Tuy nhiên, cần phải đẩy nhanh hơn nữa sự hồi phục của kinh tế TP, bởi sự cạnh tranh của TP.HCM không đơn thuần chỉ là cạnh tranh nội địa mà còn là bộ mặt quốc gia, cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực.
Đó là quan điểm của PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
Phải nói rằng TP có truyền thống năng động, sáng tạo nên ngay trong đại dịch TP đã xây dựng chương trình phục hồi khi thấy dịch bắt đầu được kiểm soát. Chúng ta thí điểm ở các quận huyện, sau đó ban hành kế hoạch phục hồi với 11 chiến lược, tiếp theo Chính phủ cũng ban hành nghị định 128, đánh dấu cột mốc chuyển từ chiến lược "Zero COVID-19" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", giúp các địa phương mở cửa, đặc biệt là TP.HCM. TP luôn đi đầu, tổn thương nhiều nhất nhưng là khôi phục sớm nhất, phục hồi nhanh nhất.
Sẽ mạnh mẽ trở lại như xưa
* Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy TP.HCM đã lấy lại ngôi vị "quán quân" xuất khẩu của cả nước từ tay Bắc Ninh khi TP thu về gần 9 tỉ USD trong hai tháng qua, con số này nói lên điều gì?
- Đây là tín hiệu rất tích cực, được người dân mong và doanh nghiệp (DN) mong đợi, cho thấy TP.HCM đã hồi phục sau cơn bệnh rất nặng do đại dịch COVID-19. Điều này cũng cho thấy ngay trong thời điểm dịch, TP vừa kiên cường chống dịch vừa chuẩn bị cơ hội sớm nhất để phục hồi, khi thấy có cơ hội kiểm soát được dịch bệnh là TP chuẩn bị ngay kịch bản để phục hồi.
Chính vì vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã phục hồi một cách cơ bản. Đến 15-3 tới, du lịch quốc tế mở cửa hoàn toàn, đường bay quốc tế nối lại bình thường sẽ là cơ hội để TP có những điều kiện phục hồi đầy đủ hơn. Kim ngạch xuất khẩu tháng 1, 2 năm nay của TP đạt 9 tỉ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái (8 tỉ USD) nói lên rất nhiều điều. Dù kinh tế thế giới hiện nay còn chưa ổn định, chi phí logistics rất cao, giao thương chưa trở về như trước nhưng các DN xuất khẩu TP đã rất nỗ lực để vừa sản xuất vừa chống dịch và khi kiểm soát tốt dịch bệnh, thấy được cơ hội thì DN đã tăng tốc.
Ngay từ đầu năm nay, TP đã ban hành quyết định 132 về trọn bộ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2022 - 2025 theo hướng TP sẽ tập trung cho mũi nhọn đầu tiên là y tế. Vì thủng lưới y tế dẫn đến suy giảm kinh tế của TP, do đó TP tập trung đầu tư để nâng cao tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế điều trị, thuốc, vắc xin... Đây là nền tảng để TP vững tin mở cửa toàn bộ các hoạt động về kinh tế - xã hội, ngay cả giáo dục như việc trẻ đi học trở lại hay mở các dịch vụ karaoke, vũ trường... Tới đây có du lịch quốc tế nữa thì coi như TP đã mở toàn bộ, trở lại như cũ. Đó là sự cố gắng rất lớn của TP.
* Nhưng làm sao để sự phục hồi này bền vững, thậm chí tăng tốc, tạo bứt phá?
- Trong quý 1 và 2 này, tốc độ tăng trưởng kinh tế TP chắc chắn chưa thể bứt phá được vì cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng cao. Tôi tin rằng từ quý 3 năm nay trở đi tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP sẽ thể hiện sự bứt phá. Sáu tháng đầu năm nay là giai đoạn TP phục hồi, giai đoạn mà chúng ta lấy lại sức khỏe, lấy lại đà sau những cái mất đi của dịch bệnh. Sáu tháng cuối năm chúng ta mới có thể tăng tốc được.
Tuy nhiên, để tăng trưởng một cách bền vững thì TP phải giải quyết được một số vấn đề. Thứ nhất, phải tiếp cận được gói tài khóa, tiền tệ vừa ban hành, trong đó phải đảm bảo được đầu tư cho y tế, an sinh xã hội, nhà ở cho người lao động, chính sách xã hội cho các gia đình khó khăn, giúp các DN giảm thuế phí, tiếp cận vốn vay với lãi suất được hỗ trợ thêm 2%...
Thứ hai, phải đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công. Năm ngoái, vốn này chưa đến 30.000 tỉ đồng, năm nay là 43.000 tỉ, do đó phải tập trung tháo gỡ những ách tắc để giải ngân nhanh được nguồn vốn này, bởi số liệu thống kê cho thấy cứ tăng thêm 10% đầu tư công thì GDP của TP sẽ tăng thêm khoảng 0,8%. Vì vậy, cần tốc lực tháo gỡ những tắc nghẽn để triển khai nhanh các dự án và đồng thời rà soát những dự án đang đắp chiếu để mình khôi phục, đẩy nhanh tiến độ hoặc thu hồi những dự án mà chủ đầu tư không triển khai.
Thứ ba, cần đẩy mạnh hơn nữa trong cải cách hành chính, thủ tục hành chính minh bạch, xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành với DN. Với những điều đó tôi tự tin rằng TP sẽ đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5%, thậm chí vượt qua được con số 6,5%.
Phải chăm chút cho bộ mặt quốc gia
* Thực tế cho thấy có rất nhiều điểm nghẽn tồn tại qua nhiều năm để TP lấy lại vị thế dẫn đầu. Cách nào để phá điểm nghẽn, tạo sự đột phá, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành?
- Có nhiều điểm nghẽn của TP về hạ tầng, đất đai, giao thông, cơ chế... bị đóng băng lâu nay. Do đó đây là thời điểm mà trung ương phải cùng với TP tháo gỡ các điểm nghẽn này, sai phạm ở đâu, xử lý ở đó. Còn lại là phải thúc đẩy các dự án triển khai, tránh việc để lâu gây lãng phí, ảnh hưởng đến niềm tin ở dân.
Còn đối với việc thúc đẩy sự sáng tạo của cán bộ, theo tôi, phải cụ thể hóa kết luận 14 của Bộ Chính trị trong việc bảo vệ cán bộ, trong đó có 4 cái dám là "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung". Phải cụ thể hóa bằng những quy định rõ ràng để bảo vệ cán bộ mới thúc đẩy được sự mạnh dạn của cán bộ, tạo nền tảng để cán bộ đột phá, mạnh dạn suy nghĩ, đổi mới, tìm ra cách làm mới nhưng trên tinh thần là vì lợi ích chung. Khi họ được tổ chức bảo vệ thì chúng ta mới có điều kiện tháo được những điểm nghẽn hiện nay chứ chỉ trông chờ vào sửa đổi luật pháp thì lâu lắm.
* Thực ra vị trí đầu tàu kinh tế vốn dĩ thuộc về TP.HCM trong thời gian dài. Theo ông, cần làm gì nữa để đầu tàu này trở thành một biểu tượng?
- Với vai trò đặc biệt quan trọng, TP phải đặt mình trong bối cảnh cạnh tranh, sánh vai với các TP khác trong khu vực, ví dụ phải so sánh với Bắc Kinh, Tokyo, Jakarta, Bangkok... Bản thân TP.HCM vốn dĩ là đầu tàu của cả nước, lúc TP suy giảm vẫn là địa phương đóng góp nhiều nhất vào GDP, tổng thu ngân sách của cả nước (trên 368.000 tỉ đồng, chiếm 25 - 27%). Do đó, tôi cho rằng trung ương phải xem TP.HCM là bộ mặt quốc gia, cùng với Hà Nội. Giống như chúng ta lựa chọn người đẹp hoa hậu đi thi đấu quốc tế, chúng ta phải chăm chút cho sắc đẹp, hình thể và nâng cao trí tuệ.
Đối với cạnh tranh quốc tế về bộ mặt quốc gia cũng vậy, chúng ta phải đầu tư tối đa về tài chính, thể chế và cơ chế để đô thị đó phát triển nhanh, bền vững, nổi bật lên thì vừa đẹp bộ mặt quốc gia, vừa "lấy điểm" trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, nếu TP.HCM bứt phá lên, cạnh tranh được với các đô thị trong khu vực thì những gì mà chúng ta bỏ ra đầu tư sẽ thu lại những kết quả không chỉ bây giờ mà còn lâu dài, chúng ta sẽ có cơ hội để lựa chọn được những nhà đầu tư chất lượng, kéo theo nền kinh tế bứt phá.
Còn lại, phải rà soát những quy định liên quan các công tác đấu thầu, bài học từ đấu thầu đất tại Thủ Thiêm, từ đó kiến nghị Quốc hội cần phải sửa đổi điều gì, cần bổ sung điều khoản nào để đảm bảo quá trình đấu thầu diễn ra một cách suôn sẻ để tránh những cái đổ vỡ trong đấu thầu vừa qua.
Phải sớm giải bài toán giao thông
Hạ tầng là cái yếu nhất, tồn tại của TP.HCM. Bao nhiêu năm mà chúng ta vẫn loay hoay với giao thông do nạn kẹt xe vẫn chưa giải được; sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn kẹt, trước đây kẹt ở trên không, không đáp xuống được, bây giờ đáp rồi mà ra ngoài không được, xe không vào sân bay thông suốt được.
Do đó, vấn đề là phải tổ chức lại giao thông đô thị, đẩy mạnh tuyến metro số 1, số 2, đầu tư nhiều hơn cho đường ra vào bến cảng, sân bay. Đấy là điểm yếu của TP trong thời gian vừa qua so với các nước khác. Sau đó, chúng ta phải làm tốt công tác quy hoạch để tạo nên những điểm nhấn của bộ mặt TP như đường ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai phải đẹp, phải thu hút cho được du lịch quốc tế trên sông.
Nhưng phải làm thật nhanh, xin những cơ chế đặc thù để đẩy nhanh hình thành trung tâm tài chính quốc tế (như văn kiện Đại hội Đảng đã đưa vào nội dung), trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ, tăng thêm khu công nghiệp, khu công nghệ mới để thu hút đầu tư, đảm bảo hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin...
Mỗi ngày TP.HCM thu hơn 500 tỉ đồng thuế xuất nhập khẩu
Theo Cục Hải quan TP.HCM, số thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15-2 đạt 14.640 tỉ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) TP hiện rất sôi động và khả năng hồi phục rất nhanh. Con số thu tăng hơn 600 tỉ đồng so với năm ngoái, dù thị trường có 9 ngày nghỉ Tết, càng cho thấy TP đã bình thường hóa trở lại rất mạnh mẽ. Dự kiến trong 2 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan TP ước đạt khoảng 20.100 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, tức tăng hơn 1.830 tỉ đồng.
"Trung bình mỗi ngày hải quan TP thu khoảng 500 tỉ đồng. Đây là mức thu cao, ghi nhận sức sống bền bỉ của DN dù nhiều tháng liền các DN từng phải duy trì hoạt động sản xuất theo các quy định hoàn toàn mới như "3 tại chỗ", "một cung đường hai điểm đến". Chỉ đến tháng 12 vừa qua, khi việc kiểm soát dịch bệnh dần ổn định và DN dần tăng tốc sản xuất, TP đã lấy lại ngôi vị quán quân về kim ngạch xuất khẩu", đại diện Cục Hải quan TP nhận định.
Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP trong tháng 1-2022 ước đạt 11,603 tỉ USD, tăng 4,08% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,973 tỉ USD, tăng 3,97% và kim ngạch nhập khẩu tăng 4,17%.
Lãnh đạo Hải quan TP.HCM phân tích: dù kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, thủy hải sản vẫn còn giảm so với cùng kỳ năm 2021 nhưng tín hiệu tích cực là nhập khẩu máy tính, phụ kiện và mặt hàng sắt thép bắt đầu tăng trưởng. Các DN của TP đã lấy lại tốc độ sản xuất và thích ứng điều kiện mới trong bối cảnh khá nhanh chóng.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, phó giám đốc Sở Công thương TP, cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP đã bắt đầu tăng trong quý 4-2021 sau khi giảm sâu trước đó, vì các biện pháp giãn cách chống dịch. Trong năm 2022, TP đặt mục tiêu IIP sẽ tăng 5% so với năm ngoái, với các giải pháp trọng tâm là tiếp tục hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm thuộc 3 ngành: cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, ngành chế biến thực phẩm giai đoạn 2020 - 2030, tiếp tục triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP đến năm 2025...
Sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế TP còn được thể hiện qua lượng đơn hàng mà DN xuất khẩu trong các lĩnh vực chế biến gỗ hay may mặc, thủy hải sản... "Rất nhiều DN đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý 1-2022, một số còn được đối tác đặt đơn hàng đến hết nửa đầu năm nay", đại diện Sở Công thương TP nói.
Những khó khăn còn ở phía trước
Ông Nguyễn Quốc Anh - giám đốc Công ty TNHH cao su Đức Minh, kiêm chủ tịch Hội Nhựa cao su TP.HCM (RPMA) - cho biết hầu hết các thành viên trong hội đều có đơn hàng xuất khẩu tăng ít nhất từ 10 - 30% so với trước. Việc các doanh nghiệp (DN) nhận được đơn hàng tăng đều ở nhiều mặt hàng khác nhau, quy mô đặt hàng cũng rất đa dạng do nhu cầu hồi phục tiêu dùng ở từng thị trường xuất khẩu cũng rất khác nhau. "Đơn hàng tăng có cả nguyên nhân nhiều nhà đặt hàng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành khôi phục mạnh nhu cầu tiêu dùng. Bản thân DN của tôi cũng đã có đơn hàng đến tháng 6-2022, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là chi phí xuất khẩu quá cao, dẫn đến lợi nhuận của DN không đạt mức như kỳ vọng", ông Quốc Anh thông tin.
Theo tính toán của ông Quốc Anh, chi phí xuất khẩu bao gồm chi phí thuê hãng tàu, container, vận chuyển hàng hóa ra cảng bốc dỡ... đều đã tăng rất mạnh, "có thời điểm đã tăng đến 80% so với mức bình thường khiến DN rất đau đầu". Ông Quốc Anh nhận định nếu các chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao, trong đó chi phí xăng dầu và nguyên vật liệu có nguồn gốc hóa dầu hiện là hai hạng mục nằm ngoài khả năng "xử lý" của DN, thì khả năng đàm phán hợp đồng mới trong các quý tới sẽ gặp không ít khó khăn.
"Các DN đã chủ động tiết giảm chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất để có mức giá cạnh tranh khi chào giá với đối tác. Tuy nhiên, rủi ro từ các yếu tố khác phát sinh, trong đó việc vẫn phụ thuộc khá lớn từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu ở nước ngoài, chi phí logistics, nguy cơ lạm phát... vẫn là những khó khăn mà DN không thể tự một mình giải quyết được", ông Quốc Anh bày tỏ quan điểm.
Tương tự, ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek) - cho biết khảo sát nhanh mà Agtek vừa thực hiện cho thấy đơn hàng được 90% DN ký đủ đến hết quý 2-2022, thậm chí có 30 - 40% DN đạt được các đàm phán thỏa thuận cho cả năm. "Các DN đang tranh thủ thời điểm thuận lợi để tăng công suất vì có nơi buộc phải giao gấp do yêu cầu của nhà đặt hàng. Dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu khiến nhiều nhà đặt hàng cũng linh hoạt, họ thay đổi nơi sản xuất liên tục để tránh bị gián đoạn nguồn cung. Do đó, để cạnh tranh, không ít DN trong nước cũng phải thích ứng theo tình hình sản xuất mới. Nếu đáp ứng tốt, DN mới có khả năng giữ được hợp đồng với mức giá thích hợp", ông Hồng phân tích.
Cũng theo ông Hồng, ngành dệt may Việt Nam đã đưa ra ba kịch bản cho tăng trưởng của ngành trong năm 2022, "dựa" theo mức độ bùng phát hay thoái trào của dịch COVID-19. Ở tình huống tích cực nhất, tức tình hình dịch bệnh được kiểm soát ngay từ quý 1-2022, kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ đạt 41,5 - 42,5 tỉ USD. Nếu dịch bệnh vẫn phức tạp ở trong nước lẫn ở thị trường các nước đến giữa năm 2022, mức thu xuất khẩu chỉ còn 40 - 41 tỉ USD. Và cuối cùng, ở tình huống xấu nhất khi đến cuối năm 2022 dịch COVID-19 vẫn "hoành hành", ngành dệt may dự kiến chỉ còn được khoảng 38 - 39 tỉ USD cho cả năm nay.
TRẦN VŨ NGHI
Tìm đường ra cho nông sản
Đối với các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, công tác xúc tiến thương mại nông sản Việt, trong đó có mặt hàng gạo thông qua các hoạt động kết nối giao thương, truyền thông quảng bá tại thị trường luôn là công tác trọng tâm, đặc biệt từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020.
Các chương trình như tổ chức Tuần hàng nông sản Việt tại các siêu thị châu Á, châu Âu; hoạt động quảng bá ẩm thực Việt hay Hội chợ nông sản Việt tại các trung tâm triển lãm, tại Thương vụ, Đại sứ quán qua đó quảng bá các sản phẩm nông sản như gạo, sản phẩm từ gạo, gia vị, cà phê, trái cây tươi, đông lạnh hay sấy khô... là những hoạt động mà Thương vụ luôn ưu tiên thực hiện khi điều kiện cho phép, các hoạt động có thể xen kẽ trong năm và luôn có tính đến sự đổi mới, sáng tạo trong cách tổ chức.
Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hằng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.
"Năm 2022, Thương vụ cũng đã lên kế hoạch xúc tiến, kết nối giao thương, hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp phát triển thị trường Hà Lan trong điều kiện đi lại giữa hai nước thuận lợi", bà Võ Thị Ngọc Diệp, tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan, cho biết.
NGỌC AN - TRẦN MẠNH