Đây là một trong những chỉ đạo được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra với Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023 diễn ra hôm nay (28/12).
Cụ thể, tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá tích cực những kết quả ngành ngân hàng đã đạt được năm 2022, đóng góp quan trọng vào những thành tựu và kết quả của toàn nền kinh tế.
Cân bằng chính sách tỷ giá - lãi suất - lạm phát
Theo Thủ tướng, ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm, liên quan tới toàn dân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là áp lực lạm phát tăng cao và sự lên giá của các đồng tiền chủ chốt, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa, hiệu quả với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát trong nước, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục của ngành ngân hàng như cần chủ động hơn trong việc phân tích, nắm bắt tình hình thị trường để có phản ứng chính sách kịp thời; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; tăng cường phối hợp chính sách, phối hợp giữa các ngân hàng thương mại; hạn chế rủi ro từ các tổ chức tín dụng…
Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2023, tình hình trong nước và quốc tế dự báo có thuận lợi, cơ hội nhưng cũng tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN cần bám sát chủ trương, chính sách, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu cao nhất của ngành ngân hàng trong năm 2023 và các năm tiếp theo là bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống, phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững. Đồng thời ngành ngân hàng phải bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thanh khoản thông suốt trong bất cứ tình huống nào, đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu NHNN điều hành cân bằng, hợp lý giữa các chính sách tiền tệ như tỷ giá với lãi suất; lạm phát với tăng trưởng; lãi suất với lạm phát; đảm bảo thanh khoản cân bằng với tăng trưởng cho vay… Trong đó, chính sách tiền tệ phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ, kiên quyết không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn.
Bên cạnh đó, NHNN cũng phải chỉ đạo, tăng cường thanh tra, giám sát; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; thúc đẩy chuyển đổi số; chú trọng phát triển tín dụng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Giảm thêm lãi suất cho vay
Lãnh đạo Chính phủ đưa ra một loạt nhiệm vụ cụ thể với NHNN trong đó yêu cầu cơ quan này tiếp tục điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác.
NHNN phải điều hành thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, đảm bảo điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành các chính sách lãi suất, tỷ giá phù hợp với thực tế thị trường.
Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy thị trường tiền tệ, tín dụng và ngân hàng phát triển an toàn, hạn chế bất cập ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Các ngân hàng thương mại cũng phải tham gia công tác này bằng việc chỉ ra các khó khăn, vướng mắc trong chính sách, đề xuất các cấp có thẩm quyền xử lý.
Một nhiệm vụ được Thủ tướng nhấn mạnh với NHNN năm 2023 là việc triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tín dụng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.
Với lãi suất, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay.
Với tín dụng, NHNN phải tập trung dòng vốn này vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát tín dụng trong các lĩnh vực rủi ro.
Với vấn đề nợ xấu, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.