Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết tính từ 15-7 đến 31-8, số tiền lãi đã giảm cho khách hàng lũy kế của 16 ngân hàng thương mại gồm: Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, Bưu điện Liên Việt, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) là 8.865 tỉ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.
Trong số đó giảm nhiều nhất là Agribank với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 4.726 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,06 triệu tỉ đồng cho trên 3 triệu khách hàng.
BIDV đã giảm 1.032 tỉ đồng tiền lãi cho 304.765 khách hàng, trong khi Vietcombank giảm 943 tỉ đồng tiền lãi cho 238.865 khách hàng.
Xếp tiếp theo trong danh sách này là Vietinbank với mức giảm 857 tỉ đồng, còn MB giảm lãi cho khách hàng là 550 tỉ đồng.
Ở các ngân hàng cổ phần, mức giảm thấp hơn. Như VPBank giảm lãi cho khách 137 tỉ đồng, ACB giảm 83 tỉ đồng, trong khi Sacombank giảm 37 tỉ đồng… HDBank giảm 51 tỉ đồng tiền lãi cho 11.879 khách hàng.
Đây cũng là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước công khai chi tiết số lãi mà các ngân hàng đã giảm cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đợt COVID-19 vừa qua, sau khi nơi này tuyên bố "sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất để đảm bảo sự hỗ trợ thực chất".
Đồng thời khi đó Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay theo kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để giữ uy tín của mỗi ngân hàng cũng như toàn ngành nói chung trước người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online từng phản ánh ý kiến của nhiều khách vay cho biết dù gặp khó khăn do dịch COVID-19 kéo dài, thậm chí mất thu nhập nhưng không được ngân hàng giảm lãi.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản gửi các ngân hàng, trong đó yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu tác động lớn của dịch COVID-19, đặc biệt là dư nợ lĩnh vực bất động sản với mục đích tự sử dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại, và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư 01 và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tập trung và tăng cường nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu, đặc biệt đối với tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh ở mức cao trong khi chất lượng tín dụng chưa được cải thiện, nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu vẫn còn lớn.