Sinh nhật 10 tuổi Winmart

To nhất nhưng vẫn nhanh nhất

03/02/2019 08:12

Quy mô doanh thu đã lên tới hàng tỷ đô đưa Thế Giới Di Động trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong vài năm gần đây. Trong khi ban lãnh đạo vẫn trung thành với chiến lược đi nhanh và thần tốc, giờ là lúc người ta đặt câu hỏi: Thế Giới Di Động tiếp tục đi nhanh nhờ đâu trong năm 2019?

Không khó để chúng ta bắt gặp những câu chuyện về doanh nhân thành công nhờ vào thói quen làm việc chăm chỉ. Bất kể ngày thường hay nghỉ lễ, họ luôn vùi đầu vào công việc, với cường độ có thể lên tới 12 - 18 tiếng mỗi ngày.

Tuy nhiên, với ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Thế Giới Di Động, chuyện thức quá khuya hay bị ám ảnh với công việc lại là điều lạ lẫm. “Tôi thường về nhà vào khoảng 4h - 5h chiều.” Chia sẻ của ông Tài cũng chính là ước mơ của nhiều người. Nhưng để đạt tới ước mơ đó, bản thân ông cũng từng trăn trở rất nhiều về doanh nghiệp của mình.

Văn hóa yêu thương và hỗ trợ đồng đội

Người đứng đầu Thế Giới Di Động kể lại: “Suốt giai đoạn từ 2004 đến 2016, Thế Giới Di Động luôn duy trì chiến lược đi nhanh và thần tốc. Nhưng chính vì tăng trưởng nóng, nên áp lực đè nặng lên nhân viên, lẫn đội ngũ quản lý là rất lớn. Trung bình, cứ 2-3 ngày chúng tôi lại khai trương một cửa hàng. Điều này khiến hệ thống bộc lộ ra một điểm yếu, đó là thiếu đi tinh thần làm việc nhóm và gắn kết. Thậm chí, để đạt được kết quả tốt, có lúc người của Thế Giới Di Động tự dằn vặt và chiến đấu lẫn nhau”.

to nhat nhung van nhanh nhat
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Thế Giới Di Động

Khi đó, Thế Giới Di Động luôn đặt ra rất nhiều cơ chế, chính sách để phạt và kiểm soát nhân viên, với niềm tin rằng kiểm soát được càng nhiều, cơ chế càng chặt chẽ, thì doanh nghiệp sẽ vận hành càng tốt, ngay cả khi không có mặt nhân viên quản lí tại các điểm bán.

“Tôi coi đó là một góc nhìn, và cũng là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải. Một số công ty mà tôi biết, họ nhìn nhận, một nhân viên dù không hạnh phúc, hay vui vẻ, vẫn có thể giao tiếp với khách hàng tốt nếu doanh nghiệp có một quy trình khoa học và hệ thống giám sát chặt chẽ. Đa số nhân viên trong công ty sẽ luôn thiếu tinh thần trách nhiệm và thích ăn thật làm dối. Đa số nhân viên chỉ thay đổi thái độ khi bị ép buộc, bị phạt, bị kỉ luật… Nhưng kì thực, đó chính là vấn đề”, ông Tài khẳng định.

Sau này, ông Tài nhận ra, nếu nhân viên luôn bị đặt trong tình trạng lo lắng, không vui vẻ thì việc mang lại niềm vui cho khách hàng là điều rất khó xảy ra. Đại đa số nhân viên khi đi làm đều mong có được thu nhập tốt. Và họ sẵn sàng thay đổi hành vi khi được động viên, hướng dẫn và ghi nhận thành quả đúng cách, thay vì luôn lo sợ vì việc bị phạt, kỉ luật, hay thậm chí là đuổi việc.

Từ đây, Thế Giới Di Động đã gỡ bỏ mọi “rào cản” cũ. Tất cả các quy trình liên quan tới việc kỷ luật, kiểm soát nhân viên được ông chuyển thành “công cụ hỗ trợ”. Văn hóa mới được đưa vào doanh nghiệp có tên “yêu thương và hỗ trợ đồng đội”.

“Với văn hóa mới này, một nhân viên bị phạt là chuyện hiếm có ở Thế Giới Di Động. Chúng tôi thay đổi từ phạt ngay và luôn thành thưởng ngay và luôn. Kết quả là không cần tới các hình thức kỷ luật, Thế Giới Di Động vẫn kiểm soát được chất lượng dịch vụ và sự đồng đều trong hệ thống một cách kinh ngạc. Qua đó, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cũng thấp hơn rất nhiều”, ông Tài nói.

Theo vị Chủ tịch của Thế Giới Di Động, quan trọng không phải doanh nghiệp kiểm soát được bao nhiêu, mà phải là hỗ trợ tới đâu để nhân viên phát huy tối đa năng lực. Có một thực tế tại Thế Giới Di Động là những điểm bán hàng có môi trường làm việc cởi mở, tích cực và gắn kết thường đạt hiệu quả kinh doanh rất tốt.

Nhờ có văn hóa “yêu thương và hỗ trợ đồng đội”, Thế Giới Di Động tiến xa và nhanh trong nhiều năm trở lại đây. Đó là quản trị hơn 2.000 điểm bán trên hệ thống, là đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung của toàn công ty.

Chinh phục đỉnh cao hơn 100 ngàn tỷ

Kết thúc tháng 11 đầu năm 2018, Thế Giới Di Động tiếp tục “truyền thống vượt kế hoạch” khi đạt hơn 79.000 tỷ đồng doanh thu và 2.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Ban lãnh đạo của Thế Giới Di Động nhận định, trong năm 2019, hoạt động kinh doanh bán lẻ sản phẩm điện thoại, điện máy vẫn là nguồn đóng góp doanh thu và lợi nhuận chủ yếu cho cả công ty. Ngành hàng điện máy vẫn đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính hướng đến mục tiêu chiếm khoảng 40% thị phần. Ngành hàng điện thoại tiếp tục duy trì thị phần dẫn đầu thị trường.

Để thực hiện mục tiêu này, mới đây Công ty đã chính thức bổ nhiệm ông Đoàn Văn Hiểu Em vào vị trí Tổng Giám đốc của hai chuỗi thegioididong.com và Điện máy Xanh. Gia nhập Thế Giới Di Động từ tháng 3/2007, ông Đoàn Văn Hiểu Em có hơn 11 năm làm việc tại công ty với những vị trí khác nhau, bắt đầu từ Phòng tài chính kế toán, Trưởng ngành hàng, Giám đốc ngành hàng Điện thoại và sau đó là Giám đốc ngành hàng Điện tử - Viễn thông.

Tân CEO này được đánh giá “Trẻ tuổi, nhiệt huyết và đầy quyết tâm”, sẽ mang đến một nguồn năng lượng mới viết tiếp câu chuyện đầy tự hào của Thế Giới Di Động. Ở độ tuổi 36, đây có lẽ là một trong những CEO trẻ tuổi nhất giữ vai trò lãnh đạo của một công ty có doanh thu hàng tỷ đô.

Ngay sau khi “nhậm chức”, ông Đoàn Văn Hiểu Em đã bắt tay vào một loạt các hành động tạo ra kết quả: mở mới, chuyển đổi và nâng cấp các cửa hàng, thay đổi cách sắp xếp hàng hóa nhằm tăng diện tích trưng bày, thêm sản phẩm mới và nhắm tới nhóm khách hàng mới… Theo đó, vị tân CEO tin tưởng mục tiêu hơn 100 ngàn tỷ doanh thu với phần đóng góp lớn của bán lẻ điện thoại và điện máy sẽ có thể thực hiện được trong năm 2019.

Bách hóa Xanh mục tiêu tăng trưởng hơn gấp đôi

Bên cạnh động lực tăng trưởng từ các ngành hàng vốn là thế mạnh là điện thoại, điện máy, trí lực của ban lãnh đạo Thế Giới Di Động hiện đều dồn cả vào chuỗi bán lẻ thực phẩm, tiêu dùng Bách Hóa Xanh. Dù đóng góp giá trị doanh thu chưa lớn, nhưng ngành hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng được kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Mô hình Bách Hóa Xanh đã được Công ty đẩy mạnh mở rộng từ 3 năm trước. Đến cuối tháng 8, chuỗi này báo cáo đạt doanh thu 2.372 tỷ đồng với 405 cửa hàng đang hoạt động. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh được cải thiện dần từ 670 triệu đồng/tháng trong hồi đầu năm lên mức 950 triệu đồng/tháng trong tháng 8 vừa qua.

Mô hình Bách Hóa Xanh đã được chuẩn hóa

Đại diện của Thế Giới Di Động cho biết, Công ty đã chuẩn hoá mô hình Bách Hóa Xanh để sẵn sàng nhân rộng trong thời gian tới. Trong đó, các cửa hàng theo mô hình tiêu chuẩn là những cửa hàng có doanh thu trung bình trên 1,2 tỷ đồng/ tháng và có khả năng thu hút hơn 500 lượt khách/ngày.

to nhat nhung van nhanh nhat
Mô hình Bách Hóa Xanh được chuẩn hóa.

Trong chiến lược của mình, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu mở 500 cửa hàng Bách Hóa Xanh. Cụ thể, Công ty dự kiến mở mới thêm nhiều cửa hàng quanh khu đông TP. HCM (Quận 2 và Quận Thủ Đức), khu Nam Sài Gòn (Quận 4, Quận 7, Quận 8, Huyện Bình Chánh và Huyện Nhà Bè) và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang và Bến Tre.

Năm 2019, doanh thu Bách hóa Xanh được dự báo sẽ chiếm vị trí “quán quân” về tốc độ tăng trưởng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2018. Cùng với đó, Bách hóa Xanh vẫn đảm bảo hiệu quả khi mặc dù chưa phải là chuỗi có số lượng nhiều nhất trong hệ thống của Công ty Thế Giới Di Động nhưng chắc chắn là chuỗi đứng đầu về lưu lượng khách ghé thăm.

Với việc tăng tốc mở rộng ở phía Nam và thử nghiệm mô hình chuẩn đi các tỉnh, Bách hóa Xanh được kỳ vọng sẽ giúp Thế Giới Di Động tiến ngày một xa hơn. Vì thế, mặc dù đã là doanh nghiệp lớn, chắc chắn người ta sẽ còn phải ngạc nhiên về khả năng đi nhanh của Thế Giới Di Động.

Việt Hưng/Theleader

Bạn đang đọc bài viết "To nhất nhưng vẫn nhanh nhất" tại chuyên mục Chuyện thương trường.