Cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới đang thể hiện sức mạnh trong cuộc chiến với chính quyền ông Donald Trump. Hầu hết các “vũ khí” và trận địa đã được sắp đặt và chỉ còn đợi thời gian để công phá lẫn nhau.
Bắc Kinh thể hiện sức mạnh
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa có một cuộc họp báo chung với các cơ quan khác công bố một chính sách kích thích kinh tế quan trọng có khả năng thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế nước này.
Theo đó, Bắc Kinh cho phép chính quyền địa phương phát hành trái phiếu đặc biệt và sử dụng nguồn tiền thu được từ việc phát hành các loại trái phiếu này đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Đây là một động thái tiếp theo của Trung Quốc nhằm bơm tiền vào nền kinh tế để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ lên cao chưa từng có và chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gây sức ép lên nền kinh tế số 2 thế giới.
Trước đó vài hôm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến viếng thăm quan trọng tới đối thủ số 1 của Mỹ trong Chiến tranh lạnh: nước Nga của tổng thống Vladimir Putin. Chuyến thăm lần này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang trở thành mục tiêu của chính quyền ông Trump trong một cuộc chiến khẳng định vị thế cường quốc số 1 trên thế giới.
Trong chuyến viếng thăm, hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã thỏa thuận sử dụng nội tệ của nhau là đồng ruble và Nhân dân tệ (NDT) để thay cho USD trong các hoạt động thương mại song phương.
Cuộc chiến Mỹ-Trung. |
Đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh trong nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT. Sau thập kỷ triển khai âm thầm, kết quả tháng 10/2016, đồng NDT được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế (SDR) của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).
Nhưng hiện tại, động thái bắt tay với Nga để “tẩy chay” đồng USD có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Nó không chỉ thể hiện thiện chí hợp tác của Moscow với Bắc Kinh mà còn giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong các thanh toán quốc tế và để chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể kéo dài, lên tới 15 năm như cuộc Vạn lý trường chinh những năm 1934-1936 mà ông Tập Cận Bình ám chỉ hồi tháng 5.
Bên cạnh thỏa thuận “tẩy chay” đồng USD, Trung Quốc cũng có được một thỏa thuận quan trọng về công nghệ. Theo đó, tập đoàn công nghệ số 1 của Trung Quốc - Huawei - ký hợp đồng phát triển các công nghệ 5G và thử nghiệm mạng di động thế hệ mới trong giai đoạn 2019-2020 ở Nga.
Bắc Kinh và Moscow cũng có những thỏa thuận hợp tác về phát triển các hệ thống thanh toán quốc gia hay đầu tư vào một liên doanh thương mại điện tử với sự góp mặt của ông lớn Alibaba của Trung Quốc và Mail.Ru của Nga.
Trung Quốc còn đẩy mạnh mua vàng để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Trong tháng 5, nước này đã mua thêm gần 16 tấn vàng, nâng tổng số vàng mua thêm trong 5 tháng đầu năm lên gần 74 tấn. Tổng giá trị kho vàng của Trung Quốc đã lên tới gần 80 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng 6 tỷ USD, đạt mức hơn 3,1 ngàn tỷ USD.
Donald Trump dồn dập gây sức ép
Trước đó, Bắc Kinh cũng có những màn thể hiện sức mạnh đáng chú ý như cả trăm tỷ USD đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI), áp đảo con số hơn 100 triệu USD mà Mỹ năm 2017 duyệt chi cho khu vực. Hay một loạt thương vụ thâu tóm đình đám khắp Âu - Mỹ trong một thời gian dài, rồi sức mạnh về đất hiếm hay vũ khí ngàn tỷ USD trái phiếu Mỹ mà Bắc Kinh đang nắm giữ.
Huawei là tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc. |
Sau 40 năm mở cửa và phát triển, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc hiện tại là đáng nể. Kho dự trữ ngoại hối hơn 3 ngàn tỷ USD của Trung Quốc là kết quả của một thời gian dài làm ăn tích lũy của chính quyền Bắc Kinh.
Đây là một cơ sở vững chắc để Bắc Kinh dưới thời ông Tập Cận Bình thực hiện một chiến lược mới “Made in China 2025”: Dẫn đầu thế giới về công nghệ, trọng tâm là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào năm 2025.
“Made in China 2025” thực chất là chiến lược quốc gia của Trung Quốc nhằm xây dựng 10 ngành quan trọng về mặt công nghệ. Đây đều là các lĩnh vực độc quyền của các công ty phương Tây, nhất là Mỹ, trong nhiều thập kỷ qua. “Made in China 2025” đe dọa vị thế thống trị của nước Mỹ.
Một trong những lĩnh vực mà Trung Quốc đã vượt qua Mỹ chính là 5G - công nghệ của tương lai - với tốc độ nhanh gấp 100 lần so với 4G, là cơ sở để cho nhiều lĩnh vực khác như: thành phố thông minh, ô tô tự hành, thực tế ảo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn,...
Tham vọng của Trung Quốc là khá rõ ràng: thay thế “vai trò trung tâm” của Mỹ trên thế giới như đã đề ra trong kế hoạch dài hạn tại Đại hội Đảng Cộng sản (ĐCS) lần thứ 19 năm 2017. Tuy nhiên, tham vọng này đang bị Trump dồn dập đe dọa.
Trong một chia sẻ mới đây với CNBC, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ sẽ ưu tiên việc phát triển mạng 5G và sẽ sớm dẫn đầu cuộc đua này nhờ “những thiên tài ở Thung lũng Silicon".
Về khả năng một thỏa thuận với Bắc Kinh, ông Trump cũng không úp mở cho biết ông đang trì hoãn việc đi đến một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và sẽ không đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào trừ khi Bắc Kinh chấp nhận những điều khoản mà hai bên đã đàm phán xong trước đây.
Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung. |
Theo đó, hoặc là Mỹ sẽ có “một thỏa thuận tốt đẹp” hoặc không có thỏa thuận nào. Ông Trump cũng khẳng định sẽ áp thêm thuế ngay lập tức với hàng hóa Trung Quốc nếu ông Tập không tham dự Hội nghị G20 vào cuối tháng 6 này tại Nhật.
Mặc dù thực lực kinh tế rất mạnh nhưng Trung Quốc cũng đang vướng rất nhiều vấn đề.
Ngay từ cuối 2018, thông tin từ Bloomberg cho thấy, Bắc Kinh đã trì hoãn các mục tiêu trong chương trình Made in China 2025. Lý do đơn giản là bởi tham vọng công nghệ của Trung Quốc cần có sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng điều này giờ khó thành hiện thực.
Cú bắt sếp Mạnh Vãn Châu của Huawei và gần đây là các đòn giáng trực tiếp vào doanh nghiệp này được xem là đánh trúng vào điểm yếu trong tham vọng dẫn đầu của Trung Quốc. Trong một động thái mới nhất, Huawei cho biết đã tạm gác mục tiêu trở thành hãng smartphone lớn nhất thế giới, khi mà hàng loạt đại gia công nghệ phương Tây quyết định không hợp tác với Huawei, mới nhất là Tokyo Electron của Nhật Bản.
Trong khi tham vọng công nghệ đối mặt với rào cản lớn, các động thái thể hiện sức mạnh kinh tế khác của Trung Quốc dường như cũng không thực sự ấn tượng. Nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT sẽ trở nên vô nghĩa nếu đồng NDT không chứng tỏ được sức mạnh và sự ổn định. Thời gian gần đây, Trung Quốc có nhiều động thái giữ giá NDT nhưng đồng tiền này hôm 10/6 vẫn tụt xuống mức thấp nhất 2019.
Nỗ lực để chính quyền địa phương sử dụng nguồn vốn trái phiếu đặc biệt tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trước đó, hồi cuối 2018, một báo cáo của S&P cho thấy, Trung Quốc phải gánh những khoản nợ ngầm khổng lồ và tiềm ẩn rủi ro to lớn đối với nền kinh tế. Đó chính là núi nợ khổng lồ LGFV của chính quyền địa phương Trung Quốc trị giá khoảng 6 ngàn tỷ USD. Ẩn họa đáng sợ này thậm chí được xem còn nguy hiểm hơn nhiều đòn hiểm mà ông Trump nhắm vào Trung Quốc.
Vietnamnet