Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Tình hình Cường đô-la kinh doanh nhà hàng khi lánh bão

13/01/2019 17:18

Nhà hàng của Cường đô-la ở TP. Vũng Tàu chủ yếu đón khách quen và người tìm đến vì tò mò. Sau 1 năm mới rõ có thành công hay không!

Nhà hàng của Cường đô-la ở TP. Vũng Tàu chủ yếu đón khách quen và người tìm đến vì tò mò. Sau 1 năm mới rõ có thành công hay không!

Kinh doanh ẩm thực không dễ

Sau khi rời khỏi vị trí Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai trong khó khăn giông bão thị trường, ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô-la) cùng bạn gái Đàm Thu Trang lui về TP. Vũng Tàu mở nhà hàng chuyên món ăn Trung Quốc.

Theo nhiều người sống cạnh nhà hàng này cho biết, sau gần 2 tháng khai trương, nhà hàng này có khách. Nhưng trong khoảng thời gian này chưa thể nói lên được điều gì vì chủ yếu lượng khách tìm đến là người quen và người vì tò mò danh tiếng của cặp đôi này mà tìm đến.

Anh Nguyễn Phúc Thành - một quản lý nhà hàng trên đường Thống Nhất, TP. Vũng Tàu chia sẻ, nhìn bề ngoài kinh doanh ẩm thực sẽ đem đến lợi nhuận lớn nhưng để đánh giá một cửa hàng có thành công hay không thì phải sau 1 năm khai trương mới rõ.

"Khi mới khai trương, chủ nhà hàng thường mời khách quen đến. Bên cạnh đó, nhiều người cảm thấy mới lạ nên tìm đến thử.

Trong giai đoạn đầu, chủ nhà hàng cũng phải bỏ ra rất nhiều chi phí để quảng bá thương hiệu nên mặc dù nhiều khách nhưng đôi khi vẫn phải bù lỗ.

Quan trọng là lượng khách sau này đến phải ổn định, khách quen có đến nữa hay không mới là điều quan trọng" - anh Thành nói.

Cường đô-la có thành công sau cơn bão tại Quốc Cường Gia Lai?

Ngành nghề kinh doanh ẩm thực nở rộ khắp nơi, nhất là với thành phố du lịch như Vũng Tàu thì hàng tháng có đến cả trăm nhà hàng ẩm thực được mở mới, bên cạnh đó nhiều cửa hàng cũng phải đóng cửa vì thua lỗ.

"Quan trọng nhất trong ẩm thực là chất lượng sản phẩm và không gian của từng quán. Tuy nhiên, do cạnh tranh thì giá cả đang là yếu tố quan trọng. Du lịch bụi phát triển nên quán ăn nào có đồ ngon, không gian đẹp và giá rẻ luôn là ưu tiên được lựa chọn" - anh Thành chia sẻ.

Từ chối bình luận về nhà hàng của Cường đô-la mới mở ra trên địa bàn nhưng anh Thành cho biết, với nhà hàng sang trọng thì cũng đi kèm với việc tốn kém nhiều chi phí hoạt động, cái này được tính hết vào giá đồ ăn nên vì thế giá cũng phải cao hơn.

"Nếu không có "món tủ" thì kinh doanh ẩm thực rất khó tồn tại. Nhiều khách hàng đến du lịch ở Vũng Tàu thường có nhu cầu tìm ăn những món đặc sản của địa phương để thưởng thức, còn với những món ăn khác thì có thể dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ thành phố nào" - anh Thành nói.

Trước khi mở nhà hàng chuyên món ăn Trung Quốc, bạn gái của Cường đô-la cũng từng mở một cửa hàng tương tự tại TP. HCM.

Trải qua một thời gian, cửa hàng tại TP. HCM vẫn được duy trì nhưng không bởi thế mà có thể khẳng định nhà hàng của cặp đôi này tại TP. Vũng Tàu có thể thành công.

Đơn cử như chuỗi nhà hàng màn thương hiệu Âu Lạc Brazil của bà Nguyễn Thị Nga. Mặc dù đã có 14 năm duy trì và phát triển triển nhưng chính người phụ nữ này cũng từng phải thừa nhận: "Kinh doanh ẩm thực không dễ ăn chút nào và áp lực rất lớn. Có thể nói, cứ 10 cửa hàng ẩm thực mở ra thì có 8 phải đóng cửa".

Bà Tường Vân - thành viên sáng lập nhà hàng Món ngon Việt Nam cho rằng: "Bề nổi của ngành ẩm thực nhìn rất hấp dẫn, nhưng khi kinh doanh mới thấy trăm nghìn cái khó. Thực tế, cứ 10 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này thì có đến một nửa thất bại ngay trong năm đầu tiên".

Một điểm "chết người" trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực cũng được nhiều chủ doanh nghiệp chỉ ra là vấn đề thời gian thu mặt bằng.

Tại Việt Nam, hợp đồng thuê mặt bằng rất ngắn hạn, không giống ai trên thế giới, chỉ trung bình từ 3 - 5 năm.

Mà hợp đồng thuê nhà ngắn ngủi như vậy thì không có nhiều thời gian để kiếm lời sau khi thu hồi vốn. Khi hết hạn thuê, nhà đầu tư khó có thể bán hay sang nhượng lại nhà hàng khi cần.

Điểm khó của Cường đô-la

Kinh doanh ẩm thực phải đi kèm với sự phát triển đồng bộ của địa phương. Trong khi nhà hàng của Cường đô-la nằm trên mặt đường Thống Nhất mới của TP. Vũng Tàu, vị trí này được coi là đắc địa khi giáp bãi biển. Tuy vậy, ngành du lịch của thành phố này còn đang có nhiều hạn chế.

Các sản phẩm du lịch của Vũng Tàu hiện đang ở thế dở dang, không hoàn hảo, thiếu đặc sắc và phát triển có tính tự phát, thiếu sự gắn kết để bổ sung, hỗ trợ nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm hấp dẫn.

Điều đó khiến cho khả năng cạnh tranh của du lịch Vũng Tàu với các địa phương khác như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết… kém hiệu quả.

Chính ông Nguyễn Lập - Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cũng phải nói rằng, thành phố đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Vũng Tàu như: chưa có nhiều dự án đẳng cấp quốc tế; môi trường văn hóa du lịch chưa tốt; giá cả chưa minh bạch; thừa nghỉ dưỡng, thiếu vui chơi, giải trí…

"Trong khi địa bàn còn thiếu điểm cư trú dài hạn, các dịch vụ vui chơi, giải trí thì nhà hàng ẩm thực mọc lên như nấm đã tạo lên sự cạnh tranh mạnh trong lĩnh vực này.

Để thu hút được khách đến với nhà hàng đã khó, việc giữ chân khách để làm sao họ đến tiếp lại càng khó hơn.

Với những nhà hàng mới mở, lượng khách thường không ổn định, có hôm đông không kịp phục vụ nhưng cũng có ngày nhân viên chơi dài..." - anh Phạm Anh Trung - quản lý nhà hàng tại TP. Vũng Tàu chia sẻ.

Tấn Lang

Theo Đất Việt