Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Thâu tóm xong Vinaconex, sếp An Quý Hưng nhường ghế cho 9x

06/04/2019 14:57

Sau khi chi hơn 7.300 tỷ đồng thâu tóm Vinaconex và làm Tổng giám đốc doanh nghiệp này, ông Nguyễn Xuân Đông đã giao quyền điều hành An Quý Hưng cho một nhân tố trẻ là Nguyễn Xuân Tùng, sinh năm 1994.

Sau khi chi hơn 7.300 tỷ đồng thâu tóm Vinaconex và làm Tổng giám đốc doanh nghiệp này, ông Nguyễn Xuân Đông đã giao quyền điều hành An Quý Hưng cho một nhân tố trẻ là Nguyễn Xuân Tùng, sinh năm 1994.

Giấy đăng ký kinh doanh vừa cấp đổi của An Quý Hưng cho thấy, hiện Tổng giám đốc của doanh nghiệp này đã không còn là ông Nguyễn Xuân Đông mà là ông Nguyễn Xuân Tùng.

Tân tổng giám đốc An Quý Hưng sinh ngày 17/2/1994, thường trú tại Khu đô thị mới Văn Quán – Yên Phúc, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội.

Thông tin của An Quý Hưng tại Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp (nguồn: Bộ KHĐT)

Nguyễn Xuân Tùng từng được giới thiệu là Quyền Tổng giám đốc An Quý Hưng trong một sự kiện tổ chức vào ngày 27/12/2018 của công ty này.

Việc giao lại quyền điều hành cho một lãnh đạo trẻ diễn ra sau khi ông Nguyễn Xuân Đông cùng An Quý Hưng thực hiện thương vụ mua lại 255 triệu cổ phiếu VCG của Vinaconex tương ứng tỷ lệ 57,71% trị giá 7.366 tỷ đồng vào cuối năm ngoái. Sau đó, ông Nguyễn Xuân Đông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vinaconex.

Trong khi đó, Vinaconex sau thời kỳ SCIC và Viettel rút hết vốn khỏi đây thì trong nội bộ tổng công ty này lại đang xảy ra xung đột gay gắt.

Vinaconex mới đây đã có đơn khiếu nại đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKCTT ngày ngày 27/3/2019 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa. Vinaconex cho rằng, quyết định này của tòa có hiệu lực ngay và lập tức đình chỉ toàn bộ hoạt động của HĐQT, BKS của Vinaconex, làm đình trệ hoạt động của Công ty, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Công ty đã lấy dẫn chứng về việc giảm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán với số tiền mất đi là 1.236 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quyết định trả lời khiếu nại của Vinaconex, TAND quận Đống Đa cho rằng việc buộc Vinaconex dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019 cho đến khi có quyết định cuối cùng của Tòa là phù hợp với quy định của pháp luật và cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người yêu cầu và các cổ đông của Vinaconex và để tránh các hậu quả có thể xảy ra gây thiệt hại cho Vinaconex và các cổ đông.

Căn cứ nhận định này, một lần nữa tòa xác định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKCTT ngày ngày 27/3/2019, dừng thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Vinaconex ngày 11/1/2019 về việc bầu 7 thành viên HĐQT và 5 thành viên Ban kiểm soát là có căn cứ pháp luật. Từ đó, TAND quận Đống Đa đã bác đơn khiếu nại của Vinaconex.

Với diễn biến này, HĐQT và Ban kiểm soát mới được bầu ngày 11/1/2019, với các thành viên chủ yếu là người của nhóm cổ đông An Quý Hưng sẽ phải dừng thực hiện quyền lực của mình tại Vinaconex.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VGC của Vinaconex trong ngày hôm qua đã bất tăng mạnh trở lại sau 3 phiên giảm liên tục. Mã này tăng 2.200 đồng tương ứng tăng tới 8,7% lên 27.500 đồng/cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/4, các chỉ số đều đạt trạng thái tăng. Trong đó, VN-Index tăng 2,35 điểm tương ứng 0,24% lên 989,26 điểm và HNX-Index tăng 0,45 điểm tương ứng 0,42% lên 107,87 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng về các mã tăng giá. Có tổng cộng 364 mã tăng, 69 mã tăng trần so với 277 mã giảm, 36 mã giảm sàn trên toàn thị trường.

Thanh khoản đạt 189,28 triệu cổ phiếu trên sàn HSX tương ứng 3.885,04 tỷ đồng và 27,58 triệu cổ phiếu tương ứng 355,93 tỷ đồng trên HNX.

Phiên này, GAS là mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index với đóng góp tới 1,45 điểm cho chỉ số, kế đến là VHM với đóng góp 0,61 điểm. VCB, PLX, VRE, MSN, NVL, LGC cũng là những mã có ảnh hưởng đến mức tăng của VN-Index phiên hôm qua. Ngược lại, VNM, SAB, BID, CTG… lại giảm.

Trên góc độ kỹ thuật, BVSC nhận định, tuần tới, thị trường dự báo sẽ tăng điểm nhẹ với diễn biến chủ đạo sẽ là đi ngang với các phiên tăng giảm đan xen trong biên độ hẹp.

Xu hướng đi lên của VN-Index sẽ gặp phải lực cản đến từ các vùng kháng cự 991-998 điểm và 1014-1024 điểm. Đây đều là những vùng cản có khả năng tạo ra áp lực điều chỉnh đối với chỉ số trong tuần tới. Ngược lại, BVSC đánh giá vùng hỗ trợ quan trọng của chỉ số nằm tại quanh 965-970 điểm.

Nếu vùng điểm này bị xuyên thủng, thị trường có nguy cơ giảm về các vùng hỗ trợ sâu hơn như 945-955 điểm trong ngắn hạn.

Xu hướng thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh theo kết quả lợi nhuận quý I và thông tin kế hoạch kinh doanh 2019 của các doanh nghiệp. Một số ngành như công nghệ thông tin, dệt may, thủy sản, cao su, dầu khí và một số cổ phiếu trong nhóm ngành bất động sản được kỳ vọng sẽ có diễn biến tích cực và thu hút được sự quan tâm của dòng tiền trong ngắn hạn.

Thị trường đang rơi vào trạng thái biến động không rõ ràng về mặt xu hướng nên khả năng tìm kiếm lợi nhuận sẽ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện tại. Các nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý 30-40% cổ phiếu. Hạn chế mua đuổi ở các mức giá cao trong phiên. Đồng thời, chỉ mở các vị thế trading ở các vùng hỗ trợ cụ thể của từng cổ phiếu và ưu tiên lựa chọn cổ phiếu có sẵn trong danh mục.

(Theo Dân trí)

Theo VietnamNet