Chính thức đi vào sản xuất từ năm 1991, nhà máy ở Đại Liên là trung tâm sản xuất đầu tiên của Toshiba tại Trung Quốc.
Chính thức đi vào sản xuất từ năm 1991, nhà máy ở Đại Liên là trung tâm sản xuất đầu tiên của Toshiba tại Trung Quốc, được điều hành bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
Ở thời kỳ đỉnh cao những năm 2010, nhà máy Toshiba Đại Liên sử dụng khoảng 2.400 nhân sự.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhà máy đang sử dụng khoảng 650 lao động, chuyên sản xuất động cơ công nghiệp, tivi LCD, máy phát sóng và các thiết bị y tế.
Từng được ví là “hòn ngọc sáng” cho nền kinh tế của Khu Phát triển Đại Liên, nhưng thời gian gần đây nhà máy này đã rơi vào tình trạng sa sút do sản lượng sụt giảm nghiêm trọng.
"Việc tiếp tục vận hành nhà máy trong những ngày này trở nên khó khăn khi chúng tôi đã thay đổi cơ cấu kinh doanh bằng cách chấm dứt và chuyển giao sản xuất như bán mảng kinh doanh tivi và thiết bị y tế", tập đoàn Toshiba cho biết trong thông cáo.
Theo kế hoạch, Toshiba sẽ đóng cửa nhà máy vào vào cuối tháng 9, quá trình thanh lý dự kiến hoàn thành trong tháng 10.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết nguồn lực tại đây sẽ được chuyển sang Việt Nam và về Nhật Bản.
Trong khi đó, các nhà máy khác của Toshiba ở Trung Quốc, chuyên sản xuất các bộ phận đường sắt và thang máy, sẽ vẫn tiếp tục hoạt động.
Từng là biểu tượng hùng mạnh của Nhật Bản, Toshiba đã đi đầu trong việc sản xuất các đồ điện dân dụng thiết yếu như bóng đèn, máy giặt, tủ lạnh, TV với chất lượng luôn cam kết ở mức tốt nhất.
Mặc dù vậy, sau nhiều năm quản lý yếu kém, "gã khổng lồ" ngày càng đi xuống và vướng phải những lùm xùm không đáng có. Nổi bật trong số đó là khoản tiền phạt kỷ lục 1,2 tỷ USD trong một vụ gian lận kế toán hay khoản thiệt hại hàng tỷ USD khi lựa chọn đầu tư vào mảng điện hạt nhân tại Mỹ năm 2018.
Hồi cuối tháng 6, hội đồng quản trị Toshiba đã quyết định bãi nhiệm chủ tịch Osamu Nagayama khỏi hội đồng quản trị. Lý do ông Nagayama bị phế truất được cho là do năng lực quản lý yếu kém và những sự việc lùm xùm thời gian gần đây của ông.
Thách thức lớn nhất của Toshiba hiện nay là phải soạn thảo một kế hoạch kinh doanh trung hạn thuyết phục, dự kiến công bố vào tháng 10.
Lúc này, các nhà đầu tư đang quan tâm đặc biệt tới tương lai của Kioxia Holdings Corp., bộ phận phụ trách sản xuất chip trước đây của Toshiba. Đây vốn là một mảng kinh doanh được đánh giá cao vào được kỳ vọng sẽ góp phần "hồi sinh" gã khổng lồ này.