Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho thực hiện dự án xây dựng sân golf quốc tế và đô thị sinh thái. Dự án có quy mô khoảng 385 ha thuộc hai xã Đức Xương, Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc) và xã Hồng Đức (huyện Ninh Giang).
Mặc dù đang là “ông vua” trong lĩnh vực sản xuất thép ở Việt Nam nhưng Chủ tịch Tập đoàn - ông Trần Đình Long, đã bày tỏ rõ mong muốn mở rộng sang lĩnh vực bất động sản và còn đặt mục tiêu trở thành top 3 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.
Từ năm cuối năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát cơ cấu lại mô hình tổ chức theo hướng tập trung vào 4 mảng chính: Gang thép, sản phẩm thép hạ nguồn (gồm ống thép, tôn mạ màu, thép rút dây, thép dự ứng lực); Nông nghiệp và bất động sản. Trong đó, lĩnh vực bất động sản sẽ do Công ty Cổ phần phát triển bất động sản Hòa Phát đảm nhiệm. Doanh nghiệp được thành lập vào tháng 12/2020 với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.
Với mảng bất đọng sản, "vua thép" tập trung vào hai mảng là bất động sản khu công nghiệp (KCN) và khu đô thị.
Ở mảng KCN, Hòa Phát đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật một số KCN như KCN Phố Nối A (600 ha) và KCN Yên Mỹ II (giai đoạn 1 là 97,5 ha) tại Hưng Yên; KCN Hòa Mạc – Hà Nam (131 ha).
Ở lĩnh vực khu đô thị, Hòa Phát đã đầu tư xây dựng các dự án như Khu phức hợp Mandarin Garden 1 (2,5 ha) tại Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy; Khu phức hợp Mandarin Garden 2 (1,3 ha) tại 493 Trương Định và Khu chung cư tại 70 Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Vào cuối năm 2021, Hòa Phát đã cùng KDI Holdings đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án trên địa bàn TP Nha Trang và thị xã Ninh Hòa, bao gồm: Quy hoạch phân khu dọc hai bên bờ sông Cái và phát triển các dự án tại TP Nha Trang; vùng kinh tế động lực công nghiệp - đô thị - dịch vụ Ninh Hòa tại các xã Ninh Xuân, Ninh Sim, Ninh Tây với đầy đủ chức năng như Khu công nghiệp tổng hợp đa ngành, khu đô thị suối khoáng nóng, khu bảo tồn, khu vui chơi giải trí và khu đô thị dịch vụ sân golf.
Ngoài ra, Hòa Phát đã đề xuất Quảng Ngãi bổ sung gần 1.700 ha đất ở Khu kinh tế Dung Quất để doanh nghiệp làm dự án Nhà máy sản xuất hợp kim sắt, mở rộng dự án Nhà máy Dung Quất 2, đầu tư dự án Hòa Phát Dung Quất 3, Khu dân cư đô thị hỗn hợp phục vụ tái định cư cho các dự án,...
Tại Cần Thơ, Hòa Phát đã được địa phương chấp thuận cho khảo sát, nghiên cứu, đề xuất ba dự án bao gồm: Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp khoảng 452 ha tại quận Bình Thủy; khu đô thị thương mại - dịch vụ 88,2 ha (gồm khu nhà ở 58,2 ha và trung tâm hội chợ triển lãm 30 ha) tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng; khu đô thị thương mại - dịch vụ 6,24 ha tại đường Lê Lợi và đường Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.
Nguồn tiền dồi dào
Tại thời điểm cuối quý 3 năm 2021, tổng tiền và khoản tương đương tiền của Hòa Phát đạt 34.800 tỷ đồng, chiếm 19,7% tổng tài sản của công ty. Nhờ sở hữu kho tiền khổng lồ, sau 9 tháng đầu năm 2021, Hòa Phát có doanh thu hoạt động tài chính lên tới hơn 2.224 tỷ đồng, tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Với nguồn tiền mặt dồi dào, Hòa Phát nhiều khả năng tận dụng lượng tiền mặt lớn này để thực hiện chiến lược mở rộng theo chiều dọc với nhiều ngành công nghiệp mới (sản xuất container, mua mỏ khoáng sản mới, mở rộng mảng điện máy và tăng quỹ đất bất động sản).
Theo dự báo của một công ty chứng khoán, các gói kích thích sau COVID-19 được kỳ vọng sẽ sớm được công bố nhằm giúp nền kinh tế phục hồi. Việc Chính phủ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công vào đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ giúp tăng nhu cầu thép xây dựng nội địa trong năm 2022-2023. Nhờ sở hữu thị phần thép lớn nhất, Hòa Phát sẽ được hưởng lợi chính từ xu hướng này.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự báo lợi nhuận sau thuế quý 4 năm 2021 của Hòa Phát có thể lên đến 10.430 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này càng giúp Hòa Phát làm đầy thêm kho tiền của mình để tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản hứa hẹn.