Thương vụ đầu tư 15 triệu USD vào Phúc Long của Masan giờ ra sao?

24/09/2021 13:46

Theo VCBS, thương vụ hợp tác giữa Masan và Phúc Long được đánh giá là win-win có lợi cho cả hai phía.

Hồi tháng 5, Tập đoàn Masan (MSN) bất ngờ thông báo công ty thành viên là The Sherpa đã mua lại 20% vốn tại Phúc Long Heritage - chủ sở hữu thương hiệu Phúc Long. Masan dự kiến phát triển mô hình kios dựa trên thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa VinCommerce và Phúc Long, tận dụng mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart/VinMart+ trên toàn quốc. 

Tính đến thời điểm hiện tại, bước đi chiến lược trên đã bước đầu mang lại "trái ngọt" cho Masan. 41 kios Phúc Long đã đi vào hoạt động và đang góp thêm 5 triệu đồng vào doanh thu VinMart/VinMart+, giúp cải thiện biên lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp (EBITDA) của các cửa hàng này lên gần 4%. Kế hoạch sẽ tiếp tục được triển khai với mô hình shop-in-shop với hơn 1.000 kios Phúc Long tích hợp tại các điểm bán của Vincommerce vào cuối năm 2021. 

Thương vụ đầu tư 15 triệu USD vào Phúc Long của Masan giờ ra sao?  - Ảnh 1

Báo cáo của VCBS đã chỉ ra mục tiêu mở 1.000 kiosk trong giai đoạn 1-2 năm tới với kỳ vọng doanh thu trung bình đạt 5 triệu đồng/ngày/kios và theo phương án chia sẻ doanh thu 20%, ước tính VinCommerce có thể nhận được khoảng 350 tỷ đồng doanh thu hàng năm từ việc hợp tác này.

Tương ứng, doanh thu của Vincommerce trong năm 2021 ước đạt 32.623 tỷ đồng, tăng 5% so với mức thực hiện năm 2020.

Đây là rõ ràng là hợp tác điển hình của "đôi bên cùng có lợi". Với Masan ngoài lợi nhuận thu về thì đây là cơ hội để thể hiện tham vọng tiến sâu vào ngành F&B. 

Ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc VinCommerce từng phát biểu về mục tiêu của Masan thông qua thương vụ: “Chúng tôi tin tưởng sẽ biến mỗi cửa hàng VinMart+ trở thành biểu tượng phong cách sống mới và hiện đại, là điểm đến cho mọi lứa tuổi từ các bạn trẻ đến các cô chị nội trợ trên khắp Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn đưa thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và café Phúc Long vươn ra thế giới, góp phần lan tỏa bản sắc dân tộc và quảng bá các thức uống đặc sắc của Việt Nam. Đồng thời, hợp tác này cũng giúp thực thi chiến lược phát triển hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life mà Masan đang hướng tới". 

Trước thời điểm đại dịch bùng phát, giá trị tiêu thụ từ trà và cà phê tại Việt Nam ước tính lên đến 2,3 tỷ đô và dự kiến tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Trong đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ trà và cà phê có thương hiệu chỉ chiếm 25% bao gồm các thương hiệu lớn như Highlands Coffee (trên 300 cửa hàng), The Coffee House (trên 150 cửa hàng) và Starbucks (trên 70 cửa hàng). Do đó, nếu có thể khai thác được tiềm năng từ dân số trẻ và nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ mới, Masan và Phúc Long tin rằng chuỗi cửa hàng trà và cà phê có thương hiệu sẽ bùng nổ trong thập kỉ tới.  

Trong khi đó, với Phúc Long thì thương hiệu này sau khi về cùng một nhà với Masan với doanh thu dự kiến đạt thêm  1.750 tỷ đồng/năm sẽ có nguồn tiền để cải thiện về lợi nhuận.

Lý do trước thời điểm bán cổ phần cho doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang dù tăng trưởng liên tục  về doanh thu và lợi nhuận trong vòng 5 năm trở lại đây như năm 2019, chuỗi đạt 779 tỷ đồng doanh thu, tăng 65% so với năm 2018 nhưng biên lợi nhuận công ty khá thấp luôn ở dưới 1%. Sang năm 2019 lợi nhuận đột biến lên 20 tỷ đồng, tương đương biên lãi tăng đáng kể song cũng chỉ dừng ở mức 2,5%.

Ngoài ra, cú bắt tay với Masan cũng mở đường cho Phúc Long phát triển thương hiệu sang các thị trường nước ngoài. Chỉ vài tháng sau thương vụ, Phúc Long đã mạnh dạn thâm nhập sang thị trường Mỹ khi mở cửa hàng tại Quận Cam, California và nhận được những phản hồi tích cực. 

Cuối cùng, Phúc Long kỳ vọng vào Masan thì sẽ nâng tầm vị thế của doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B lên một tầm cao mới so với các đối thủ với dồi dào về vốn như Highland, Starbucks hay The Coffee House dự kiến tiếp tục được rót thêm vốn bởi Seedcom. Đặc biệt, VCBS dự đoán rằng biên lợi nhuận của Phúc Long sẽ được cải thiện mạnh sau khi hợp tác với Masan – đơn vị khá "mát tay" trong các thương vụ hợp nhất, mua lại được minh chứng qua Bột giặt NET, VinaCafé Biên Hòa…

Một minh chứng khác cho khả năng phát triển các thương vụ sau khi mua lại hợp nhất đó chính là Vincommerce khi doanh nghiệp này ghi nhận có 3 quý liên tiếp ghi nhận EBITDA dương. Biên EBITDA cải thiện từ 0,2% trong quý 4/2020 lên 2% trong quý 1/2021 và 2,2% trong quý 2/2021 và biên lãi gộp của Vincommerce đã cải thiện từ mức 15-16% trong 2 quý đầu năm 2020 lên 18-19% trong các quý gần đây.

Nguyên nhân nhờ doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận thương mại nhờ đàm phán với các nhà cung cấp lớn, tối ưu hóa chi phí vận hành cửa hàng và cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng. Có thể hiểu là Masan đã không ngần ngại đóng cửa những điểm bán không hiệu quả cùng với cải thiện chuỗi cung nhằm mang lại tăng trưởng cho doanh nghiệp thành viên. 

Quý 1/2021, Masan ghi nhận tăng trưởng EBITDA 62,2% và tăng trưởng doanh thu 13,3% so với cùng kỳ năm 2020. 

Doanh thu của MSN tăng trưởng 13,3%, đạt 19.977 tỷ đồng trong quý 1/2021, được thúc đẩy nhờ Masan Consumer Holdings tăng trưởng 18,8%, Masan MEATLife tăng trưởng 38,5% và Masan High-Tech Materials tăng trưởng 178,2%, bù đắp cho doanh thu sụt giảm của VCM do đóng cửa 700 điểm bán - một phần trong kế hoạch cải thiện lợi nhuận của Công ty trong năm 2020.

Đối với VinCommerce, siêu thị mini VinMart+ đạt tăng trưởng doanh thu/m2 trên cơ sở so sánh tương đương like-for-like (“LFL”) là 4,1%, với doanh thu cao trong quý 1/2020 từ việc người tiêu dùng dự trữ hàng hóa trong bối cảnh COVID-19. Trong khi đó, doanh thu/m2 trên cơ sở LFL của siêu thị VinMart giảm (15,8)%.

Hết quý đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành 21,7% mục tiêu doanh thu ở mức thấp (92.000 tỷ đồng). Tăng trưởng doanh thu dự kiến sẽ tăng trong quý 2/2021, được dẫn dắt nhờ vào các phát kiến mới của Masan Consumer Holdings, tăng trưởng like-for-like của VinCommerce và mở rộng hệ thống điểm bán, mảng kinh doanh thịt gia tăng quy mô và giá cả hàng hóa cao hơn.

Theo Doanh nhân Việt Nam