Thị trường bán lẻ Việt Nam là miếng bánh ngon nhưng không dễ “xơi” và đã nhiều nhà đầu tư ngoại phải ngã ngựa.
Gần đây nhất, tập đoàn kinh doanh siêu thị Anchan Retails công bố kế hoạch rút lui khỏi Việt Nam, đồng thời đang tìm người mua lại chuỗi 18 siêu thị hiện nay. Trái với tuyên bố sẽ mở tới 300 cửa hàng trước đó, đại diện thương hiệu siêu thị của Pháp, CEO Edgar Bonte thừa nhận họ đang lỗ tại Việt Nam và Ý, nơi các điều kiện kinh doanh ngày càng khó khăn.
Cùng tình cảnh tương tự, Parkson, thương hiệu bán lẻ có trụ sở chính ở Malaysia, dù chưa rơi vào thế rời thị trường nhưng cũng đã liên tiếp đóng cửa tại Việt Nam. So với Auchan, Parkson đến Việt Nam vào 2005, nghĩa là sớm hơn 9 năm. Tuy nhiên sau thời kỳ hoàng kim, từ 2011, mô hình kinh doanh của Parkson bắt đầu tỏ ra không phù hợp với thói quen mua sắm của khách hàng hiện đại. Parkson liên tiếp thua lỗ và phải đóng tới 5 cửa hàng, tính đến thời điểm tháng 10/2018.
Theo thông tin trên website chính hãng, Parkson hiện chỉ còn 5 siêu thị trên khắp Việt Nam, gồm 3 tại TPHCM, 1 tại Hải Phòng và 1 tại Đà Nẵng. Còn tại Hà Nội, thương hiệu này đã biến mất hoàn toàn.
Trái với hai đối thủ ngoại kể trên, Lotte Mart dường như vẫn quyết tâm bám trụ trên trận địa bán lẻ dù chưa một lần lãi trong suốt hơn 1 thập kỷ hoạt động tại Việt Nam. Giai đoạn 2007-2017, Lotte Mart lỗ khoảng 2.300 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Lotte Mart chỉ còn dưới 200 tỷ đồng và nợ phải trả gần 8.800 tỷ đồng, cao gấp 45 lần.
Vậy nhưng Lotte Mart vẫn tiếp tục mở mới. Sau khoảng thời gian chững lại, gần đây, Lotte đã mở thêm một trung tâm mới ở tổ hợp Discovery Complex tại Hà Nội và đang trong quá trình xây dựng trung tâm mua sắm tiếp theo tại khu vực Hồ Tây, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Là đại gia có số điểm hoạt động khiêm tốn nhất, chỉ 4 trung tâm trên cả nước nhưng Aeon Mall hiện là chuỗi duy nhất đã báo lãi.
Trong năm đầu tiên vận hành, Aeon Việt Nam đạt doanh thu gần 1.300 tỷ đồng. Sau đó, mỗi năm tiếp theo, doanh nghiệp này cho ra đời thêm một trung tâm ở Long Biên (Hà Nội) và quận Bình Tân (TP.HCM).
Năm 2016, doanh thu của tập đoàn Nhật Bản này gấp 3 lần 2014 và không còn thua lỗ khi có được hơn 50 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Sau khi hoàn vốn cho chi phí đầu tư khoảng 200 triệu USD mỗi trung tâm, đến 2017, Aeon ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hơn 200 tỷ đồng. Trước sự phát triển khả quan này, Aeon dự định sẽ mở rộng chuỗi với 25 trung tâm vào năm 2025.
Ở một diễn biến khác, Big C và Metro sau khi về tay các đại gia Thái Lan vẫn chưa có những bứt phá rõ rệt. Sau khi về tay ông chủ mới và đổi tên thành MM Mega Market, thương hiệu Metro vẫn chưa sinh lời. Còn Big C, kể từ khi thuộc về đại gia bán lẻ Central Group, lợi nhuận có xu hưởng đi ngang, thậm chí sụt giảm.
Aeon là đại gia ngoại duy nhất có lãi hiện nay.
Theo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Tập đoàn Tư vấn Thị trường A.T Kearney (Mỹ), Việt Nam liên tục nằm trong số 30 nền kinh tế có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới kể từ năm 2008, và mới đây nhất đã trở lại vị trí thứ sáu (năm 2017).
Các kênh bán lẻ truyền thống chiếm 76% thị phần nhưng nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ 1%. Trong khi các kênh bán lẻ hiện đại giữ 24% thị phần và có tốc độ tăng trưởng 11,8%, thậm chí đến 2022 thị phần bán lẻ hiện đại dự đoán sẽ tăng tới 44%.
Tuy nhiên, đại diện truyền thông một thương hiệu trong ngành từng tiết lộ bán lẻ hiện đại đang gặp khó do sự cạnh tranh gắt gao của cả khối nội và khối ngoại trên thị trường. Hơn nữa, việc tìm kiếm mặt bằng mở mới cũng là thách thức lớn. Ngoài ra, với ngành bán lẻ, lợi nhuận tối đa chỉ vào khoảng 8-10%, sau khi trừ các khoản chiết khấu, tồn kho, hủy hàng,... nhiều khả năng doanh nghiệp có thể sẽ lỗ.
Nhật Anh
Theo Trí Thức Trẻ