WinEco

Trùm… nho Ba Mọi: Tôi muốn ủ rượu vang lâu hơn!

11/03/2019 09:58

Thay vì ủ trong các thùng gỗ sồi nhập khẩu từ 4 đến 5 năm nhưng vì nguồn lực có hạn nên ông Nguyễn Văn Mọi, người trồng nho trứ danh ở xứ cát Ninh Thuận đành phải ủ nguồn nho tự trồng trong những chum sành rồi chưng cất thành rượu vang Ba Mọi trong một quy trình 2 năm.

Thay vì ủ trong các thùng gỗ sồi nhập khẩu từ 4 đến 5 năm nhưng vì nguồn lực có hạn nên ông Nguyễn Văn Mọi, người trồng nho trứ danh ở xứ cát Ninh Thuận đành phải ủ nguồn nho tự trồng trong những chum sành rồi chưng cất thành rượu vang Ba Mọi trong một quy trình 2 năm.

Cả đời gắn với nho

Ở cái dải đất Nam Trung bộ khắc nghiệt, quanh năm nắng cháy này, nếu có người nông dân nào cả đời bám trụ với đồng đất thì đó là ông Nguyễn Văn Mọi. Nếu có người nông dân nào ham học hỏi, mày mò nghiên cứu và dành nhiều niềm say mê cho khoa học cũng chính là ông già chất phác ngoại thất tuần có nụ cười hồn hậu này.

Lão nông Ba Mọi

Nghe danh ông đã lâu, nay mới có dịp diện kiến, thấy ông cũng già đi nhiều so với những tấm ảnh in trên báo giấy cách nay chừng 20 năm. Duy chỉ có làn da rám nắng và phong cách dân dã của ông thì vẫn vậy.

Ông dẫn tôi đi tham quan khu vườn nho mẫu trong tổng diện tích trên dưới 2 ha cơ ngơi của gia đình và giới thiệu tỉ mỉ đến từng chi tiết. Ông khoe, đây là giống nho chuyên để sản xuất rượu vang, dòng Cabernet Sauvignon mà ông đưa từ Pháp về mảnh đất gò ven sông Dinh này thuần hóa mất hơn 10 năm mới được như hôm nay.

Sự nghiệp trồng nho sạch của ông Ba Mọi bắt đầu từ cuối năm 2000, thông qua sự trợ giúp của các nhà khoa học. Khi đó trong vùng, hầu hết người trồng nho ở Ninh Thuận đều chuyên canh giống nho đỏ truyền thống Red Cardinal. Nhưng nhờ ham học hỏi cộng với cơ duyên, khi giống nho xanh NH01-48 được Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố lai tạo thành công, ông Ba đã có sáng kiến xin về trồng thử nghiệm trên 1.000 m2 ruộng nhà mình ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước.

Sau khi xuống giống, ông Ba Mọi lại lặn lội đi tìm sự giúp đỡ về kỹ thuật canh tác, chăm bón từ các chuyên gia của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam. Rồi ông mạnh dạn ứng dụng các chế phẩm sinh học, bón phân vi sinh, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu trên ruộng. Chính vì thế, quả nho sau thu hoạch rất an toàn, lại để tươi được lâu hơn và không có dư lượng hóa chất. Ông tự hào, đấy chính là cách tiếp thị sản phẩm hiệu quả nhất đến người tiêu dùng cũng như thị trường lúc đó và giúp ông có được tên tuổi như ngày hôm nay.

Kết quả, sau gần một năm miệt mài, ăn ngủ tại ruộng, vườn nho giống mới NH01-48 của ông đã cho mùa quả chín đầu tiên, với hơn 7 tạ trái sạch. Một ký nho xanh NH01-48 bán tại vườn lúc đó đã cao gấp 3 lần giống nho đỏ Red Cardinal. Những vụ sau đó, sản lượng của vườn nho nhà ông tăng lên 1,2 tấn, rồi 1,5 tấn. Tới năm 2007 thì ông quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân mang tên Ba Mọi.

Giống nho Cabernet Sauvignon chuyên làm vang đỏ do ông Ba Mọi thuần hóa

Không chỉ sản xuất dòng nho ăn tươi để phục vụ thị trường cả nước, ông còn ra một quyết định đột phá là dốc hết vốn đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc, xây dựng nhà xưởng sản xuất rượu vang nho từ vườn nhà. Để có nguyên liệu sản xuất thử rượu vang, ông Ba Mọi dành 0,5 ha trồng các giống nho Syrah, chuyên để ủ vang đỏ và Cabernet Sauvignon, Sauvignon Blanc để sản xuất vang trắng.

“Sản xuất vang nho không hề đơn giản chút nào. Khi các loại nho chín, thu hoạch xong phải trải qua quy trình chế biến với nhiều công đoạn phức tạp, có sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ kỹ sư và phải mất thời gian từ 1,5 năm đến 2 năm mới thành được rượu. Tất cả các công đoạn đều phải được cơ quan chức năng kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Ba bộc bạch.

Nỗi niềm vang Việt

Gần trọn đời người gắn bó với cây nho, khi được hỏi mơ ước lớn nhất của ông là gì, lão nông thông thái này không hề giấu diếm: “Đó là muốn có một lâu đài rượu vang giống như nông dân các nước phát triển Pháp, Úc với dây chuyền sản xuất chế biến khép kín, từ trồng nho, thu hoạch đến chế biến thành phẩm rượu vang mang thương hiệu gia đình”.

Do thiếu vốn nên ước mơ "lâu đài vang" khó trở thành hiện thực

Ông nói về sản phẩm của mình: Rượu vang nho Ba Mọi có thể nói khá là lạ lẫm trên thị trường Việt Nam bởi lẽ sản lượng còn quá nhỏ bé và bị chìm lẫn giữa một rừng thương hiệu vang ngoại vốn chiếm lĩnh thị trường trong nước suốt nhiều năm qua. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã, cách làm thị trường chưa có chiến lược, bài bản. Muốn làm được sản phẩm tốt mang thương hiệu Việt thì phải có tiền để đầu tư mua sắm.

Tôi tính sơ sơ muốn gây dựng được một dây chuyền làm rượu vang tương đối cỡ nhỏ để đảm bảo bao tiêu nguyên liệu cho chừng vài trăm ha của địa phương cũng cỡ 100 tỷ. Số tiền đó là quá lớn đối với gia đình, không thể kham được mà đi vay thì cũng kẹt đủ đường nên đành phải duy trì mô hình “lấy ngắn nuôi dài” như vậy thôi.

Khi bị “chất vấn” tại sao ông không mời gọi đầu tư hay vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại? Ông Ba cho biết, đây là vấn đề lớn cần tháo gỡ, không chỉ riêng đối với gia đình ông mà là thực trạng chung của nhiều hộ dân, trang trại hoặc doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay. Cụ thể là chỉ riêng vấn đề hoàn thiện thủ tục để được tiếp cận được nguồn vốn đã vướng khá nhiều rào cản, dù thời gian qua đã có nhiều chính sách ưu đãi vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng đa số hộ nông dân vẫn phải vay lãi suất cao từ các ngân hàng thương mại. Cụ thể là các thủ tục vay vốn rất khắt khe, tỷ lệ vay được quá ít so với nhu cầu đầu tư; vốn vay còn ở mức ngắn hạn. Bên cạnh đó, người vay phải đáp ứng đầy đủ các loại chứng từ, mà thế chấp tài sản thì không đủ, trong khi mức vay tín chấp lại thấp quá rồi áp lực trả nợ gốc và lãi suất rất lớn do thời gian đáo hạn nhanh…

Ông kể, vừa rồi có một nhà đầu tư Thụy Sỹ sang đặt vấn đề hợp tác sản xuất rượu vang, sau khi tìm hiểu vùng nguyên liệu đã rất thiện chí nhưng rồi không hiểu sao đã không thấy quay trở lại.

Dù không phải là chuyên gia thẩm rượu nhưng khi nhấp li vang Ba Mọi, ban đầu tôi có cảm nhận khá rõ về độ nồng chát, tuy nhiên sau đó lại cảm thấy cái hương vị rất thật, rất riêng đậm chất địa phương.

Ông giải thích: Để ra được sản phẩm như vậy, đối với một người nông dân như ông là đã quá thành công rồi. Muốn làm được vang ngon nhất thiết phải tuân thủ các quy trình chuẩn giống như các nước tiên tiến. Nguyên lý là sau khi lên men thì ủ thời gian càng lâu thì rượu sẽ càng giá trị. Ủ trong thùng thép hay sành sứ phải lâu hơn thùng gỗ sồi, làm sao để quá trình tác động với oxy càng chậm thì càng giữ được hương vị đặc trưng của sản phẩm, đạt được sự hài hòa của mùi vị…

“Vang Pháp hay Chilê truyền thống, hầu như họ đều ủ trong thùng gỗ sồi từ 3 đến 4 năm. Thời gian ủ càng lâu thì chất lượng càng tốt, đồng nghĩa với giá bán cũng cao hơn. Tôi đây mới ủ chưa đầy 2 năm mà thấy đã đuối sức rồi. Nói anh nghe, đầu tư một thùng gỗ sồi 200 lít phải tốn 40 triệu mà chỉ dùng được có bốn năm thôi. Như vậy tôi không thể nào kham nổi, đành phải ủ bằng chum sành rồi chưng cất khi men vẫn còn non, chưa đủ tuổi thì mới đủ sức mà quay vòng”.

Trăn trở với VietGAP

Người nông dân tiên phong Nguyễn Văn Mọi giờ đây đã là một doanh nhân tên tuổi trong nghề trồng nho và ngoài ra còn có thêm táo xanh, hai loại quả đặc sản của Ninh Thuận đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) và rượu vang nho đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nhiều sản phẩm giá trị gia tăng khác từ hai loại trái cây này.

Thú vui tuổi già hiện nay của ông Ba là hằng ngày được hướng dẫn lớp trẻ làm nông nghiệp sạch

Tuy nhiên, điều trăn trở lớn hiện nay đối với vị nông dân già này là làm sao mở rộng được diện tích cây trồng theo tiêu chuẩn tốt này lên thì mới mong có được chuỗi liên kết rộng lớn hơn và mở ra thị trường tiêu thụ bền vững. Ông cho rằng, đây chính là mấu chốt để người nông dân thu được lợi nhuận tốt hơn, đỡ lo khâu đầu ra cho sản phẩm khi thu hoạch.

“Với thâm niên 20 năm theo đuổi nền nông nghiệp sạch, nguyên nhân chính vì sao chưa mở rộng được diện tích cũng như lôi cuốn nông dân làm theo là mặt bằng nhận thức của phần đông nông dân Việt Nam còn rất thấp. VietGAP thì đâu có gì cao siêu nhỉ, nó có phải từ trên trời rơi xuống đâu mà tại sao có mỗi việc ghi chép quy trình canh tác vào sổ nhật ký mà dân ta mãi không làm nổi”, ông Ba Mọi giãi bày.

Ông cho rằng, trong xu thế của nền nông nghiệp hiện đại thì việc người sản xuất chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm của mình là hết sức quan trọng. Đó chính là cơ sở pháp lý, là bảo bối để bảo vệ quyền lợi cũng như tạo thêm nhiều giá trị cho sản phẩm của người nông dân.

Và điều ông tâm đắc nhất hiện nay là hàng ngày được chào đón và trực tiếp làm “hướng dẫn viên” cho các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp sạch từ khắp các tỉnh thành trên cả nước về thăm. Ông coi đây như là một cách trả ơn ruộng đồng vậy.

Những nghịch lý trong thủ tục vay vốn ngân hàng để phát triển nông nghiệp sạch đã phần nào thể hiện qua gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao vừa qua, hiện mới chỉ giải ngân được hơn 30.000 tỉ đồng nhưng có một thực tế là đối tượng được thụ hưởng là các hộ nông dân thì quá ít mà chủ yếu vẫn là các đại gia. Bởi lẽ, để tiếp cận với nguồn tín dụng có mức lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất thông thường, người đi vay phải có đầy đủ các giấy tờ, chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, rồi có đất đai và có thị trường tiêu thụ sản phẩm...

TRẦN DOANH

Theo Nông Nghiệp