Eximbank đang là một trong những ngân hàng gây chú ý nhất trong ngành tài chính trong những năm qua nhưng không nhờ kết quả kinh doanh mà do những bất đồng giữa các nhóm cổ đông. Đã 2 năm liên tiếp nhà băng này không thể thực hiện Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị đang hoạt động dù đã kết thúc thời gian nhiệm kỳ.
Cấu trúc cổ đông của Eximbank hiện gồm 2 nhóm nhà đầu tư trong nước nắm giữ tỷ lệ cổ phần tương đối cân bằng (khoảng 30% mối nhóm), Vietcombank nắm giữ gần 5% và các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu gần 30%. Trong đó có cổ Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) sở hữu 15%, khiến SMBC đang nắm vai trò quyết định tương lai của Eximbank.
Năm 2008, SMBC trở thành cổ đông chiến lược tại Eximbank khi nắm giữ 15% cổ phần Eximbank trị giá 225 triệu USD. Khi đó, ngân hàng Nhật Bản đánh giá thị trường tài chính tại Việt Nam đang phát triển nhanh và việc hợp tác với Eximbank giúp SMBC nâng cao cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
SMBC đề ra nhiều tham vọng cho thương vụ này như phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính, cung cấp các khoản vay giá rẻ ra thị trường, hay cung cấp bí quyết quản trị công ty, bao gồm cả quản lý rủi ro, để hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa của Eximbank.
Tuy nhiên, “nội chiến” liên tục giữa các nhóm cổ đông trong nhiều năm qua khiến SMBC không đạt kỳ vọng mục tiêu nào. Dù vậy, SMBC cũng không dễ dàng rút khỏi thương vụ này khi giá cổ phiếu EIB luôn ở mức thấp trong nhiều năm qua.
Hai năm qua, SMBC cũng nỗ lực thúc đẩy quá trình thống nhất giữa các nhóm cổ đông để ổn định thượng tầng của ngân hàng và tập trung vào hoạt động kinh doanh. Cổ đông Nhật Bản đã nhiều lần đề nghị thanh lọc HĐQT của Eximbank, tổ chức ĐHCĐ bất thường, lấy phiếu tín nhiệm các thành viên HĐQT...tuy vậy các nỗ lực này đều bất thành.
Sau hơn 10 năm, dường như đã hết kiên nhẫn tại Eximbank, SMBC hướng sang một số mục tiêu khác. Mới đây, SMBC trở thành nhà đầu tư chiến lược tại FE Credit với khoản đầu tư lớn nhất trong ngành tài chính Việt Nam từ trước đến nay, nắm giữ 49% cổ phần tại công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Việt Nam.
Đồng thời, ngân hàng mẹ của FE Credit được cho là đã dọn đường sẵn sàng đón SMBC trở thành cổ đông chiến lược với tỷ lệ sở hữu 15% (đã được khóa room). Theo quy định của ngành ngân hàng SMBC sẽ phải thoái vốn khỏi Eximbank trước khi đầu tư vào một ngân hàng khác tại Việt Nam.
Không chỉ SMCB bị sa lầy với khoản đầu tư vào ngân hàng Việt Nam, ít nhất 2 ngân hàng nước ngoài khác cũng đang rơi vào vị thế tương tự đó là UOB và Morgan Stanley. Cả hai đầu tư vào Việt Nam hơn 10 năm trước trong làn sóng hút vốn ngoại, tìm đối tác chiến lược của các nhà băng trong nước.
Năm 2007, Morgan Stanley – một trong những định chế tài chính lớn nhất Hoa Kỳ đã quyết định đầu tư vào Công ty tài chính dầu khí (PVFC) với tư cách là một cổ đông chiến lược khi PVFC tiến hành IPO.
Theo đó, Morgan Stanley nắm giữ 10% cổ phần của PVFC, tương đương 50 triệu cổ phần. Với việc tham gia của cổ đông Morgan Stanley, PVFC là tổ chức tín dụng đầu tiên của Việt Nam sau khi cổ phần hoá đã lựa chọn được cổ đông chiến lược nước ngoài.
Đến năm 2013, theo đề án tái cơ cấu, PVFC hợp nhất với ngân hàng Phương Tây (Western Bank). Việc sáp nhập khiến tỷ lệ sở hữu của Morgan Stanley tại ngân hàng mới giảm xuống còn 6,67%. Từ đó đến nay, số cổ phần này vẫn “nằm im” và tỷ lệ sở hữu cũng không giảm vì ngân hàng không tăng vốn.
Trong khi đó, ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore đã mua 10% cổ phần ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vào năm 2007. Sau đó, UOB tiếp tục mua thêm 10% cổ phần Southern Bank để nâng tỉ lệ sở hữu lên 20% và trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng thuộc sở hữu của gia đình ông Trầm Bê.
Dù nắm giữ cổ phần lớn, UOB không có nhiều tác động lên hoạt động của Southern Bank. Đến năm 2015, Southern Bank phải sáp nhập vào Sacombank, UOB trở thành cổ đông của Sacombank với tỷ lệ sở hữu khoảng 3% và không còn là cổ đông lớn của ngân hàng. Do đó, không có thông tin về giao dịch của UOB đối với lượng cổ phiếu này được công bố trên thị trường.
Số cổ phần này được cho là bị hạn chế giao dịch tương tự như số cổ phần tại Sacombank thuộc sở hữu của gia đình ông Trầm Bê đã phải ủy quyền vô thời hạn và không hủy ngang cho Ngân hàng Nhà nước từ năm 2015.
Sau khi thất bại với Southern Bank, ngân hàng của Singapore được cho là tiếp tục tham vọng tại Việt Nam khi có ý định đầu tư vào GPBank – một ngân hàng yếu kém khác. Thương vụ sau đó cũng không thành công và UOB quyết định tự thành lập ngân hàng con tại Việt Nam vào năm 2017.