Tập đoàn Tuần Châu của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển làm ăn thế nào?

11/11/2020 13:22

Âu Lạc Quảng Ninh và Tuần Châu Hà Nội - những doanh nghiệp được biết đến rộng rãi của Tập đoàn Tuần Châu - có kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong các năm gần đây.

Ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu (Ảnh: baoquangninh.com.vn)

Ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu (Ảnh: baoquangninh.com.vn)

Lễ thành hôn của ông Võ Quốc Lợi (SN 1988) – con trai ông Võ Quốc Thắng (“bầu” Thắng), và bà Đào Thuỵ Phương Thảo (SN 1990) – con gái của ông Đào Hồng Tuyển (“chúa đảo" Tuần Châu), đánh dấu một trong những cuộc hôn nhân được mong đợi trong giới kinh doanh Việt Nam.

Một bên là “bầu” Thắng với hệ sinh thái Đồng Tâm Group, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ bất động sản tới tài chính ngân hàng. Một bên là “chúa đảo Tuần Châu” với những dự án địa ốc giàu tham vọng.

Thế hệ F1 của họ - ông Võ Quốc Lợi và phu nhân Đào Thuỵ Phương Thảo – ít nhiều cũng đã để lại dấu ấn trên thương trường.

Trong đó, ông Võ Quốc Lợi từng là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Ngân hàng Kiên Long (Mã CK: KLB) và hiện là Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã CK: TTF).

Còn bà Đào Thuỵ Phương Thảo hiện là người đại diện của loạt pháp nhân như: Công ty TNHH Quảng Cáo Thiện Phát, Công ty TNHH Đào Phan, Công ty TNHH Jen Tuần Châu (Jen Tuần Châu). Trong đó, Jen Tuần Châu có kết quả kinh doanh và quy mô nổi bật hơn cả.

Tập đoàn Tuần Châu của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển làm ăn thế nào? ảnh 1

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Jen Tuần Châu trong 4 năm gần nhất liên tục báo lỗ. Tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản của Jen Tuần Châu ở mức 477,9 tỉ đồng, gấp 4,2 lần quy mô vốn chủ sở hữu.

Ngoài ra, bà Đào Thuỵ Phương Thảo cũng tham gia góp vốn vào một số công ty khác như: Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Quản lý chợ Kim Biên, Công ty TNHH Sài Gòn Marina City.

Song, những pháp nhân này đã bị giải thể vào năm 2018, mang hình bóng của một phiên bản “Tuần Châu” khác mà VietTimes sẽ để cập ở phần sau bài viết.

Đế chế của “chúa đảo" Đào Hồng Tuyển

Tập đoàn Tuần Châu tiền thân là Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (Âu Lạc Quảng Ninh). Pháp nhân này được thành lập từ ngày 2/8/1997, là chủ đầu tư dự án xây dựng con đường vượt biển dài hơn 2km nối quốc lộ 18 với đảo Tuần Châu.

Là hạt nhân lõi trong hệ sinh thái của Tập đoàn Tuần Châu, tuy nhiên, theo dữ liệu của VietTimes, Âu Lạc Quảng Ninh liên tục báo lỗ trong 3 năm gần nhất.

Tập đoàn Tuần Châu của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển làm ăn thế nào? ảnh 2

Đỉnh điểm là năm 2018, công ty này báo lỗ 77,2 tỉ đồng, doanh thu thuần chỉ đạt 226,1 tỉ đồng (tương đương 1/4 doanh thu của năm 2017). Năm 2019, Âu Lạc Quảng Ninh ghi nhận doanh thu đạt 739 tỉ đồng, báo lỗ 57,7 tỉ đồng.

Tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Âu Lạc Quảng Ninh lần lượt đạt 3.453,4 tỉ đồng và 1.020,5 tỉ đồng.

Cập nhật tới ngày 22/10/2020, Âu Lạc Quảng Ninh có quy mô vốn điều lệ 2.500 tỉ đồng. Trong đó, ông Đào Hồng Tuyển góp 2.400 tỉ đồng, sở hữu 96% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại do người con cả Đào Anh Tuấn (SN 1980) - Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Âu Lạc Quảng Ninh - nắm giữ.

Ông Tuấn cũng đảm nhiệm các vai trò quản lý tương tự tại CTCP Tuần Châu Hà Nội (Tuần Châu Hà Nội) và CTCP T&H Hạ Long (T&H Hạ Long).

Thành lập từ năm 2007, Tuần Châu Hà Nội được biết đến là chủ đầu tư dự án “Khu du lịch quốc tế Tuần Châu Hà Nội” (tên thương mại Tuần Châu Ecopark) rộng 200ha, toạ lạc tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm gần nhất, Tuần Châu Hà Nội liên tục báo lỗ. Số lỗ mỗi năm một lớn “ăn mòn” đáng kể quy mô vốn chủ sở hữu.

Tập đoàn Tuần Châu của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển làm ăn thế nào? ảnh 3

Riêng trong năm 2019, Tuần Châu Hà Nội đã báo lỗ tới 148,9 tỉ đồng, quy mô vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm chỉ còn 26,1 tỉ đồng.

Khác với những doanh nghiệp kể trên, kết quả kinh doanh của T&H Hạ Long trong 4 năm gần đây có phần sáng hơn, doanh thu liên tục được cải thiện, thoát lỗ.

Cụ thể, trong các năm 2016 và 2017, doanh nghiệp này lần lượt báo lỗ 0,7 tỉ đồng và 6,7 tỉ đồng. Tới năm 2018, T&H Hạ Long bắt đầu báo lãi 3 tỉ đồng. Bước sang năm 2019, T&H Hạ Long báo lãi thuần 51,2 tỉ đồng, tăng gấp 17 lần so với năm trước.

Đến tháng 1/2020, ông Đào Hồng Tuyển bất ngờ rời ghế Chủ tịch HĐQT của T&H Hạ Long, nhường lại vị trí này cho ông Lâm Khắc Vinh (Trương Vincent Kinh, SN 1974).

Tập đoàn Tuần Châu của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển làm ăn thế nào? ảnh 4

Tuần Châu Group Holdings

Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, trong năm 2017, ông Đào Hồng Tuyển, bà Đào Thuỵ Phương Thảo, Âu Lạc Quảng Ninh và T&H Hạ Long đồng loạt góp vốn thành lập nhiều pháp nhân mới, có quy mô vốn điều lệ lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

Cụ thể, vào tháng 2/2017, Âu Lạc Quảng Ninh, T&H Hạ Long và bà Đào Thuỵ Phương Thảo đã góp vốn thành lập Công ty TNHH Sài Gòn Marina City (Sài Gòn Marina City, vốn điều lệ 900 tỉ đồng), Công ty TNHH Sài Gòn New City (Sài Gòn New City, vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng).

Ở một nhánh khác, tháng 5/2017, ông Đào Hồng Tuyển cùng 4 cổ đông cá nhân khác (bao gồm: bà Đặng Trịnh Thanh Phương, ông Hồ Quốc Minh, ông Châu San Phàm, ông Nguyễn Công Thành) thành lập CTCP Đầu tư Tuần Châu Global Capital (Tuần Châu GCI), quy mô vốn điều lệ 5.450 tỉ đồng.

Đến tháng 6/2017, Tuần Châu GCI góp vốn cùng với CTCP Đầu tư và Phát triển Great TPP và ông Hồ Quốc Minh thành lập CTCP Đầu tư và Phát triển Tuần Châu (TCDI). Trong đó, Tuần Châu GCI đăng ký góp tới 5.445 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ sở hữu lên tới 99% vốn điều lệ. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của TCDI là ông Châu San Phàm (SN 1984).

Chỉ ít ngày sau khi được thành lập, TCDI đã góp vốn cùng 13 cổ đông cá nhân khác thành lập CTCP Tập đoàn Tuần Châu Holdings (Tuần Châu Holdings Group).

Các doanh nghiệp này đều đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 34 Đông Du, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM. Đây cũng là địa chỉ thường trú của ông Đào Hồng Tuyển và một số thành viên khác trong gia đình.

Tuy nhiên, tới cuối năm 2018, các pháp nhân kể trên (ngoại trừ Sài Gòn New City) đồng loạt giải thể.

Đáng chú ý, cũng trong khoảng thời gian này, Tập đoàn Tuần Châu đã gây xôn xao dư luận với việc đề xuất thực hiện siêu dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn theo hình thức hợp đồng BT.

Theo đó, siêu dự án đại lộ ven sông có điểm đầu từ ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (Quận 1) chạy dọc theo sông Sài Gòn, điểm cuối là cầu Bến Súc (Củ Chi), dài 63km, tổng vốn đầu tư khoảng 63.500 tỉ đồng.

Quỹ đất thực hiện dự án và thanh toán cho nhà đầu tư dự kiến lên tới 12.398 ha. Quỹ đất đối ứng sẽ được dùng làm các dự án Sài Gòn New City (Củ Chi), Sài Gòn Marina City (Cần Giờ), dự án di dời chợ hóa chất Kim Biên.

Trong đó, dự án Sài Gòn Marina City có tổng diện tích 1.430ha; còn dự án Gòn New City và hồ điều hòa nước tại Củ Chi sẽ có diện tích gấp khoảng 15 lần dự án Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm cộng lại.

Trong một diễn biến mới, ngày 27/5/2020, ông Đào Hồng Tuyển đã trao ý tưởng và bản quyền dự án đại lộ ven sông Sài Gòn và Sài Gòn New City cho ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.

Ngoài ra, cũng nên lưu ý rằng, các ông Châu San Phàm và Lâm Khắc Vinh mà VietTimes đề cập ở trên là những mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái của tập đoàn địa ốc nổi tiếng phía Nam.

Theo Viettimes

https://viettimes.vn/tap-doan-tuan-chau-cua-chua-dao-dao-hong-tuyen-lam-an-the-nao-post140174.html