Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Thấy gì từ việc hàng loạt ngân hàng gia nhập “cuộc đua” tăng vốn?

03/10/2021 16:09

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán: SSB) chính thức tăng vốn điều lệ lên gần 13.425 tỷ đồng. Trước đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank) và Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên United Overseas Bank Việt Nam (OUB VN) cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ.

Hàng loạt ngân hàng tăng vốn điều lệ trong năm 2021. 

Ngân hàng Nhà nước vừa có Quyết định số 1489/QĐ-NHNN ngày 17/9/2021 chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán: SSB) chính thức tăng vốn điều lệ lên gần 13.425 tỷ đồng.

Dự kiến thời gian tới SeABank sẽ phát hành 136 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 10,13% để tiếp tục tăng vốn điều lệ theo phương án đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên SeABank năm 2021.

Việc tăng vốn điều lệ nằm trong kế hoạch và định hướng phát triển của Ngân hàng, giúp SeABank có thêm tiềm lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, nâng cao chất lượng hoạt động của Ngân hàng; đồng thời đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của khách hàng trên toàn quốc.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2021 được Đại hội đồng cổ đông thông qua, SeABank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 10% đạt 198.229 tỷ đồng; huy động tiền gửi của khách hàng tăng 9,7% đạt 124.277 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng tăng 13% đạt 122.978 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 2.414 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2020.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank) và Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên United Overseas Bank Việt Nam (OUB VN).

Cụ thể, NHNN chấp thuận Kienlongbank tăng vốn điều lệ tối đa thêm 415.864.530.000 đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Thấy gì từ việc hàng loạt ngân hàng gia nhập “cuộc đua” tăng vốn? - Ảnh 1

NHNN yêu cầu Kienlongbank thực hiện tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật; chỉ được thực hiện tăng vốn điều lệ khi tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc phát hành cổ phiếu theo quy định của pháp luật, Kienlongbank thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư số 50/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc NHNN quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

NHNN cũng chấp thuận việc OUB VN tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.

NHNN yêu cầu OUB VN có trách nhiệm thực hiện tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc tăng mức vốn điều lệ (thêm 2.000 tỷ đồng), OUB VN có văn bản đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động gửi NHNN.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của BIDV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6% trong giai đoạn 2021 – 2022. Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Đồng thời, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Cũng trong giai đoạn hai năm 2021 - 2022, kế hoạch tăng vốn điều lệ của Vietcombank là đạt 50.401 tỷ đồng, tức tăng 3.076 tỷ đồng. Tại VietinBank, ngân hàng dự kiến đẩy vốn điều lệ lên mức 54.134 tỷ đồng trong năm nay.

Theo các chuyên gia tài chính, cuộc chạy đua tăng vốn điều lệ của ngành ngân hàng không phải bây giờ mới bắt đầu mà đã diễn ra từ khá lâu. Thậm chí, cuộc đua này còn từng trải qua giai đoạn “nước rút” khi hồi chuông đáp ứng chuẩn Basel 2 réo vang vào cuối năm 2020. Sang đến năm nay, các ngân hàng lại một lần nữa ồ ạt trình cổ đông kế hoạch tăng thêm vốn điều lệ.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, tăng vốn sẽ tăng bộ đệm thanh khoản giúp ngân hàng ứng phó tốt hơn với rủi ro dịch bệnh hiện nay. Vì vậy, việc tăng vốn cho ngân hàng là điều cần thiết, nhất là với những ngân hàng có vốn Nhà nước

Thống kê từ Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy, năm 2020 đã có 12 ngân hàng được chấp thuận tăng thêm 160 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ. Tuy nhiên, từ các báo cáo tài chính cuối quý 4/2020 lại cho thấy, tổng cộng chỉ có khoảng 33 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ được bổ sung trong năm 2020. Phương thức tăng chủ yếu từ chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu riêng lẻ, hoặc thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp ngân hàng củng cố thêm hệ số an toàn CAR, nâng cao năng lực doanh nghiệp và tăng khả năng đề kháng trước những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt khi TPBank đã hoàn thiện và áp dụng cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II.

Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cũng cho biết việc tăng vốn năm nay sẽ giúp ngân hàng tăng được hệ số CAR. Trên cơ sở đó, ngân hàng có thể phát triển hoạt động tín dụng cao hơn cũng như góp phần đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo tiêu chuẩn Basel II và hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn là Basel III.

Theo Vương Chân/Doanh nhân Việt Nam