'Là một doanh nhân gốc lính, tôi chấp nhận thử thách và luôn có niềm tin mãnh liệt rằng, với sự nỗ lực của mỗi người Mai Linh, chúng tôi sẽ chiến thắng'.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Hồ Huy - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Mai Linh có cuộc trò chuyện với Nhịp sống doanh nghiệp - BizLIVE về giai đoạn thử thách lớn nhất trong lịch sử của một tập đoàn đang quy tụ gần 30.000 cán bộ nhân viên.
Thử thách này, theo cách nói của ông Huy, là cuộc chiến sống còn trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Quá trình thanh lọc đang diễn ra mạnh mẽ
Thưa ông, tại một diễn đàn mới đây, khi nói về tác động của đại dịch Covid-19, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với “cú sốc” lớn nhất tính từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Ông và Tập đoàn Mai Linh đã đón và trải qua "cú sốc" này thời gian qua như thế nào?
Có thể thấy, hầu hết các lĩnh vực đời sống và nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, 9 tháng đầu năm có hơn 78.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tương ứng khoảng 8.700 doanh nghiệp mỗi tháng. Điều này thể hiện sự tác động rất lớn và dai dẳng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời cho thấy quá trình thanh lọc đang diễn ra mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hành khách nên Mai Linh cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Chúng tôi coi đại dịch Covid-19 là một trong những thách thức lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Mai Linh, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều, một số chi nhánh phải tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội, doanh thu cũng sụt giảm sâu…
Hai đợt dịch vừa qua với chúng tôi cũng giống như hai cuộc chiến cam go. Nhưng rất mừng là đến thời điểm này, chúng tôi vẫn đang trụ vững và tập trung toàn tâm toàn lực cho phục hồi sau dịch.
Có thể thấy ảnh hưởng từ đại dịch lần này khác với những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây. Vậy ông có thể cho biết những đúc kết của bản thân cũng như từ thực tiễn hoạt động doanh nghiệp mình để trụ vững như ông nói?
William Arthur Ward, nhà giáo dục người Mỹ có câu: “Người bi quan phàn nàn về cơn gió. Người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều. Người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm”.
Chúng tôi là những người lạc quan và thực tế. Vì vậy, rất nhiều quyết sách đã được tôi và Ban lãnh đạo Mai Linh đưa ra trong hai “cuộc chiến” vừa qua.
Có thể kể đến như các chính sách về tiết giảm chi phí nhằm đảm bảo dòng tiền; thực hiện quản trị theo nhiều cấp độ khủng hoảng phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị chi nhánh; mở rộng thêm các lĩnh vực kinh doanh mới có nhiều tiềm năng, bổ trợ cho hệ sinh thái Mai Linh nhằm gia tăng doanh thu cho Tập đoàn, các đơn vị thành viên và đặc biệt là người lao động…
Và đặc biệt quan trọng là ổn định tâm lý và tinh thần chiến đấu của đội ngũ CBNV; phát động các chương trình phát huy nội lực, chung sức chung lòng cùng nhau vượt qua giai đoạn cam go nhất.
“Không cho phép mình bi quan”
Cam go nhất, cũng như bối cảnh kinh doanh u ám từ đầu năm đến nay mà ông đề cập ở trên, trong khi diễn biến khó lường của đại dịch còn chưa biết bao giờ kết thúc... Vậy đã có lúc nào ông cảm thấy bi quan và bất an không, và vì sao?
Không chỉ riêng tôi mà tôi cho rằng bất cứ doanh nghiệp nào cũng lo lắng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. Với một người dân bình thường, họ có thể chỉ phải lo cho cuộc sống của cá nhân họ, gia đình họ. Nhưng với một doanh nghiệp như Mai Linh, đó là cuộc sống của gần 30.000 con người. Do đó, tôi và đội ngũ lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh không cho phép mình bi quan và càng không được cho phép mình buông xuôi để mình bị cuốn theo “dòng lũ”.
Là một doanh nhân gốc lính, tôi chấp nhận thử thách và luôn có niềm tin mãnh liệt rằng, với sự nỗ lực của mỗi người Mai Linh, chúng tôi sẽ chiến thắng.
Thực tế cho thấy rằng, qua mỗi thử thách, chúng tôi lại có thêm nhiều bài học quý giá về sức mạnh của sự đoàn kết và sự linh hoạt ứng biến với tình thế để vượt qua nó, có thêm sức đề kháng, thêm ý chí và nghị lực để tiếp tục “chiến đấu”.
Không cho phép mình buông xuôi, nhưng với những gì đã diễn ra dường như năm nay chúng ta sống chậm hơn, chùng đi...
Với cá nhân tôi, 2020 là một năm đầy biến động và thách thức nên tôi không cho phép mình sống chậm. Một số dự án dang dở do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang chờ ngày ra mắt.
Phía trước chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm.
Hiện thực hóa “khát vọng vươn khơi”
Ông có thể cho biết cụ thể hơn những việc đó không? Mới đây, ông có chia sẻ mục tiêu giai đoạn tiếp theo của Tập đoàn Mai Linh là “đổi mới để phát triển”?
Với tầm nhìn “Một Mai Linh”, chúng tôi đã và đang kiện toàn cơ cấu tổ chức để phù hợp với tình hình thực tế cũng như tạo bệ phóng cho những chiến lược dài hơi của Tập đoàn.
Mai Linh không chỉ có taxi. Mai Linh là một hệ sinh thái vận tải, bao gồm taxi, xe công nghệ (Mai Linh SmartCar), xe hợp đồng, xe cho thuê, xe bus, xe đường dài, tàu cao tốc; logistics đầu cuối (phát chuyển nhanh, vận chuyển hàng hóa); dịch vụ du lịch; dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa xe; cứu pan, cứu hộ 24/7…
Đặc biệt, “khát vọng vươn khơi” của Tập đoàn Mai Linh cũng đang được hiện thực hóa với việc sắp đưa vào vận hành tàu cao tốc hai thân tiêu chuẩn 5 sao hiện đại bậc nhất Việt Nam chạy tuyến Cần Thơ – Côn Đảo.
Và còn rất nhiều cung đường mới kết nối biển đảo quê hương đang được Mai Linh ấp ủ triển khai.
Chúng tôi coi công nghệ là yếu tố cốt lõi trong toàn bộ hoạt động vận hành, quản lý và trải nghiệm khách hàng. Vì vậy, đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ phục vụ kinh doanh sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Mai Linh trong năm nay và những năm tiếp theo.
Như ông nói, Mai Linh đang ở trong cuộc chiến, đang trải qua thử thách lớn nhất lịch sử. Vậy, nhìn sang cơ chế chính sách đồng hành với doanh nghiệp, ông có đánh giá và ghi nhận gì không?
Nhiều năm qua, với sự xuất hiện của các hãng gọi xe công nghệ khi chưa có những quy định rõ ràng về hành lang pháp lý đã khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải chính thống như Mai Linh gặp nhiều bất lợi do sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Điều này không chỉ gây bất ổn trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách mà còn khiến Nhà nước thất thu tiền thuế.
Điều đáng mừng là trong hai năm gần đây, Chính phủ đã ghi nhận những ý kiến phản hồi, đề xuất của các doanh nghiệp và Hiệp hội vận tải trong nước để lần lượt ban hành các khung pháp lý như Nghị định 10, Thông tư 12, Thông tư 58… tạo một “sân chơi” công bằng hơn, và nhìn chung hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đang dần đi vào quy củ.
Doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp mạnh mẽ hơn để mau chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
HUYỀN TRÂM
Theo BizLIVE