Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Thị trường phản ứng thế nào trước thương vụ 'bom tấn' Vinamilk thâu tóm Sữa Mộc Châu?

13/03/2019 23:06

Cả GTN và VNM đều giảm giá sau thông tin Vinamilk công bố việc sẽ chào mua công khai cổ phần của Công ty CP GTNFoods. Cụ thể, GTN giảm 400 đồng, xuống còn 16.000 đồng/cổ phiếu và VNM giảm 700 đồng, xuống còn 138.300 đồng/cổ phiếu. Sau thời gian rò rỉ về thương vụ 'bom tấn', với tâm lý 'tin ra là bán', nhiều nhà đầu tư đã quyết định chốt lời GTN.

Cả GTN và VNM đều giảm giá sau thông tin Vinamilk công bố việc sẽ chào mua công khai cổ phần của Công ty CP GTNFoods. Cụ thể, GTN giảm 400 đồng, xuống còn 16.000 đồng/cổ phiếu và VNM giảm 700 đồng, xuống còn 138.300 đồng/cổ phiếu. Sau thời gian rò rỉ về thương vụ 'bom tấn', với tâm lý 'tin ra là bán', nhiều nhà đầu tư đã quyết định chốt lời GTN.

Tuy diễn biến giằng co nhưng thị trường chứng khoán phiên 13/3 vẫn đóng cửa với kết quả khả quan khi VN-Index trụ vững trên ngưỡng 1.000 điểm, đạt mức tăng 4,09 điểm (tương ứng 0,41%) lên 1005,41 điểm. Tương tự, HNX-Index tăng 0,27 điểm (tương ứng 0,25%) lên 109,82 điểm.

Độ rộng thị trường đang nghiêng về các mã tăng giá. Có tổng cộng 351 mã tăng, 53 mã tăng trần so với 292 mã giảm và 22 mã giảm sàn.

Trong khi VHM tăng giá và đóng góp 1,73 điểm cho VN-Index thì VIC giảm lại lấy đi của chỉ số gần 1,07 điểm. Thị trường nhận được sự hỗ trợ đáng kể của VRE, SAB, CTG, VCB… nhưng chiều ngược lại chịu sự tác động tiêu cực của NVL, VNM, GAS, VJC.

Thanh khoản có sự bứt phá đáng kể khi dòng tiền hứng khởi đổ vào thị trường mạnh mẽ hơn. Nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng với hoạt động giải ngân đẩy khối lượng giao dịch trên HSX lên 229,38 triệu cổ phiếu tương ứng 5.106,23 tỷ đồng và khối lượng giao dịch trên HNX lên 51,81 triệu cổ phiếu tương ứng 654,77 tỷ đồng.

GTNFoods đang nắm một số thương hiệu như sữa Mộc Châu, vang Đà Lạt, Vinatea.

Trong phiên giao dịch này, cả GTN và VNM đều giảm giá sau thông tin Vinamilk công bố việc sẽ chào mua công khai cổ phần của Công ty CP GTNFoods. Cụ thể, GTN giảm 400 đồng (2,44%) còn 16.000 đồng/cổ phiếu và VNM giảm 700 đồng còn 138.300 đồng/cổ phiếu.

Theo công bố của Vinamilk, “ông lớn” ngành sữa sẽ chào mua tối đa 46,68% cổ phần GTN, tương ứng 116,71 triệu cổ phần đang lưu hành của GTNFoods với giá 13.000 đồng/cổ phiếu tương ứng với việc Vinamilk dự chi trên 1.500 tỷ đồng cho thương vụ này.

Mức giá mà Vinamilk đưa ra thấp hơn đáng kể giá GTN đang được giao dịch trên thị trường ở thời điểm hiện tại. Dù giảm giá trong phiên hôm nay song GTN vẫn đạt mức tăng mạnh tới 43,5% trong vòng 1 tháng qua. Mức giá 16.400 đồng của GTN trong ngày 12/3 cũng chính là đỉnh giá của mã này.

Trên thực tế, thông tin về thương vụ sáp nhập này đã được rò rỉ trên thị trường trong thời gian qua đã hỗ trợ đáng kể giá GTN và phải tới hôm nay thông tin này mới được công bố chính thức. Vì vậy, với tâm lý “tin ra là bán”, nhiều nhà đầu tư đã quyết định chốt lời GTN. Thanh khoản mã này trên thị trường trong phiên 13/3 đạt trên 1,6 triệu cổ phiếu, gấp 3 lần phiên trước đó.

Với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, GTNFoods hoạt động khá đa dạng trong lĩnh vực nông nghiệp với việc chăn nuôi bò sữa, heo giống; sản xuất chế biến các sản phẩm từ sữa, trà, rượu vang, nhựa tổng hợp.

GTNFoods đang nắm giữ 73,7% cổ phần Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico), đơn vị sở hữu 51% vốn của Công ty CP Sữa Mộc Châu, theo đó, gián tiếp nắm quyền kiểm soát Sữa Mộc Châu. Chính vì vậy, việc Vinamilk chi cả nghìn tỷ đồng vào cổ phiếu GTN được cho là một thương vụ M&A để mở rộng sản xuất và chiếm lĩnh thị phần sữa.

Ngoài ra, GTNFoods cũng có lợi thế lớn trong ngành nông nghiệp với sở hữu 95% cổ phần Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) và 35% cổ phần Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng (LadoFoods - đơn vị sở hữu thương hiệu Vang Đà Lạt).

Đưa ra đánh giá với diễn biến thị trường hiện tại, BVSC cho rằng, dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, thị trường có thể tiếp tục duy trì đà tăng điểm trong những phiên cuối tuần.

Đà lan tỏa đã lan sang các cổ phiếu nhóm ngành khác như bất động sản, bán lẻ, chứng khoán… Điều này giúp cho VN-Index duy trì được xung lực tăng khi các cổ phiếu nhóm Ngân Hàng bước vào điều chỉnh. Mặc dù không mới nhưng hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs nhà đầu tư vẫn cần chú ý do hoạt động này sẽ gây biến động trên các cổ phiếu bluechips.

Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài đang mua ròng các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 và VFMVN30, tuy vậy, trong bối cảnh chính trị thế giới liên quan đến việc Brexit đang diễn ra rất phức tạp, dòng vốn ngoại có thể sẽ phản ứng tiêu cực với diễn biến này và xu hướng mua ròng có thể sẽ bị đảo ngược.

Tóm lại, BVSC cho rằng xu hướng tăng điểm của thị trường sẽ được duy trì và chỉ số sẽ tiến đến vùng kháng cự mạnh 1019 – 1024. Tại đây, lực bán gia tăng làm xuất hiện khả năng đảo ngược xu thế hiện tại. Với diễn biến hiện nay, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu đang có trong danh mục và xem xét giảm tỷ trọng khi VN-Index đi vào vùng kháng cự mạnh như đã nêu trên.

Theo Dân trí