số 2000 cập nhật bản đồ.
Vẽ bản đồ Indonesia từ Ấn Độ
Grab cũng được nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ Yantisa Akhadi – giám đốc quốc gia của Humanitarian OpenStreetMap Team, một tổ chức phi chính phủ tại Indonesia gồm 40 nhân viên và hơn 4.000 tình nguyện viên.
Công việc của Akhadi chủ yếu là cải tiến bản đồ để quản lý rủi ro tại Indonesia – nơi có 17.000 hòn đảo với gần 270 triệu dân. Akhadi làm việc với đội bản đồ từ xa của Grab. Nếu có một quãng đường khoảng 5km chưa được lập bản đồ, đội bản đồ sẽ kết hợp hình ảnh vệ tinh với dữ liệu định vị GPS từ các taxi của Grab để đưa vào cơ sở dữ liệu của mình. Sau đó họ cần khẳng định tên đường hoặc tìm hiểu các thuộc tính khác – đó là đường một hay hai chiều? Có hạn chế phương tiện gì không? – đây là lúc Akhadi và các tình nguyện viên bắt tay vào việc.
Cùng với nhau, Grab và HOT đã khảo sát kỹ lưỡng các con phố ở 15 thành phố lớn nhất của Indonesia để tạo dữ liệu bản đồ giúp Grab cạnh tranh với đối thủ lớn nhất trong khu vực là Go-Jek.
Có trụ sở tại Jakarta, Go-Jek là công ty công nghệ kỳ lân đầu tiên của Indonesia và cũng chuyên về các dịch vụ vận chuyển, giao đồ ăn, thanh toán và các dịch vụ hàng ngày. Hiện Go-Jek đang có dịch vụ ví điện tử lớn nhất Indonesia và điều hành mạng lưới vận chuyển đồ ăn lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc. Mặc dù Go-Jek đang mở rộng ra khắp khu vực Đông Nam Á, cố gắng thách thức vị trí thống lĩnh của Grab nhưng trận đánh lớn nhất sẽ là trên chính sân nhà, nơi chiếm tới 40% dân số toàn khu vực.
Indonesia hiện đóng góp khoảng 37% tổng GDP toàn khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2025, khi nền kinh tế internet toàn khu vực đạt mức 240 tỷ USD, riêng thị trường Indonesia được kỳ vọng sẽ đạt 100 tỷ USD.
Xét riêng về lĩnh vực gọi xe/giao đồ ăn, Indonesia sẽ chiếm tới một nửa thị trường khu vực vào năm 2025. Dựa vào quy mô của nước này, có thể nói nó đóng vai trò tối quan trọng cho một công ty như Grab nếu muốn khẳng định vị trí của mình trên toàn khu vực.
Đinh Vân
Theo Trí Thức Trẻ