Gần 200 máy bay nằm bãi, hàng chục đoàn tàu nằm phơi trên sân ga, sự ngưng trệ chưa từng có với ngành hàng không, đường sắt đang kéo theo hàng chục nghìn lao động ngừng việc không lương, thậm chí mất việc.
Máy bay nằm không, cả chục nghìn lao động ngừng việc không lương /// Đậu Tiến Đạt
“2 triệu đồng/tháng vẫn hơn mất việc”
Tối 2.4, lái tàu Hoàng Ngọc Sơn (53 tuổi, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) cùng một vài anh em đồng nghiệp lên chuyến tàu SE3 từ Hà Nội vào TP.HCM. Đây là 1 trong 2 mác tàu Bắc - Nam được duy trì trên toàn mạng đường sắt trong giai đoạn cao điểm phòng, chống Covid-19. Sau khi tàu tới TP.HCM ngày 4.4, ông và các đồng nghiệp của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội “nhường” suất chạy ngược lại từ TP.HCM ra Hà Nội cho các đồng nghiệp phía nam với mác tàu SE4, và về nhà nghỉ ngơi.
Nếu trước đây 1 tuần, ông Sơn chạy 3 chuyến Bắc - Nam, nghỉ 2 ngày, thì nay từ 1 tuần đến 10 ngày, ông mới chạy 1 chuyến. “Trước đây chạy tàu liên tục nên chúng tôi không có thời gian làm thêm khi rảnh. Bây giờ nghỉ chạy tàu vì Covid-19, thời gian nhiều hơn nhưng cũng không biết làm thêm gì, và cũng phải tuân thủ quy định cách ly xã hội, hạn chế đi lại”, ông Sơn cho biết. Lương lái tàu nếu đi nhiều chuyến bình quân được từ 7 - 8 triệu đồng, tháng thấp điểm hoặc chạy ít chỉ được 3 - 4 triệu, chỉ duy trì tối thiểu cuộc sống gia đình. Hiện tại, ông Sơn nhận được trợ cấp 2 triệu đồng/tháng, song cũng chia sẻ: “Có lúc thuận lợi thì khi khó khăn cũng chia sẻ với xí nghiệp. Chúng tôi được hỗ trợ 2 triệu, còn hơn nhiều người mất việc không có lương. Chỉ mong nhanh qua hết dịch để công việc trở lại bình thường”.
Theo anh Quách Tuấn Anh, Quản đốc phân xưởng vận dụng, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, số lượng lái tàu tại phân xưởng hiện có hơn 300 người trên tổng số hơn 700 người toàn xí nghiệp, nhưng đã phải giảm, tạm nghỉ 1/2. “Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội cũng đã có chính sách hỗ trợ cho anh em công nhân 2 triệu đồng/tháng. Do cắt giảm hết chỉ còn duy trì 1 mác tàu Bắc - Nam và một số tàu hàng, nên không còn nhiều việc cho anh em làm. Chúng tôi phải phân bổ đảm bảo cho anh em làm đủ 15 công, để duy trì đóng đủ bảo hiểm xã hội”, anh Tuấn Anh nói, và cho hay nhiều anh em công nhân lái máy phải thuê trọ trên Hà Nội, cũng được tạo điều kiện nghỉ 15 ngày (1 - 15.4) và hưởng 2 triệu tiền lương để giảm bớt khó khăn.
Hàng nghìn công nhân đường sắt đang phải nghỉ việc hoặc chia ca luân phiên với hỗ trợ ít ỏi
Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Vũ Thanh Bình, Giám đốc chi nhánh Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội (Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội), cho biết sau 1.4, đường sắt chỉ còn duy trì 2 mác tàu SE3/4 chạy tuyến Hà Nội - TP.HCM và ngược lại, trong đó đường sắt Hà Nội đảm nhiệm tàu SE3, đường sắt Sài Gòn chạy tàu SE4. Số lượng tiếp viên toàn đoàn là hơn 800 người, nhưng đã phải cho nghỉ hơn 650 người theo nhiều hình thức như tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc luân phiên... Dù đã tìm thêm các việc như vệ sinh toa xe, nhưng do số lượng tàu còn lại rất ít, nên không đủ công việc để bố trí lao động.
Đây cũng là tình cảnh chung của tất cả công ty con thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam. Chưa kể đường sắt Việt Nam đang rơi vào tình trạng căng thẳng, khi hơn 11.000 nhân viên tuần đường, gác chắn, bảo đảm an toàn giao thông... chưa có lương từ đầu năm 2020, do doanh nghiệp này chưa được giao dự toán ngân sách.
Cả chục nghìn lao động hàng không tạm nghỉ việc
Ngành hàng không hiện chỉ còn duy trì 2 - 3 đường bay nội địa tối thiểu cho mỗi hãng, khiến số lượng lao động bị cắt giảm, ngưng việc không lương tăng lên nhanh chóng. Với Vietnam Airlines (VNA), gần 100 trong tổng số 106 máy bay phải tạm ngừng khai thác; tính chung các hãng, số máy bay phải nằm không lên 200 chiếc. Dự kiến năm 2020, VNA sẽ giảm doanh thu 50.000 tỉ đồng, tương ứng giảm 65% so với kế hoạch.
Tới thời điểm này, đã có 50% người lao động phải ngưng việc không lương, toàn bộ người lao động phải giảm lương. Vietnam Airlines Group hiện có hơn 20.000 cán bộ nhân viên, trong đó riêng tổng công ty mẹ hơn 6.000 người, đội ngũ phi công gồm 1.200 người, kỹ sư sửa chữa, bảo dưỡng máy bay 2.500 người, tiếp viên hơn 3.000 người. Tương ứng số lượng người lao động phải ngừng việc của VNA lên tới hơn 10.000 người; riêng số lượng phi công, tiếp viên của VNA phải ngưng việc lên tới 90%.
Dù không công khai con số nhân sự bị cắt giảm, song Vietjet Air và Bamboo Airways cũng đã phải ngưng việc không lương/giảm lương với phần lớn phi công, tiếp viên; bộ phận hành chính làm việc luân phiên và giảm lương.
Dự báo, thị trường hàng không sẽ tiếp tục “ngủ đông” trong vài tháng tới. Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, vấn đề lớn nhất với các hãng hiện nay là dòng tiền đã mất hết, không còn để trang trải. Nếu tình hình tiếp diễn, nguy cơ có hãng không trụ được, dẫn tới phá sản.