Để có hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận thu về mỗi năm, các công ty trong hệ sinh thái Vingroup cũng phải duy trì lượng nợ vay tương xứng tại ngân hàng để vận hành và phát triển.
Hiện có 4 doanh nghiệp nằm trong "hệ sinh thái" Vingroup đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, bao gồm Tập đoàn Vingroup (VIC); Công ty cổ phần Vinhomes (VHM); Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE) và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng (SDI).
4 công ty này đang có giá trị vốn hóa khoảng 725.000 tỷ đồng (hơn 31 tỷ USD), tương đương gần 24% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.
2 gã khổng lồ ôm 20% vốn hóa thị trường
Mới chỉ niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 5, VHM lập tức trở thành một trong những cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường. Mức thị giá gần 110.000 đồng/cổ phiếu không phải quá cao nhưng với vốn điều lệ lên tới hơn 26.790 tỷ đồng, VHM đang có vốn hóa thị trường tới 291.000 tỷ đồng, và là cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường sau VIC, với vốn hóa xấp xỉ 329.000 tỷ đồng.
Tính riêng 2 mã cổ phiếu của tỷ phú Vượng đã chiếm tới 20% tổng vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt (tính trên 2 sàn HOSE và HNX).
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.
6 tháng đầu năm, Vinhomes cũng trở thành doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận cao nhất, với hơn 9.854 tỷ đồng trước thuế. Con số này đã tăng gấp 10 lần so với kết quả cùng kỳ, và vượt qua những ông lớn khác như Vinamilk, Sabeco, Vietcombank…
Cơ cấu doanh thu của Vinhomes chủ yếu là bán bất động sản, chiếm 98%, còn lại là các hoạt động phụ trợ mảng kinh doanh này, như dịch vụ quản lý, cho thuê và vui chơi giải trí…
Theo ban lãnh đạo công ty, thời gian qua đơn vị đã sáp nhập 3 công ty mới vào hệ thống, kéo theo các dự án bất động sản thuộc các công ty này trở thành dự án của Vinhomes, như Vinhomes Central Park, Vinhomes Riverside 1, Vinhomes Greenbay... và ghi nhận doanh thu cùng lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ.
Vinhomes khai trương hàng loạt dự án cũng có tác động tới Vincom Retail, đơn vị vận hành chuỗi trung tâm thương mại tại các dự án của Vinhomes.
6 tháng đầu năm, Vincom Retail đã mở thêm 5 TTTM, nâng tổng số trung tâm đang quản lý lên 51, và dự kiến mở mới thêm 9 trung tâm nữa trong quý III năm nay, tại các dự án mà Vinhomes mở bán. Đặc biệt có trung tâm thương mại Vincom Center Landmark 81.
Kết quả này đã giúp Vincom Retail thu tới 3.134 tỷ doanh thu thuần, tăng 15% và lãi trước thuế 1.474 tỷ đồng, tăng 42% sau nửa năm.
Vinhomes và Vincom Retail đồng thời là những công ty con đóng góp chính vào kết quả kinh doanh hợp nhất của Vingroup. Việc 2 công ty này làm ăn thuận lợi trong nửa năm qua cũng giúp Vingroup tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, Vingroup đã thu về tới 61.200 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 26.000 tỷ so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng gấp đôi cùng kỳ, lên con số 6.230 tỷ.
Sau khi chính thức đầu tư vào thị trường sản xuất ôtô, Vingroup đã tiếp tục công bố tham gia vào lĩnh vực dược phẩm và sản xuất điện thoại thông minh với thương hiệu VinFa và Vinsmart, nâng số ngành nghề kinh doanh trong hệ sinh thái của mình lên con số 10.
Ai là chủ nợ lớn nhất của Vingroup?
Tuy nhiên, để thu về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm, Vingroup và các công ty con cũng phải duy trì lượng nợ vay tương ứng. Nửa đầu năm 2018, Vingroup phải chi ra hơn 2.727 tỷ đồng chi phí tài chính, trong đó hơn 2.060 tỷ đồng chỉ để trả lãi vay. Năm trước đó con số này cũng ghi nhận trên 3.400 tỷ đồng.
Hiện tại, Vinhomes đang có tổng cộng 29.100 tỷ đồng nợ vay tài chính, tăng hơn 13.800 tỷ đồng so với đầu năm. Số nợ vay bên phía Vincom Retail cũng đang ở mức gần 2.800 tỷ đồng, nhưng đã giảm rất nhiều so với gần 6.000 tỷ đồng vào đầu năm.
Do Vinhomes là công ty phát triển bất động sản nhà ở, nên ngoài số nợ vay tài chính, doanh nghiệp cũng có các khoản nợ với khách hàng do người mua nhà trả tiền trước, khiến tỷ lệ nợ phải trả trên vốn sở hữu lên tới 1,79 lần. Theo Vingroup, các khoản nợ với khách hàng của Vinhomes thực chất là doanh số bán hàng chưa bàn giao, được hạch toán trong sổ sách là nợ, và sẽ được đưa vào doanh thu sau khi bàn giao nhà.
Trong khi phía Vincom Retail chỉ là 0,32 lần, ngưỡng rất an toàn về chỉ số tài chính.
Tại Vingroup, do hợp nhất báo cáo kinh doanh cùng Vinhomes và Vincom Retail và các công ty con khác, hiện tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của tập đoàn xấp xỉ 1,79 lần, giảm mạnh so với hồi đầu năm, là 3,07 lần. Trong đó, riêng nợ vay tài chính tại doanh nghiệp lên tới hơn 55.100 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm. Chủ yếu là nợ dài hạn, với gần 43.000 tỷ đồng.
Tập đoàn cũng đang có gần 36.800 tỷ đồng tiền người mua trả trước ngắn hạn. Đây là các khoản tiền người mua nhà của Vingroup đã trả tiền và sẽ lấy nhà trong 1 năm tới.
Cơ cấu nợ vay của tập đoàn này chủ yếu là các khoản vay bằng trái phiếu dài hạn, nhiều nhất là tại Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ thương, với dư nợ cho vay lên tới 19.623 tỷ đồng, thời hạn 2-10 năm và lãi suất dao động 7,75-10,5%/năm.
Ngoài ra, còn một số khoản trái phiếu phát hành cho các tổ chức khác như Credit Suisse AG và Duetsche Bank AG, với số dư 7.317 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm.
Với các khoản vay tại ngân hàng, Techcombank cũng đang là chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp, với 1.421 tỷ dư nợ, tăng hơn 200 tỷ đồng so với đầu năm.
Tiếp theo đó là các khoản nợ tại Vietcombank 894 tỷ đồng; BIDV 183 tỷ đồng… Các khoản vay này đều được quy định lãi theo lãi suất tiết kiệm 12 tháng + biên độ 2,5-3%/năm.
Nguồn: VNDirect.
Quang Thắng
Theo Zing