Sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn sẽ tạo ra một trật tự thế giới mới. Câu hỏi đặt ra là các bên sẽ chống lại nó hay cùng nắm bắt cơ hội để ngăn chặn "những sự kỳ quặc" trong đó.
Đây là vấn đề nhận được sự đồng thuận cao trong Hội nghị tại Singapore, nơi các diễn giả tập trung dự đoán và đầu tư vào những xu thế mới trong việc tạo dựng lên thế giới. Các đại biểu cũng nhấn mạnh rằng, thay vì đánh bại Bắc Kinh hay sử dụng sức mạnh quân sự, các nền kinh tế lớn khác nên hoan nghênh điều này và coi đó là cơ hội để viết lại những quy tắc toàn cầu.
Trung Quốc đang được hưởng lợi rất nhiều từ những công nghệ hiện có. Tuy nhiên, quốc gia này luôn có những vấn đề nghiêm trọng với sở hữu trí tuệ. Đây cũng là vấn đề hàng đầu trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Các cuộc đàm phán đang dần ngã ngũ nhưng chưa thể xác định được vấn đề sở hữu trí tuệ sẽ được Mỹ và Trung Quốc giải quyết như thế nào.
"Tôi nghĩ rằng, chưa bao giờ chúng ta cần quy tắc và luật lệ như lúc này. Chúng ta có thể quản lý sự khác biệt một cách đúng đắn. Chúng ta cần quy tắc, chứ không phải sức mạnh quân sự, để quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như sự suy tàn không thể tránh khỏi của Mỹ", ông Anthony Gardner, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) nhận định.
Ho Kwon Ping, triệu phú sáng lập Banyan Tree Holdings, tập đoàn khách sạn có trụ sở tại Singapore, cũng đã đồng ý với quan điểm này. "Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm cho rằng cần có trật tự thế giới mới dựa theo quy tắc". Theo Ho, nhiều quy tắc được đưa ra khi Trung Quốc chưa phải một cường quốc và Trung Quốc đang lợi dụng điều đó để làm lợi cho riêng mình.
Ho cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc vốn không thích tuân theo những quy tắc. Thế giới nên chấp nhận sự lên ngôi của Trung Quốc, nắm lấy cơ hội này để đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ "có ít hơn những hành vi kỳ quặc". Ngoài ra, cần đưa Trung Quốc vào một trật tự thế giới mới, nơi quốc gia này đóng vai trò lớn hơn cùng với trách nhiệm nhiều hơn.
Cựu đại sứ Gardner cũng cho rằng Mỹ cần coi EU là một đồng minh kinh tế chứ không phải đối tượng để áp đặt các biện pháp đánh thuế. Mỹ và EU có sự đồng thuận tới 90% khi nói đến các vấn đề với Trung Quốc. Chính vì thế, theo đại sứ Gardner, làm việc với EU nhiều hơn sẽ tốt hơn là đe dọa đánh thuế khối này.
theo CNBC