Sinh nhật 10 tuổi Winmart

'Thuyền trưởng' Nguyễn Mạnh Hùng: Những khát vọng tương lai để lại cho 'con tàu' Viettel

27/07/2018 09:29

"Khát vọng Viettel luôn cháy không ngừng là trở thành một tập đoàn công nghiệp, viễn thông toàn cầu hùng mạnh, không chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin mà sẽ tham gia vào nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ cao", thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel từng khẳng định.

chu-tich-viettel-nguyen-manh-hung
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Viettel. Ảnh: Viettel)

Chiều 23/7, Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được quyết định của Ban bí thư về việc chỉ định thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương đảng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thay cho ông Trương Minh Tuấn.

Hai ngày sau đó, ngày 25/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định giao quyền Bộ trưởng Bộ TTT&TT với ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Như vậy, chỉ trong ít ngày, thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - vị "thuyền trưởng" của tập đoàn viễn thông hàng đầu Việt Nam đã tiếp nhận hai nhiệm vụ chính trị mới.

Đặt chân vào Công ty Điện tử Thiết bị Thông tin (Sigelco), tiền thân của Viettel, từ năm 28 tuổi, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã gắn bó với những thăng trầm của Viettel trong suốt gần 30 năm.

Đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Viettel từ năm 2014, đến giữa tháng 6/2018, ông Hùng được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn này.

Trong hơn 4 năm ở vai trò thuyền trưởng Viettel, ông Hùng đã để lại nhiều dấu ấn mang tính quyết định tương lai của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội.

Nhìn từ Viettel, một doanh nghiệp sau hơn chục năm có doanh thu tăng trưởng 5.000 lần, lợi nhuận tăng trưởng 45.000 lần, ông Nguyễn Mạnh Hùng từng cho biết, cuộc hành trình của Viettel chưa bao giờ là một trong những chuyến đi rút ngắn hay được định đoạt vì may rủi. Đó là một cuộc hành trình được dựng nên từ khát vọng, đam mê, nỗ lực và những suy nghĩ độc đáo.

Khi bắt đầu “viễn chinh” ra nước ngoài, “vốn liếng” ban đầu của Viettel chỉ mới là 2 triệu thuê bao di động (bằng 1/45 hiện nay), doanh thu năm 2005 mới trên 3.100 tỷ đồng (bằng 1/70 lần hiện nay).

Mười năm sau, Viettel đã đầu tư ở 10 nước trên thế giới, giữ vị trí số 1 về thị phần tại 5/10 thị trường quốc tế. Viettel đã trở thành đối thủ thực sự đáng gờm và đã chiến thắng các đại gia viễn thông trên thế giới như Vodafone, Telefonica, Orange, Digicel… tại nhiều thị trường.

“Những năm qua, Viettel đã thay đổi rất nhiều, từ tầm vóc, quy mô, kinh nghiệm, đến tiềm lực vật chất và con người. Nhưng có một điều đã và sẽ không hề thay đổi: Đó là khát vọng Viettel luôn cháy không ngừng...", Chủ tịch Viettel Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định như vậy tại Tọa đàm “Doanh nghiệp ICT Việt vươn ra thế giới” hồi cuối tháng 12/2016.

Trở thành tập đoàn toàn cầu

Theo người đứng đầu Viettel, mục tiêu Viettel sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Gia đình Viettel toàn cầu không phải chỉ 11 nước như hôm nay mà sẽ là 20 - 30 - 40 nước, với dân số hàng tỷ người. Viettel phải trở thành một tập đoàn toàn cầu, nằm trong top các doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới.

Trở thành tập đoàn công nghiệp công nghệ cao

“Mười năm tới đây, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành một tập đoàn công nghiệp, viễn thông Toàn cầu hùng mạnh, không chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin mà sẽ tham gia vào nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ cao. Từ một công ty dịch vụ thành một công ty công nghệ”, ông Hùng khẳng định.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần thứ hai trong năm 2018 hồi tháng 6, Chủ tịch Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mục tiêu của tập đoàn tới năm 2020 là trở thành một tập đoàn công nghiệp công nghệ cao, viễn thông, toàn cầu với tăng trưởng 10-15%/năm. Viettel đặt ra chỉ tiêu sẽ đạt doanh thu 350.000-400.000 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế 50.000-55.000 tỷ đồng và vào top 10 công ty viễn thông toàn cầu.

Sản xuất vũ khí chiến lược, vũ khí công nghệ cao

Chỉ riêng hai ngành Công nghiệp Điện tử viễn thông và Công nghiệp Vũ khí công nghệ cao đã có doanh thu 12.000 tỷ đồng, tương đương với lĩnh vực đầu tư quốc tế của Tập đoàn. Nhiều sản phẩm trong lĩnh vực này đã được trang bị trong Quân đội và được đánh giá có tính năng tương đương với thiết bị của NATO, phù hợp với khả năng tác chiến của Quân đội.

Đó là một trong những thành tựu phát triển của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) do Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ tại buổi làm việc vào tháng 6/2018.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nghiên cứu, sản xuất thiết bị được coi là trụ cột thứ 3 trong chiến lược phát triển của Viettel, bên cạnh 2 trụ cột khác là viễn thông trong nước và viễn thông nước ngoài. Viettel đặt mục tiêu là tổ hợp công nghệ quốc phòng công nghệ cao vào năm 2020.

Trước đó, vị thuyền trưởng của Viettel cho rằng tương lai muốn là sự bình yên cho con cháu, phải sản xuất được vũ khí chiến lược, vũ khí công nghệ cao, đủ sức răn đe và bảo bệ hòa bình lâu dài cho đất nước.

Giúp mỗi người Việt có 1 chiếc smartphone

Cách đây 10 năm, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã phổ cập thành công với công cuộc “bình dân hóa dịch vụ viễn thông”, biến điện thoại di động từ dịch vụ xa xỉ dành cho người giàu thành dịch vụ thông thường cho tất cả người dân.

10 năm sau, tập đoàn này đang đặt ra mục tiêu mới là phổ cập smartphone vào năm 2020.

“Viettel đang nuôi khát vọng, từ nay đến 2020 mỗi người dân Việt Nam phải có một chiếc smartphone. Nếu mỗi người dân Việt Nam có một chiếc smartphone thì Việt Nam sẽ hoàn toàn thay đổi!”, Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng từng nói.

Ông Hùng cho rằng “giấc mơ” mỗi người dân Việt Nam sở hữu một chiếc máy tính bàn là không thực tế, bởi mỗi chiếc máy tính có giá từ 200-300 USD và mỗi tháng mất từ 200-300 nghìn đồng tiền internet, đây là mức chi phí quá cao. Trong khi đó, smartphone hiện giờ đã có các tính năng như một chiếc laptop, máy tính bàn.

Theo Thu Phương/Nhà Đầu Tư