Một chủ tiệm tạp hóa đã tiên phong kêu gọi khách hạn chế sử dụng túi ni-lông và tái sử dụng túi cũ nhằm bảo vệ môi trường.
Theo phản ánh của Người Lao Động, hai ngày qua, nhiều người đi ngang tạp hóa Cô Cẩm ở hẻm 10, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh (TP.HCM) đều dừng chân đọc tấm bảng được viết phấn màu dựng ở khay đựng bầu bí, rau. Nội dung tấm bảng ghi rõ:
"Tui bán rau chứ không bán túi ni-lông. Bà Con thân mến, từ nay sạp tui hạn chế sử dụng túi ni-lông nên chủ động mang túi; nhà gần thì cầm tay; bà con có túi ni-lông cũ, sạch còn sử dụng được thì mang đến đây tui sẽ sử dụng lại. Cả xóm cùng giảm rác, cho con nít được nhờ”.
Chị Thu - chủ tiệm cho biết, khi thấy tấm bảng đặt ở sạp rau, nhiều bà cụ đi chợ mang theo giỏ và sau khi cân hàng thì đặt thẳng vào giỏ chứ không đòi túi ni-lông.
"Dễ thương lắm nha, có bà cụ còn xếp túi ni-lông còn sử dụng được ngay ngắn rồi mang đến đây cho chị kêu chị tái sử dụng. Mấy cụ nói mình phải bảo vệ môi trường để đời sau con cháu được nhờ nữa chứ", chị Thu chia sẻ.
Tấm bảng gây sốt trên mạng xã hội. Ảnh: Người Lao Động |
Khi được hỏi sẽ tiếp tục vận động bạn hàng hạn chế túi ni-lông trong thời gian bao lâu, chị Thu cười hiền nói: "Vô thời hạn". Cũng theo chị chủ tiệm tạp hóa, mỗi ngày tiêu thụ từ 3 đến 5 kg túi nhựa nếu hạn chế sử dụng thì mỗi tháng sẽ tiết kiệm từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.
Từ khi được đăng tải trên mạng xã hội, hình ảnh tấm bảng đặt ở tiệm tạp hóa của chị Thu đã nhận được hàng chục ngàn lượt yêu thích và hàng ngàn lượt chia sẻ. Tất cả những ý kiến dưới phần bình luận đều ủng hộ tạp hóa Cô Cẩm vì một môi trường xanh, sạch, đẹp.
Trước đó, hồi tháng 4, Hà Nội Mới cũng thông tin về việc nhiều cửa hàng bán thực phẩm, rau củ quả sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội đã sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường để bao, gói thực phẩm. Việc làm này nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, nhất là các bà nội trợ.
Chị An Nhiên, phụ trách đội bán hàng trên mạng tại cửa hàng kinh doanh nông sản hữu cơ ở số 5/299 Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trước nguy cơ tiềm ẩn từ túi ni-lông, cách đây hơn 3 năm, sau khi học tập mô hình từ Nhật Bản, chủ cửa hàng này đã áp dụng, toàn bộ sản phẩm rau ăn lá được gói bằng lá chuối buộc lạt. "Khách hàng từ chỗ tò mò đã rất hào hứng khi bắt gặp lại hình ảnh những bó rau vừa sạch, vừa tươi ngon được gói bằng lá chuối. Với những thực phẩm không phù hợp với chất liệu lá thì được đựng trong túi giấy hoặc túi ni-lông sinh học tự phân hủy”, chị An Nhiên cho biết.
Ngoài cửa hàng trên, mới đây một chuỗi hơn 20 cửa hàng bán thực phẩm và nông sản sạch tại Hà Nội cũng quyết tâm nói “không” với túi ni-lông và rác thải nhựa với mục đích duy nhất là chung tay bảo vệ môi trường, vì sức khỏe cộng đồng. Trong số đó có cửa hàng ở số 2A, Hoa Lư (quận Hai Bà Trưng).
Theo Lao động Thủ đô, trên thực tế, việc nhân rộng các điển hình tích cực, tuyên truyền thay đổi nhận thức sử dụng túi ni-lông từ cá nhân đến cả cộng đồng đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.
Điển hình như chương trình: "Hạn chế dùng túi ni-lông vì môi trường"; “Hãy dùng túi thân thiện môi trường”… tổ chức các hoạt động như: Đạp xe vì môi trường, đi bộ vì môi trường, đổi những chiếc túi giấy thân thiện với môi trường, phát túi tái sử dụng miễn phí tại hệ thống những siêu thị, chợ, trung tâm thương mại... do Bộ Tài nguyên Môi trường và các tổ chức xã hội cũng như doanh nghiệp tổ chức...
Nhiều địa phương đã phát động phong trào sử dụng túi vải, túi giấy, túi thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi ni-lông với tinh thần tự nguyện...
Trên khía cạnh pháp luật, Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2012 đã quy định đơn vị sản xuất túi ni-lông khó phân hủy, không thân thiện với môi trường sẽ bị đánh thuế 40.000 đồng/kg, còn nếu sản xuất túi ni-lông thân thiện với môi trường thì không phải đóng thuế.
(Theo ĐS&PL)