Sinh nhật 10 tuổi Winmart

The Coffee Bean lỗ trăm tỷ đánh dấu thất bại của chuỗi cà phê ngoại khi đổ bộ vào Việt Nam

12/09/2018 15:54

Ồ ạt tiến vào Việt Nam từ những năm 2000, các chuỗi cà phê phong cách ngoại như Gloria Jean’s, New York Dessert Coffee hay the Coffee Bean & Tea Leaf đều đang phải thu hẹp hoạt động, thậm chí là đóng cửa.

Tháng 7/2016, thông tin quán cà phê NYDC Đồng Khởi đóng cửa khiến giới trẻ Sài Gòn bất ngờ. Ra đời năm 2008, NYDC Đồng Khởi định hình mình ở phân khúc cao cấp với công thức vị trí đẹp, phong cách “Tây” và giá cả đắt đỏm quán cà phê này và rất nhanh chóng trở thành tụ điểm của những người trẻ có tiền. Thừa thắng xông lên, NYDC sau đó tiếp tục mở thêm những địa điểm mới tại TPHCM.

Mặc dù vậy, sau quãng thời gian hút khách ban đầu, NYDC dần hụt hơi so với các đối thủ khác. Cửa hàng cuối cùng đóng cửa vào năm 2016, chấm dứt hành trình gần 10 năm hoạt động của chuỗi cà phê này tại Việt Nam.

Và NYDC không phải là trường hợp cá biệt. Gloria Jean’s, chuỗi cửa hàng cà phê rất thành công tại Úc đã phải đóng cửa cửa hàng cuối cùng của mình tại Việt Nam vào tháng 4/2017. Gloria Jean’s cũng kết thúc hành trình tại Việt Nam sau nhiều năm kinh doanh không thể mở rộng nhanh số điểm bán hay kinh doanh có lãi.

Đặc điểm chung của các chuỗi cà phê phong cách ngoại khi đổ bộ vào Việt Nam đó là vị trí đẹp với giá đồ uống đắt đỏ, tập trung vào giới trẻ có thu nhập cao. Mặc dù vậy, sau nhiều năm thử nghiệm, công thức này đang tỏ ra có vấn đề nghiêm trọng.

The Coffee Bean & Tea Leaf, một trong những chuỗi cửa hàng cà phê theo đuổi phong cách này, đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế cả trăm tỷ đồng từ kể từ khi bước chân vào Việt Nam. Cập bến Việt Nam năm 2008, đến nay, Coffee Bean có 15 cửa hàng trên toàn quốc, 13 tại TPHCM và 2 tại Hà Nội.

Tính đến cuối năm 2016, Coffee Bean đạt doanh thu 137 tỷ đồng và lỗ 20 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh có phần cải thiện nếu so với năm 2015, khi chuỗi cà phê đạt doanh thu 130 tỷ đồng nhưng lỗ tới 33 tỷ đồng.

Một lý do lớn khiến Coffee Bean thua lỗ là giá vốn của công ty luôn cao hơn doanh thu, cho thấy giá bán mỗi cốc cà phê tuy đắt đỏ nhưng vẫn không đủ bù lại chi phí thuê mặt bằng, nguyên liệu,…

Sau 8 năm có mặt tại Việt Nam, công ty lỗ lũy kế tới 144 tỷ đồng, âm vốn điều lệ 140 tỷ đồng. Liên tục thua lỗ khiến Coffee Bean đối mặt với áp lực tài chính rất lớn. Cuối năm 2016, tổng vay và nợ ngắn và dài hạn của công ty lên cao 137 tỷ đồng.

Bên ngoài một cửa hàng Coffee Bean

Trước khoản thua lỗ này, IFB Holding, đơn vị nhận nhượng quyền chuỗi The Coffee Bean & Tea Leaf vào Việt Nam chưa có ý định thu hẹp hoạt động, song đang tìm kiếm nguồn vốn bổ sung. Một nguồn tin cho biết, IFB Holding đang mời gọi các nhà đầu tư chiến lược để trở thành cổ đông mới trong công ty.

Bên cạnh The Coffee Bean, IFB Holding còn nhận nhượng quyền chuỗi cửa hàng bánh mì kẹp nổi tiếng là Subway vào Việt Nam. Chuỗi cửa hàng này còn gặp nhiều vấn đề hơn, khi vừa không thể mở rộng quy mô, vừa thua lỗ nặng nề. Năm 2016, Subway Việt Nam chỉ đạt doanh thu 16 tỷ nhưng lỗ tới 6 tỷ đồng.

Sự thất bại của The Coffee Bean, Gloria Jean’s hay NYDC cho thấy khác biệt trong văn hóa thưởng thức cà phê của người Việt. Sau một thập kỷ du nhập vào Việt Nam, những hạt cà phê Arabica đã không đủ sức thuyết phục được người Việt thay đổi thói quen uống cà phê của mình, kể cả khi họ tập trung vào giới trẻ, nhóm người dùng luôn sẵn sàng cho sự thay đổi.

Hiện tại, chỉ còn lại Starbucks là cái tên lớn đáng kể còn có ý định mở rộng tại thị trường Việt Nam. Ra mắt vào năm 2013, Starbuck hiện có 40 cửa hàng tại Việt Nam, xếp thứ 3 về số lượng, sau The Coffee House và Highland Coffee.

Trong khi các doanh nghiệp ngoại khốn khổ khi mở chuỗi cà phê tại Việt Nam, những thương hiệu nội địa lại cho thấy mình sống khỏe, chẳng hạn như The Coffee House, Cộng Cà phê hay Phúc Long. The Coffee House, chuỗi cà phê mới thành lập năm 2014, nhưng nay đã có tới 100 cửa hàng.

Highland Coffee, chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất Việt Nam nay thuộc quyền sở hữu của Jolibee (Philippines) đã đưa ra chiến lược đúng đắn để thành công tại Việt Nam. Thay vì theo đuổi những cốc cà phê đắt đỏ, Highland Coffee kết hợp giữa các dịch vụ kiểu châu Âu pha lẫn những giá trị thuần Việt với một cái giá phải chăng. Thực đơn của Highland Coffee có cà phê Arabica, đồ uống nhiều kem, nhưng đồng thời cũng phục vụ cà phê đen đá và bánh mì thuần Việt.

Trần Anh/TheLeader