Thời điểm các cuộc họp FPT Software chỉ nói chuyện đuổi người, ông Hoàng Nam Tiến đã hiến kế gì để thoát khỏi vũng lầy trong bài toán nhân sự

21/03/2019 16:57

Bất kỳ doanh nghiệp nào nếu không giải quyết được bài toán này giỏi hơn những công ty cùng ngành của mình thì sẽ luôn gặp vấn đề về nhân sự.


Bất kỳ doanh nghiệp nào nếu không giải quyết được bài toán này giỏi hơn những công ty cùng ngành của mình thì sẽ luôn gặp vấn đề về nhân sự.

Một thời FPT Software họp chỉ nghĩ đến việc đuổi người

"Bạn hãy tin tôi đi, bất kỳ doanh nghiệp nào nếu không giữ được tốc độ tăng trưởng hơn hẳn những công ty cùng ngành mình thì sẽ luôn gặp vấn đề về nhân sự. Còn khi tăng trưởng tốt vẫn gặp vấn đề về nhân sự nhưng là good problem. Còn nếu tăng trưởng ít hơn công ty trong ngành của mình thì thể nào cũng gặp vấn đề về nhân sự", đây là kinh nghiệm được Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến chia sẻ trong một buổi hội thảo về quản trị nhân sự năm 2017.

Điều này được ông Tiến đúc rút là từ chính kinh nghiệm xương máu của FPT Software giai đoạn 2012. Thời điểm này FPT Software vốn kinh doanh rất tốt nhưng "bỗng một ngày đẹp trời không còn tốt nữa" như lời của chủ tịch Hoàng Nam Tiến nhớ lại.

"Lúc đấy chúng tôi họp không bàn chuyện công nghệ mà bàn chuyện đuổi người. Lúc đấy FPT Software có 3000 người, các cuộc họp chỉ nghĩ đến việc đuổi người. Vấn đề ở đâu? Đến khi tôi nhận ra vấn đề ở công nghệ. Có nghĩa là trước đây chúng tôi đã làm rất thành công và hài lòng với những công nghệ chúng tôi đang làm ví dụ như java.net hay testing… và đột nhiên phát hiện ra nếu cứ như thế này công ty sẽ lâm vào con đường cụt, không phát triển được. Và chúng tôi phát hiện ra vai trò lớn của công nghệ.", ông Tiến chia sẻ.

Nhận ra vai trò của công nghệ, FPT Software quyết định đầu tư vào những vấn đề lớn như Big data, IOT hay AI. Ông Tiến tự tin khẳng định công ty thời điểm 2012 đang triển khai những công nghệ tân tiến nhất trên thế giới với với bất kỳ công ty nào kể cả Microsoft. 

"Và điều bất ngờ là từ công nghệ tạo ra vô số việc làm, tạo ra cơ hội để chúng tôi tiếp cận với tất cả các tập đoàn lớn nhất trên thế giới, cho phép chúng tôi cạnh tranh cùng với những công ty hàng đầu thế giới. Và là khi dựa vào công nghệ, công việc lên. Hóa ra mọi việc đau đầu trước đấy là đuổi người, bổ nhiệm lãnh đạo, tìm người tài, làm sao có người tài được giải quyết hết", chủ tịch Hoàng Nam Tiến nhớ lại.

Thời điểm các cuộc họp FPT Software chỉ nói chuyện đuổi người, ông Hoàng Nam Tiến đã hiến kế gì để thoát khỏi vũng lầy trong bài toán nhân sự - Ảnh 1.

Chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp

Cách làm đầu tư vào công nghệ của FPT Software năm 2012 chính là 1 cách thức cụ thể trong lý thuyết chiến lược tăng trưởng mà Fred R.David đưa ra. Theo ông có 4 chiến lược tăng trưởng được các doanh nghiệp đưa ra gồm: Chiến lược tăng trưởng tập trung (nội bộ), Chiến lược đa dạng hóa, Chiến lược hội nhập và Chiến lược liên kết.

Trong đó chiến lược phát triển sản phẩm là một nhánh của chiến lược tăng trưởng tập trung. Mục tiêu của chiến lược này là nhằm gia tăng lượng hàng hóa tiêu thụ bằng cách thay đổi hoặc cải tiến sản phẩm hoặc dịch vụ hiện tại. Chiến lược phát triển sản phẩm thường đòi hỏi một ngân sách lớn hơn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Chiến lược phát triển sản phẩm có thể trở thành chiến lược cạnh tranh đặc biệt hữu hiệu trong một số trường hợp dưới đây:

- Khi một sản phẩm rất thành công của doanh nghiệp đã bắt đầu đi vào giai đoạn bão hòa trong chu kỳ sống sản phẩm; chiến lược này nhằm thu hút những khách hàng đã thỏa mãn với những sản phẩm hoặc dịch vụ hiện tại của doanh nghiệp tiếp tục thử và tiêu dùng các sản phẩm hoặc dịch vụ mới.

- Khi doanh nghiệp hoạt động và cạnh tranh trong ngành có tốc độ đổi mới và phát triển công nghệ cao.

- Khi đối thủ cạnh tranh chính đưa ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn nhưng ở mức giá cạnh tranh.

- Khi doanh nghiệp cạnh tranh trong ngành có tốc độ tăng trưởng cao.

- Khi doanh nghiệp có thế mạnh thật sự trong hoạt động nghiên cứu phát triển.

Xét trong trường hợp FPT Software chiến lược này được xem là lựa chọn hợp lý bởi ngành công nghệ vốn có tốc độ đổi mới và phát triển công nghệ cao. Ngoài ra những công nghệ mà chủ tịch FPT Software nhắc đến như Java.net hay Testing ngày càng được các đối thủ cạnh tranh đưa ra dịch vụ tương tự hoặc tốt hơn ở mức giá cạnh tranh hơn.

Một ví dụ khác của chiến lược phát triển sản phẩm là gã khổng lồ cung cấp đồ ăn nhanh McDonald’s. Hãng này từng thử nghiệm và phát triển loại bánh kẹp dành cho người sành ăn (Gourmet- like sandwiches) vì hãng cho rằng người tiêu dùng có xu hướng chi trả nhiều hơn cho các đồ ăn nhanh có nhiều các thành phần bổ dưỡng. 

Mọi người ngày càng mong muốn các loại đồ ăn không chỉ có mùi vị ngon mà còn phải thực sự ngon khi ăn. Hãng cũng có các cửa hàng bán bánh kẹp mà người mua có thể tự lựa chọn và kết hợp các vị khác nhau (Design- your- own sandwiches).


Thảo Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ