Thị trường tiền mã hóa thay đổi thế nào sau 10 năm

10/06/2022 06:48

Sau 10 năm, số lượng đơn vị coin/token tăng thêm hàng trăm lần. Trong khi đó, vốn hóa của thị trường sau nhiều lần leo dốc bắt đầu suy yếu.

Kể từ thời điểm Bitcoin chính thức ra đời vào năm 2009, thị trường tiền mã hóa đã chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc trong suốt giai đoạn phát triển. Dù ghi nhận được những thành tựu, phong trào lớn, thị trường cũng xuất hiện nhiều cú sốc và hỗn loạn, đơn cử như giai đoạn cuối năm 2017 và cuối năm 2021.

Theo dữ liệu phân tích từ Statista, số lượng coin/token đến nay đã gần chạm đến 20.000 đơn vị, tăng hàng trăm lần so với cuối năm 2014.

Một phần nguyên do dẫn đến bùng nổ về số lượng coin/token liên quan đến sự đơn giản trong hoạt động thiết kế, phát triển dự án. Thậm chí chỉ sau vài cú nhấp chuột, người dùng đã có thể tạo ra một tài sản số mới.

Thi truong tien ma hoa thay doi ra sao anh 1
Biến động thị trường tiền mã hóa trong 10 năm. Ảnh việt hóa: Zing.

Trong khi số lượng tiền mã hóa tăng lên gần như theo cấp số nhân, giá trị của những đồng tiền này lại trái ngược hoàn toàn. Với mức độ biến động 24/7 đi kèm biên độ lên tới 100%, tiền mã hóa vẫn được xem là khoản đầu tư có tính rủi ro cao.

Sau cú bứt phá vào cuối năm ngoái và đạt mốc vốn hóa cao nhất lịch sử (khoảng 3.000 tỷ USD), vốn hóa toàn thị trường nay đã giảm hơn 50% và chỉ chấp chới trên 1.300 tỷ USD. Song, con số này vẫn cao gấp đôi so với giá trị hồi cuối năm 2020.

Tầm quan trọng của Bitcoin giảm dần theo thời gian khi tỷ lệ thống trị của đồng tiền thu hẹp còn 46,3%. Phần lớn nguyên do xuất phát từ xu hướng đầu tư vào những danh mục altcoin khác ngoài Bitcoin như Ethereum tăng lên.

Hiện tại, giá trị vốn hóa của Bitcoin chiếm từ 40-50% toàn thị trường, giảm mạnh so với con số 80% vào năm 2014.

Bitcoin đang được giao dịch ở ngưỡng dưới 29.600 USD/đồng, giảm 4,7% trong 24 giờ qua. Vốn hóa của đồng tiền đang ở mức 564 tỷ USD.

Theo Minh Khánh/Zing