Sinh nhật 10 tuổi Winmart

'Trượt giá' từ 47 tỷ USD xuống còn 10 tỷ USD trước thềm IPO, WeWork phơi bày thực tế đáng buồn trong giới startup: Đa số đều thua lỗ, chỉ hào nhoáng bên ngoài!

18/09/2019 11:42

Tờ CNN nhận định WeWork chính là ví dụ điển hình về việc các kỳ lân công nghệ (startup được định giá trên 1 tỷ USD) đang gặp khó khăn trước và sau IPO.

WeWork ban đầu được kỳ vọng là một trong những thương vụ IPO lớn nhất trong năm nay. Tuy nhiên đáng tiếc, mọi chuyện nhanh chóng đổ bể.

Trong khoảng 1 tháng kể từ khi công ty mẹ WeWork lần đầu tiên công bố hồ sơ IPO, họ đã nỗ lực rất nhiều nhằm xoa dịu những lo ngại của các nhà đầu tư và những chỉ trích từ bên ngoài. Một vài trong số đó có thể kể đến là lời hứa hẹn sẽ bổ sung thêm thành viên hội đồng quản trị, cải thiện cấu trúc quản trị tập đoàn và việc bắt CEO trả lại hàng triệu USD cho thương hiệu mà anh này bán cho công ty của chính mình.

Nhưng từng đó dường như là chưa đủ. Mỗi ngày lại có thêm những bài báo dự đoán trị sau IPO của WeWork giảm sâu hơn nữa so với mức giá ban đầu là 47 tỷ USD. Cụ thể, tuần trước, tờ WSJ đã báo cáo rằng The We Company có thể IPO với mức giá ít hơn 20 tỷ USD. Tiếp theo đến ngày thứ 6, CNBC lại nói rằng giá trị này thậm chí còn xuống dưới 15 tỷ USD. Vẫn chưa dừng lại ở đó, Reuters tiếp tục đưa ra bài báo nói rằng giá trị sau IPO của WeWork có thể giảm xuống chỉ còn là 10 tỷ USD.

Mặc cho tất cả những dự đoán tiêu cực đó, dường như công ty mẹ của startup cho thuê văn phòng này vẫn tiếp tục hướng về phía trước để thực hiện thương vụ IPO. Điều này một phần nào cho thấy áp lực huy động vốn đang đè nặng lên họ vào thời điểm hiện tại. The We Company nói rằng muốn tiếp cận khoản tín dụng 6 tỷ USD vốn phụ thuộc vào việc huy động ít nhất 3 tỷ USD khi thương vụ IPO hoàn thành vào trước cuối năm nay.

Một người phát ngôn của công ty WeWork từ chối bình luận về vấn đề này.

Tờ CNN nhận định WeWork chính là ví dụ điển hình về việc các kỳ lân công nghệ (startup được định giá trên 1 tỷ USD) đang gặp khó khăn trước và sau IPO.

Giống như Uber, We Company đã thua lỗ trên 1 tỷ USD trong năm ngay trước thềm IPO. Học theo Lyft và một vài công ty khác, WeWork cũng cho nhà sáng lập quyền biểu quyết quá lớn. Và giống như nhiều công ty khác, WeWork đã được định giá cao ngất ngưởng nhưng lại "gục ngã" tại phố Wall.

Một chuyên gia nhận định, lẽ ra các nhà đầu tư ở phố Wall có thể "khoan dung" hơn với những công ty kiểu này nếu như thương vụ IPO của WeWork không đến sau hàng loạt vụ IPO thất bại trong năm nay. Cổ phiếu của Uber và Lyft đã xuống múc thấp nhất trong lịch sử, dưới cả giá IPO khi các nhà đầu tư lo ngại về khả năng có lãi của công ty.

Riêng WeWork còn gặp phải vấn đề khác. Công ty xác nhận trong cáo bạch rằng có "tham gia vào hàng loạt giao dịch" với CEO Adam Neumann "gồm cả việc thuê các khu đất mà Adam sở hữu hay có lợi ích sở hữu đáng kể" mà gây ra "xung đột về lợi ích". Vợ của Neumann là Rebekah thậm chí cũng có quyền thành lập ủy ban để chọn CEO thay thế chồng mình trong một số điều kiện nhất định.

Các nhà đầu tư thì nói rằng: WeWork cho họ thấy cách thiết lập ban quản trị mà chẳng cần bận tâm tới họ. Điều đó khiến họ khó mà tin tưởng vào hoạt động kinh doanh của startup này.

Vào thứ 6, trong nỗ lực mới nhất để giúp việc IPO diễn ra thuận lợi, công ty mẹ WeWork đã tuyên bố quyết định hủy bỏ quyền để Rebekah Neumann thiết lập một hội đồng chọn CEO tiếp theo thay vì phụ thuộc vào hội đồng quản trị. Công ty cũng nói rằng các nhà sáng lập gồm cả Neumann sẽ nhận cổ phiếu có quyền biểu quyết với 10 phiếu mỗi cổ phiếu thay vì 20 như trước.

Dẫu vậy, dù WeWork cuối cùng có IPO với mức giá trị 20 tỷ USD, 10 tỷ USD hay không thì con đường đến với phố Wall khá ồn ào vào những tuần gần đây chứng minh một thực tế đáng buồn đang diễn ra trong ngành công nghiệp startup.

Trong suốt nhiều năm, thung lũng Silicon đã cho phép các startup định giá công ty ở mức trên trời, để các nhà đầu tư rót tiền không tiếc tay và không hề kiểm soát quyền lực của nhà sáng lập. Hiện tại, thị trường chứng khoán đã lưu tâm đến những điều này.

"Đây có thể là lời cảnh tỉnh cho những công ty khác – những đơn vị đang muốn tìm cơ hội IPO. Các nhà đầu tư bắt đầu cảnh giác hơn rồi".

Trí thức trẻ/CNN