Ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ ban hành lệnh cập xuất hàng khiến Trung Nguyên không thể giao hàng đúng thời hạn 44 đơn hàng trị giá 4,8 triệu USD. Còn bà Lê Hoàng Diệp Thảo muốn đối thoại với chồng để khôi phục lại công ty. Điều gì đang diễn ra ở Trung Nguyên và thế lực nào đang chi phối cuộc ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng “vua cafe Việt”?
Ngày 21.3, Tòa kinh tế TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNH), do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Chủ tịch HĐQT và bị đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo về hành vi chiếm giữ con dấu của TNH và các công ty thành viên. Tòa yêu cầu bà Thảo trả lại cho Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà bà Thảo đã chiếm đoạt.
Phản hồi về quyết định này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết sẽ kháng cáo quyết định của tòa. Bà cũng nói căn nguyên của những biến cố, tranh chấp triền miên tại doanh nghiệp bắt đầu từ năm 2014, khi chồng bà, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HDDQT Trung Nguyên có vấn đề về sức khỏe. Bà vẫn mong muốn đối thoại với chồng để vực dậy doanh nghiệp.
Giữ con dấu vì an nguy của Trung Nguyên
Ở Việt Nam chắc hẳn không ai là không biết đến thương hiệu cà phê Trung Nguyên với hình bóng của doanh nhân thành đạt Đặng Lê Nguyên Vũ, ông “vua cafe Việt”. Ít ai biết rằng, đằng sau sự khởi nghiệp, phủ sóng cả nước và xuất khẩu ra 50 nước trên thế giới của Trung Nguyên là sự điều hành, quản lý của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, vợ ông Vũ.
Theo bà Thảo, bà và ông Đặng Lê Nguyên Vũ kết hôn năm 1998 và cùng khởi nghiệp. Từ đó hai vợ chồng gây dựng Trung Nguyên trở thành một trong những thương hiệu quốc gia của Việt Nam. Đây là mô hình tiêu biểu của công ty gia đình. Hai vợ chồng cùng sở hữu 93% tài sản hữu hình và vô hình (bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ về các thương hiệu Trung Nguyên và G7) của TNH.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, vợ Vua cafe Việt (Ảnh: Zing)
Vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống kinh doanh và có tiềm lực tài chính, những đóng góp của bà Thảo cho thương hiệu Việt này quá lớn. Suốt 20 năm trong tập đoàn, bà Thảo giữ vai trò nhà điều hành, quan hệ đối tác, đàm phán xuất khẩu, quản lý nhân sự... còn ông Vũ có công lớn trong việc làm thương hiệu trên truyền thông cho Trung Nguyên.
Năm 2014, sau khi kết thúc 49 ngày thiền định và nhịn ăn tại trang trại M’dark (Đắk Lắk), ông Vũ có những biến đổi bất thường về sức khỏe, dẫn đến nhiều biến cố trong gia đình và nội bộ doanh nghiệp. Kể từ thời điểm này, ông Vũ rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, ở công ty và gia đình.
Tháng 4.2015, TNH đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo. Cũng từ thời gian đó cho đến nay, mọi hoạt động hàng ngày của TNG đều giao cho cấp dưới quản lý. Riêng trong hoạt động kinh doanh quốc tế, bà Thảo vẫn tiếp tục điều hành Công ty Trung Nguyen International tại Singapore.
Bà Thảo cho biết vào tháng 10.2015, cấp dưới của ông Vũ bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất hàng, không cho xuất khẩu các sản phẩm cà phê của TNG đến các thị trường quốc tế. Việc làm này dẫn đến 44 đơn hàng với tổng giá trị lên đến hơn 4,8 triệu USD của TNG đã không thể giao được cho đối tác đúng thời hạn.
Vợ "vua cà phê" nhận định đây là điều hết sức nguy hại cho hoạt động kinh doanh và uy tín của TNG trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp không những phải chịu phạt và bồi thường theo quy định của các hợp đồng thương mại quốc tế, mà còn đứng trước nguy cơ bị phá hủy hệ thống phân phối quốc tế mất hàng chục năm mới xây dựng được.
“Trước những rối ren trong nội bộ do việc ông Vũ gần như vắng bóng tại công ty, lo ngại con dấu bị nhóm người xấu lợi dụng và hoạt động xuất khẩu gần như bị tê liệt hoàn toàn liên tục trong nhiều tháng, tôi nhiều lần khuyên nài ông Vũ đi kiểm tra sức khỏe và chữa bệnh”, bà Thảo cho biết.
Mong được đối thoại với chồng
Phản hồi về việc nắm giữ con dấu của Công ty đầu tư Trung Nguyên (TNH), bà Thảo cho rằng với vai trò là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC), bà đã nhiều lần có văn bản yêu cầu bàn giao con dấu của Trung Nguyên IC và đích thân đến để lấy con dấu.
Bà cho rằng do biết rõ bà là chủ của Trung Nguyên nên nhân viên thư ký đã giao toàn bộ con dấu (trong đó bao gồm cả con dấu của TNH) và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tập đoàn cho bà.
Đặng Lê Nguyên Vũ, ông vua cafe Việt (Ảnh: Zing)
Sau khi đã đưa TNG khỏi nguy cơ bị phá vỡ hệ thống phân phối quốc tế, nhiều lần bà Thảo đề nghị bàn giao lại con dấu và các giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các công ty nhưng phía TNH từ chối không nhận lại (việc này được ghi trong 2 “vi bằng” của văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh).
Bà cũng cho biết TNH cũng đã tự làm lại các con dấu và giấy phép kinh doanh tại thời điểm này và sử dụng cho mọi hoạt động kinh doanh bình thường từ đó cho đến nay.
Là người đồng sáng lập và đồng sở hữu, bà Diệp Thảo cho biết sẽ gửi đơn kháng cáo đến tòa án, để làm rõ sự việc và đề nghị được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
“Trong mọi nỗ lực, tôi vẫn mong muốn được đối thoại với chồng, giúp ông hồi phục sức khỏe và duy trì hoạt động kinh doanh bình thường của Trung Nguyên", bà Thảo chia sẻ.
Trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNH), do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Chủ tịch HĐQT đã khởi kiện bà Lê Hoàng Diệp Thảo về hành vi chiếm giữ trái phép các con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của TNH, cùng các công ty con thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
TNH yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi trái phép, chiếm đoạt con dấu của TNH về quản lý và sử dụng con dấu. Yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền của TNH; chấm dứt hành vi nhân danh TNH để thực hiện các công việc không thuộc thẩm quyền.
Ông Vũ còn yêu cầu bà Thảo trả ngay cho TNH con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà bà Thảo đã chiếm đoạt vào ngày 16.10.2015.
HĐXX nhận thấy căn cứ vào giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu (12.12.2009) và giấy thay đổi lần 3 ngày 12.4.2016, TNH có người đại diện theo pháp luật là ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Theo quy định của luật Doanh nghiệp, việc quản lý sử dụng con dấu phải thực hiện theo điều lệ công ty.
Hiện nay, giữa Trung Nguyên và bà Thảo có nhiều vụ kiện lẫn nhau. Tuy nhiên, đáng lẽ ra, nếu là vấn đề từ vụ ly hôn thì phải là vụ kiện của hai vợ chồng “vua cafe Việt”, tại sao lại là Trung Nguyên? Đáp án của câu hỏi này cũng chính là đáp án của câu hỏi có hay không thế lực nào đó đang thao túng ở Trung Nguyên?
Nguyễn Ngân/Dân Việt