Nền tảng kinh tế trong nước tốt có thể là lợi thế với đoàn đàm phán Trung Quốc trong cuộc gặp sắp tới.
Nhiều người lo ngại cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể gây sức ép nặng nề lên kinh tế Trung Quốc, thậm chí gây ra bất ổn xã hội. Tuy nhiên, trong báo cáo công bố hôm qua, Trung tâm Nghiên cứu Hoạt động Kinh tế Trung, thuộc Đại học Thanh Hoa cho biết nền tảng kinh tế nước này vẫn ổn định. Trung Quốc có thể duy trì đà tăng trưởng thông qua tăng gấp đôi số người có thu nhập trung bình, từ 400 triệu lên 800 triệu người trong 15 năm tới.
Tại hội thảo ở Bắc Kinh hôm qua, David Li Daokui - nhà kinh tế học tại trung tâm này cho biết kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 6,3% năm nay. Tốc độ này nằm trong giới hạn mục tiêu của chính phủ Trung Quốc (6-6,5%). "Ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh thương mại rất hạn chế và có thể kiểm soát được", Li cho biết. Trung Quốc cũng không còn dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng nữa, nếu nhìn vào tỷ trọng giảm dần của thặng dư thương mại trong GDP.
Vì thế, tổ chức này cho rằng kinh tế trong nước vững mạnh có thể giúp đoàn đàm phán Trung Quốc có lập trường cứng rắn hơn trong cuộc gặp sắp tới với Mỹ. Những bình luận này được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp dự kiến tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản. Cả hai vẫn đang nỗ lực tìm cách chấm dứt cuộc chiến thương mại đã kéo dài cả năm qua.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại G20 năm ngoái. Ảnh: AP |
Trung Quốc được cho là đã hết vũ khí trong cuộc chiến kéo dài này, dù họ đã áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ và lên danh sách các thực thể không đáng tin cậy, có thể bị trừng phạt. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Hoạt động Kinh tế Trung Quốc cho rằng Trung Quốc có thể khởi động "một vòng cải tổ và mở cửa mới" để giải quyết "thách thức từ chiến dịch phản toàn cầu hóa và kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc".
Tuy vậy, họ cảnh báo Bắc Kinh không nên đi quá xa trong việc trả đũa, nên "kiên nhẫn và kiềm chế" khi đối phó với ông Trump, và hạn chế sử dụng các chính sách kinh tế mang tính dân tộc. "Chúng ta nên đề cao đạo đức và tiếp tục thúc đẩy toàn cầu hóa", báo cáo này cho biết, "Trả đũa không phải là mục đích, mà chỉ là phương tiện. Mục đích cuối cùng của chúng ta là đưa Mỹ quay trở lại bàn đàm phán".
Tại hội thảo, Gao Shanwen - kinh tế trưởng tại Essence Securities cho rằng chiến tranh thương mại đã gây sức ép lên nền kinh tế. "Gần như mọi người đều đồng ý rằng chúng ta nên có một vòng cải tổ và mở cửa mới, để đối phó với tình hình này. Trước sức ép cả trong và ngoài nước, chính phủ cần vài sự thay đổi", ông nói.
Các số liệu kinh tế của Trung Quốc trong tháng 5 cho thấy bức tranh khá ảm đạm. Mỹ đã nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%, sau đó cấm các công ty Mỹ bán hàng cho Huawei và bổ sung nhiều doanh nghiệp nước này vào danh sách đen.
Sản lượng công nghiệp tháng 5 của Trung Quốc chỉ tăng 5% - thấp nhất 17 năm. Đầu tư vào tài sản cố định trong 5 tháng đầu năm cũng tăng chậm, với 5,6%. Xuất khẩu đã tăng trở lại, nhưng là do các công ty tăng tốc giao hàng trước thời hạn Mỹ nâng thuế. Nhập khẩu lại giảm 8,5%, cho thấy nhu cầu nội địa nước này chững lại.
Li cho biết cả ông Trump và ông Tập đều có mục tiêu đạt thỏa thuận thương mại, hoặc ít nhất cũng là một thỏa thuận tạm thời. Dù vậy, ông cho rằng Mỹ cần rút ra bài học từ việc đàm phán đổ bể tháng trước. "Mục tiêu pháp lý của họ còn lớn hơn suy nghĩ chiến lược. Họ quá quan tâm đến các điều khoản và sự trừng phạt", ông cho biết, "Không khí buổi nói chuyện sẽ bị hủy hoại nếu họ tiếp tục như thế".
Timothy Stratford - Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc cũng cho biết kịch bản tốt nhất với hai lãnh đạo là tuyên bố "Chúng tôi là bạn tốt. Chúng tôi sẽ chỉ đạo đoàn đàm phán quay lại và tiếp tục các cuộc nói chuyện". Ông cho rằng nếu hai bên đạt thỏa thuận trước ngày 1/10, "đó là sẽ kết quả tuyệt vời". Nhưng việc này cũng sẽ "rất khó khăn".
(theo SCMP)