Tại sao ngành điện mãi loay hoay với “cơ chế”?

13/04/2022 07:08

Đầu tháng 4 này, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo động khả năng thiếu điện ở miền Bắc do các nhà máy nhiệt điện thiếu than và đề xuất cần sớm có cơ chế phát triển nhanh các nguồn điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, liệu các nhà đầu tư có dám hưởng ứng lời kêu gọi của EVN khi mà cũng đúng thời điểm này, các nhà máy điện gió đang phải kêu cứu lần thứ nhì đến Thủ tướng về việc họ không được vận hành do “vướng cơ chế” từ phía Bộ Công Thương.

truyen-tai-dien-7356-1649808450.jpg

Bộ Công Thương là đơn vị chịu trách nhiệm về chính sách vĩ mô phát triển ngành điện, thế nhưng thực trạng phát triển ngành điện thì có quá nhiều vấn đề vướng mắc từ tầm nhìn, cơ chế giải quyết đến trách nhiệm quản lý. Nhiệt điện thì thiếu than kéo dài từ nhiều năm qua, thủy điện thì năm nào cũng xảy ra những vụ xả lũ đột ngột gây thiệt hại cho người dân vùng hạ lưu, điện mặt trời thì nhiều sai phạm trong quá trình triển khai còn điện gió thì một loạt các nhà máy điện gió phải kêu cứu Thủ tướng đến lần thứ hai vì họ không được hoạt động do vướng cơ chế.

Theo thông tin EVN cho báo chí biết hôm 30-3, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện, nhiều tổ máy tại các nhà máy nhiệt điện phải dừng, giảm phát do thiếu than.

Thiếu than không phải là vấn đề mới hay đột ngột xảy ra mà đây là điều đã được báo động nhiều lần vì từ năm 2018, Hiệp hội Năng lượng đã dự báo tình trạng thiếu cả than và khí cho các nhà máy nhiệt điện sẽ tăng nhanh. Không rõ sau các cảnh báo từ giới chuyên môn thì Bộ Công Thuong đã có những giải pháp gì nhưng cho đến tận năm 2022, tình trạng thiếu than vẫn tiếp tục ở mức độ nghiêm trọng.

Đầu tháng 4, trong báo cáo về tình hình cung cấp điện giai đoạn 2022-2025, EVN đề xuất sớm có cơ chế phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực miền Bắc nhằm tránh nguy cơ thiếu điện. Trong đó, đến năm 2025 cần đưa vào vận hành thêm khoảng 5.500 MW các nguồn điện tái tạo, gồm 4.000 MW điện gió và khoảng 1.500 MW điện mặt trời.

Thế nhưng liệu các nhà đầu tư năng lượng tái tạo liệu có còn niềm tin khi chứng kiến các chính sách vĩ mô liên quan đến phát triển nguồn điện hiện nay còn nhiều bất cập. Một số nhà đầu tư điện gió cho biết họ đứng trước nguy cơ phá sản vì nhà máy đã hoàn thành, điện đã hòa lưới thành công nhưng không được phép vận hành vì phải chờ cơ chế mới từ Bộ Công Thương mà cơ chế này đến nay vẫn còn đang là dự thảo.

Trong đơn kêu cứu gửi lên Thủ tướng, các doanh nghiệp này cho biết do tác động của những yếu tố khách quan như dịch Covid, thời tiết bất thường… khiến cho việc thử nghiệm kỹ thuật – khâu cuối trong quy trình công nhận vận hành thương mại (COD) – đã không kịp thực hiện trước ngày 31-10-2021 để hưởng giá ưu đãi (giá FIT) theo Quyết định 39/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió.

Các dự án nhà máy điện gió như Nhơn Hội, điện gió Nam Bình 1, điện gió Cầu Đất và điện gió Tân Tấn Nhật đều đã hoàn thành các khâu xây dựng, lắp đặt và có chứng nhận nghiệm thu hoàn thành công trình trước ngày 31-10-2021, có giấy phép hoạt động điện lực, đã hòa lưới trên hệ thống điện quốc gia và được ghi nhận trên dữ liệu điện tử của EVN.

Do quy trình COD bị chậm trễ, cơ chế giá FIT theo Quyết định 39 đã hết hiệu lực, nên các doanh nghiệp trên vẫn gặp vướng mắc ở công tác thử nghiệm cuối cùng và phải chờ cơ chế hướng dẫn mới thay thế Quyết định 39 được gọi là cơ chế chuyển tiếp. Cho đến hiện tại, 5 tháng đã trôi qua sau khi Quyết định 39 hết hạn, Bộ Công Thương vẫn chưa đưa ra được cơ chế chuyển tiếp này. Cách làm chính sách đủng đỉnh như vậy đã khiến các nhà đầu tư điện gió mắc kẹt và kêu cứu khắp nơi.

Nguồn điện sẽ tiếp tục bất ổn khi cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý vĩ mô cứ mãi loay hoay với “cơ chế” và bắt doanh nghiệp “chờ cơ chế”!

Theo Song Nghi/Vietstock