Tào Tháo – nhân vật lẫy lừng thời Tam Quốc háo sắc quá mức để đến nỗi ý chí, tâm nguyện làm người thống nhất giang sơn cuối cùng đã không thực hiện được.
Đại gia chi 10 tỷ đồng để mua bức tranh do... 'trí tuệ nhân tạo' vẽ / Ai mới xứng danh là đệ nhất cao thủ trong thế giới võ hiệp của Kim Dung?
Các nhà sử học Trung Quốc nghiên cứu về nhân vật lịch sử này đã rút ra kết luận: Tào Tháo không thể thống nhất thiên hạ được chỉ vì quá háo sắc! Vì sao nói nguyên nhân căn bản khiến Tào Tháo không thể thống nhất thiên hạ được do háo sắc? Xem xét kỹ lịch sử Tam Quốc, sẽ thấy được ông ta đã mất những gì do cố tật này.
Quá nhiều thê thiếp, thành phần phức tạp
Trong cả đời mình, Tào Tháo lấy tất cả bao nhiêu người đẹp làm vợ, hiện vẫn chưa thể thống kê chính xác, còn theo ghi chép trong sử liệu thì có tới 15 người vợ có tên tuổi rõ ràng, nhưng thành phần lại rất phức tạp: Chính thất Đinh phu nhân tính cách cao ngạo, Biện phu nhân xuất thân kỹ nữ, còn nhiều nhất là vợ người khác cướp được qua chiến trận.
Với một bầy đàn thê thiếp phức tạp như thế, đối với một trang nam nhi nuôi chí lớn đánh lấy thiên hạ, hẳn phải mất rất nhiều tinh lực trong việc quản lý để “vườn nhà” không “bốc lửa”.
Theo sử liệu, Tào Tháo có tất cả 25 người con do nhiều bà vợ sinh ra. Cụ thể: Chính thất Đinh phu nhân không có con; Biện Thị (Biện phu nhân, tức Vũ Tuyên Hoàng hậu) xuất thân kỹ nữ nhưng được Tào Tháo trọng thị và tin tưởng nhất, giao cho thay mình quản lý gia đình, sinh được 4 con trai: Tào Phi, Tào Thực, Tào Chương, Tào Hùng. Lưu Thị sinh 2 con Tào Ngang, Tào Thước. Hoàn Thị sinh 3 con Tào Xung, Tào Cứ, Tào Vũ. Tần Thị sinh 2 con Tào Tuyền, Tào Tuấn. Doãn Thị sinh Tào Củ.
Đỗ Thị (vợ cũ của Lã Bố) sinh 2 con Tào Lâm, Tào Cổn, Châu Thị (thím của Trương Tú) không có con, Lai Oanh Nhi, một kỹ nữ không có con. Còn lại 11 người con khác không xác định được do những ai sinh ra, là: (Tào) Cán, Thượng, Bưu, Cần, Thặng. Chỉnh, Kinh, Quân, Cức, Huy, Mậu.
Bộ hạ phản biến, chết con, mất tướng
Đó là chuyện xảy ra khi Tháo cố cướp lấy Châu thị, vợ bé của Trương Tế. Năm đó, Tào Tháo mang quân xuống phía Nam đánh Uyển Thành, Trương Tú - cháu đồng thời là con nuôi Trương Tế - khi đó đã theo hàng Tháo. Trương Tú khi đó là một tay quân phiệt nổi tiếng, thế lực rất lớn, lẽ ra Tháo sẽ có thêm sức mạnh mới để có thể thành công trong việc “võ luận thiên hạ” trong tình hình lúc bấy giờ.
Thế nhưng, Tào Tháo khi thấy Châu thị, người thím của Trương Tú, rất xinh đẹp liền cướp lấy. Trương Tú không chịu được hành động bạo ngược của chủ mới, liền dấy binh phản loạn, đem quân đánh Tháo ngay trong đêm.
Trận chiến vì thù riêng đó đã khiến Tháo thiệt hại rất lớn: con trai Tào Ngang, cháu là Tào An Dân và ái tướng là Điển Vi đều mất mạng vì liều chết bảo vệ Tháo; bản thân Tháo cũng bị thương, suýt mất mạng nếu không nhanh chân chạy thoát.
Còn Trương Tú sau đó luôn trở thành mối họa lớn đối với Tháo vì hai người đã mất đi lòng tin với nhau, nên Trương Tú cứ trăn trở giữa hàng và chống. Ảnh hưởng của Tú khi đó rất lớn khiến Tháo “tứ phương thọ địch”.
Việc mất cả con, cháu và viên tướng yêu chỉ vì một người đàn bà đã gây nên tổn thương tâm lý và ảnh hưởng rất lớn đến đại nghiệp “nhất thống thiên hạ” của Tào Tháo. Các sử gia cho rằng: Tào Tháo là “đại ca” phương Bắc, nhưng phương Bắc luôn không ổn định chính là do bản tính háo sắc của Tào Tháo khiến người ta không tin vào ông.
Đặc biệt, việc con cả Tào Ngang – người rất được chính thất Đinh phu nhân yêu quý, cưng chiều - bị chết vì thói dâm ô của Tháo đã khiến bà này tức giận, kiên quyết đòi ly hôn. Đối với thời đó, đây là chuyện hiếm thấy, đồng thời là đòn rất mạnh giáng vào Tào Tháo.
Tranh mỹ nhân với Quan Vũ
Chuyện Tào Tháo tranh mỹ nhân với Quan Vũ được ghi chép tỷ mỉ trong “Tam Quốc chí”. Thiên “Thục Ký” chép rằng: Tào Công và Lưu Bị vây Lã Bố ở Hạ Bì. Lã Bố phái Tần Nghi Lộc ra ngoài thành cầu cứu Thái thú Hà Nội Trương Dương. Quan Vũ nghe nói vợ Lã Bố rất xinh đẹp đang ở thành Hạ Bì bèn mấy lần thỉnh cầu Tào Tháo: “Vợ tôi không sinh con; đánh hạ thành, xin được lấy vợ Lã Bố”.
Tào Tháo đồng ý. Phá giặc xong Tháo thấy Quan Vũ sốt ruột xin lấy vợ Bố nên sinh nghi, đoán chắc Đỗ thị hẳn rất đẹp nên cho truyền gọi đến, quả nhiên là trang quốc sắc thiên hương, Tháo bèn bèn giữ lấy cho mình. Quan Vũ rất tức giận.
Khi đó Lưu Bị đang liên minh với Tào Tháo, Quan Vũ là bộ hạ Lưu Bị thì cũng là bộ hạ Tào Tháo, sau khi dẹp được Lã Bố, Quan Vũ thích gái đẹp cũng là chuyện thường tình, huống hồ trước đó Tào Tháo đã đồng ý “cho” Vũ.
Thế nhưng, sau khi thấy người phụ nữ đó quá đẹp, Tháo bèn giữ lại cho mình, không cho Vũ nữa. Đối với một người hùng tài đại lược như Tào Tháo muốn lấy người đẹp nào chả được, sao phải tranh cướp một người với bộ hạ? Đó lẽ ra là cơ hội để Tháo tác thành, chiếm lấy nhân tâm, hơn nữa đó lại là Quan Vũ – một nhân vật không tầm thường.
Vậy mà, khi đó Tháo quên phắt mất lý tưởng của mình, chỉ chìm đắm trong nữ sắc, đẩy một viên hổ tướng ra khỏi vòng tay mình, khiến Vũ một lòng đi theo Lưu Bị. Về sau, Lưu Bị trở thành một trong ba chân vạc, không biết khi đó Tào Tháo có hối hận lẽ ra không nên cướp vợ của Quan Vũ hay không?
Cướp mỹ nữ khiến hai con trai giỏi nhất bất hòa
Chuyện ba cha con Tào Tháo cùng yêu một người phụ nữ đã trở thành một giai thoại trong dân gian. Khi đó, đại chiến Quan Độ, Viên Thiệu binh bại, thứ chiến lợi phẩm Tháo muốn có nhất chính là nàng Chân Mật, vợ bé của Viên Thiệu.
Không ngờ “cha nào con nấy”, con trai Tháo là Tào Phi cũng luôn bí mật theo đuổi mỹ nhân này. Do đó, chiến trận chưa chấm dứt, Tào Phi đã dẫn quân xông vào trước cướp lấy Chân Mật.
Khi đó Tào Tháo nổi giận lôi đình: “Lão đây vất vả đánh trận rốt cuộc thằng ranh lại đắc lợi!” Nhưng Tháo không bộc lộ nỗi uất ức ra ngoài, không quyết tranh đoạt với con. Thế nhưng, người đẹp này cũng đã để lại hiểm họa: Chân Mật tuy lấy Tào Phi nhưng lại đem lòng yêu người em chồng tài hoa Tào Thực, gây nên mối bất hòa giữa hai anh em, hai người con có tài nhất của Tào Tháo.
Nay hai người này bất hòa vì một người đàn bà, sao có thể đồng lòng nhất trí với nhau được? Cuối cùng Tào Tháo không thống nhất được thiên hạ, đến đời hai người con này nghiệp lớn cũng không xong chỉ vì họ bất hòa do một người đẹp nên không thể hoàn thành di nguyện của cha.
Tham lam háo sắc, đánh mất nhân tâm
Những câu chuyện háo sắc trên đây của Tào Tháo chỉ là những chuyện lưu truyền điển hình nhất, có thể tra trong sử tịch. Còn những chuyện về Tào Tháo háo sắc trong dân gian thì nhiều vô thiên lủng khiến tiếng xấu Tào Tháo háo sắc lan truyền khắp nơi.
Tào Tháo háo sắc bất kể thời gian, địa điểm, đối tượng, chỉ cần thấy ưng mắt là muốn chiếm, đi đến đâu cũng chiếm vợ người khác. Như trong truyền thuyết Tháo nghe nói Tiểu Kiều vợ Chu Du rất đẹp bèn công khai bày tỏ muốn chiếm khiến Chu Du rất tức giận. Chính điều này đã khiến Chu Du chống Tào đến cùng.
Chu Du là người tài ba thao lược, trận Xích Bích khiến quân Tào thiệt hại nghiêm trọng, Tháo cũng suýt mất mạng, từ đó không dám ngó ngàng đến phương Nam nữa. Tuy Tào Tháo cũng trọng tình nghĩa, thường chăm sóc cả đời đối với những người phụ nữ đã lấy mình, không vứt bỏ hay xa lánh họ, nhưng vì tai tiếng háo sắc của Tháo truyền đi khắp nơi, nhất là chuyện với Trương Tú và Quan Vũ, đã ảnh hưởng lớn đến danh tiếng của ông.