Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Truyền thống giúp LG chưa bao giờ chứng kiến cảnh 'huynh đệ tương tàn'

14/10/2018 15:07

Trong số các chaebol của Hàn Quốc, LG là tập đoàn hiếm hoi không xảy ra cảnh 'đấu đá' quyền lực nhờ vào truyền thống chức chủ tịch chỉ được truyền cho con trai trưởng của gia tộc.

Trong số các chaebol của Hàn Quốc, LG là tập đoàn hiếm hoi không xảy ra cảnh 'đấu đá' quyền lực nhờ vào truyền thống chức chủ tịch chỉ được truyền cho con trai trưởng của gia tộc.

Cùng với Samsung, Lotte, Hyundai, LG là một trong những tập đoàn (chaebol) lớn nhất tại Hàn Quốc. Sau 70 năm hoạt động, từ sản phẩm đầu tay là một loại kem mỹ phẩm, LG ngày nay đã trở thành một tập đoàn có quy mô toàn cầu ở các lĩnh vực công nghệ, hóa chất, năng lượng, viễn thông.

Tuy nhiên, LG chưa bao giờ phải chứng kiến những màn “đấu đá” khi chuyển giao quyền lực nội bộ như những chaebol khác nhờ vào nguyên tắc đã tồn tại xuyên suốt 4 thế hệ lãnh đạo: chức chủ tịch luôn được trao lại cho con trai trưởng trong gia đình.

Koo In-Hwoi – cha đẻ ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc

Koo In-Hwoi sinh năm 1907 tại tỉnh Gyeongsang phía nam Hàn Quốc và là con trai cả trong nhà. Ông lớn lên trong một gia đình “tứ đại đồng đường” và được nuôi dạy cực kỳ nghiêm khắc theo phong cách truyền thống của người Hàn Quốc. Nhờ vậy, vị chủ tịch đầu tiên của LG hiểu được tầm quan trọng của việc hòa hợp giữa các cá nhân và áp dụng triết lý này đối với khách hàng, đối tác lẫn nhân viên trong việc quản lý của mình sau này.

Năm 1931, Koo In-Hwoi cùng em trai mở một cửa hàng buôn bán nhưng nhanh chóng thua lỗ lớn. Không bỏ cuộc, ông thế chấp tài sản gia đình để vay tiền nhằm khôi phục hoạt động kinh doanh và công việc làm ăn của Koo In-Hwoi dần đi vào quỹ đạo.

Nhà sáng lập Koo In-Hwoi (giữa) dùng thử chiếc điện thoại bàn đầu tiên của Hàn Quốc do LG sản xuất năm 1961. Ảnh: LG.

Đến năm 1947, Koo In-Hwoi nghe theo lời khuyên của em trai và bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh sản xuất mỹ phẩm với việc thành lập công ty hóa chất Lak Hui và ra mắt sản phẩm kem dưỡng da mặt cùng tên. Đây chính là cột mốc đánh dấu khởi đầu của tập đoàn LG ngày nay và đưa Koo In-Hwoi trở thành một trong những doanh nhân vĩ đại nhất của lịch sử Hàn Quốc.

Lak Hui nhanh chóng gặt hái thành công với sản phẩm đầu tay và mở rộng sản xuất sang các sản phẩm nhựa, hàng gia dụng. Nhưng tầm nhìn và tham vọng của Koo In-Hwoi không dừng lại ở đây. Ông thành lập công ty Goldstar vào năm 1958 và chỉ trong 1 thập kỷ, công ty non trẻ của ông lần lượt giới thiệu những chiếc radio, quạt máy, tivi, điện thoại bàn, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa “made in Korea” đầu tiên. Nhờ những thành quả trên, Koo In-Hwoi được xem như cha đẻ ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc.

Koo Cha-Kyung – người chèo lái LG vượt qua thời kỳ thử thách nhất

Koo In-Hwoi qua đời vào đúng ngày cuối cùng của năm 1969. Một ngày sau lễ tang, các giám đốc điều hành tập trung tại phòng họp ở Goldstar nhưng vẫn chưa biết ai sẽ trở thành người lãnh đạo kế tiếp. Đúng lúc này, em trai của nhà sáng lập Koo In-Hwoi và là người đang có vai vế lớn nhất trong gia tộc, Koo Chul-Hwoi nói với cháu trai của mình: “Hãy ngồi vào chiếc ghế chủ tịch đang bỏ trống và ra mắt mọi người đi Cha-Kyung”. Từ đây, truyền thống trao lại chức chủ tịch cho con trai trưởng của tập đoàn LG chính thức được xác lập.

Koo Cha-Kyung bắt đầu làm việc tại công ty của gia đình vào năm 1950. Ông đã dành 18 năm làm việc tại nhà máy Busan trong khi di chuyển liên tục giữa trụ sở của Lak Hui và Goldstar. Trong 3 năm đầu tiên tại công ty, ông ăn ngủ ngay tại nhà máy và đôi khi bị nhầm là công nhân do thường xuyên dính đầy bụi và dầu trên quần áo.

Một nhà máy LG Electronics tại Việt Nam.

Từ khi dẫn dắt tập đoàn, Koo Cha-Kyung luôn tập trung vào 3 yếu tố: ổn định, tăng trưởng và đổi mới. Văn hóa của LG dưới thế hệ lãnh đạo thứ hai đề cao sự quản lý được tự định hướng bởi từng cá nhân và tính đồng thuận giữa các cấp.

Hàng năm, tập đoàn sẽ có một cuộc họp đặc biệt khi tất cả CEO của từng chi nhánh và chủ tịch cùng ngồi lại để vẽ ra kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính kế tiếp. Tại các cuộc họp này, chủ tịch không còn là người có quyền quyết định tuyệt đối và quyền lực được chia sẻ đều cho tất cả những người tham gia.

Những năm 80, Hàn Quốc bắt đầu mở cửa và làm dấy nên nỗi lo các nhà sản xuất trong nước sẽ mất thị trường nội địa vào tay các đối thủ từ Nhật Bản hoặc Âu Mỹ. Nhưng Koo Cha-Kyung đã đề ra khái niệm “Kinh doanh hướng tới thế kỷ 21” và giúp hàng nghìn nhân viên dưới quyền thấm nhuần ý thức tự chủ, biết tận dụng thế mạnh về am hiểu người tiêu dùng để chinh phục khách hàng. Kết quả là LG không những giữ vững thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Bên cạnh đó, Koo Cha-Kyung còn đóng góp tích cực cho sự phát triển của kinh tế Hàn Quốc. Từ năm 1987 đến năm 1989, ông giữ chức chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Quốc gia khi xung đột giữa quản lý các doanh nghiệp và công đoàn đang lên cao.

Theo tờ JoongAng Daily, Koo Cha-Kyung

tin rằng thế hệ lãnh đạo thứ hai tại các chaebol không chỉ có vai trò duy trì danh dự của tổ tiên mà còn phải góp sức thúc đẩy kinh tế đất nước. Koo Cha-Kyung đã làm việc chăm chỉ để công chúng có cái nhìn tốt hơn với các tập đoàn lớn.

Sau 25 năm dẫn dắt LG, Koo Cha-Kyung cùng nhiều giám đốc điều hành lâu năm khác tại công ty từ chức vào năm 1995 và giao lại quyền lực cho con trai cả của mình, Koo Bon-Moo.

Vị chủ tịch biến LG thành đế chế toàn cầu

Giống như người cha Koo Cha-Kyung, Koo Bon-Moo phải bắt đầu làm việc tại LG từ những vị trí thấp nhất và đã tích lũy kinh nghiệm trong 20 năm trước khi ngồi vào chiếc ghế chủ tịch tập đoàn.

Thừa kế nền tảng vững chắc từ cha mình, Koo Bon-Moo đã đưa LG trở thành một đế chế khổng lồ toàn cầu. Tổng doanh thu của LG đã tăng hơn 5 lần, lên tới 160.000 tỷ won (141,6 tỷ USD) vào năm 2017 từ thời điểm ông ngồi lên ghế chủ tịch. Cũng trong giai đoạn này, doanh thu ở nước ngoài của công ty cũng tăng gấp 10 lần lên 110.000 tỷ won (97,3 tỷ USD).

Koo Bon-Moo, vị chủ tịch thứ 3 trong lịch sử LG đã đưa tập đoàn này trở thành một đế chế toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.

Trong thời gian nắm quyền, ông đã phát triển những lĩnh vực mới như năng lượng và sản xuất pin xe hơi để đa dạng hóa cơ cấu doanh thu của tập đoàn. LG sau đó gặt hái những thành tựu trong các lĩnh vực này khi trở thành nhà sản xuất pin xe hơi hàng đầu thế giới, cung cấp sản phẩm cho các hãng xe như Ford, Renault, Volvo. Năm 2015, LG cũng đạt được thỏa thuận hợp tác phát triển xe điện với General Motors.

Koo Bon-Moo đã tái cơ cấu tổ chức tập đoàn vào năm 2003 khi chia LG thành bốn phần nhỏ hơn, trong đó ông trực tiếp quản lý các công ty điện tử, hóa chất và viễn thông. Năm 2014, ông đầu tư 3,7 tỷ USD để xây dựng siêu công viên khoa học LG và tin tưởng đây sẽ là nơi thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển để đảm bảo tương lai tăng trưởng bền vững cho tập đoàn.

Trong công việc và cuộc sống, Koo Bon-Moo nổi tiếng vì tính kiên trì và cả sự khiêm tốn của mình. Những người từng làm việc với vị chủ tịch thứ ba của LG kể lại với JoongAng Daily rằng ông là một người hòa đồng và sẵn sàng uống rượu soju và chụp hình với đồng nghiệp sau giờ làm.

Tháng 5 vừa qua, Koo Bon-Moo đã qua đời và chức chủ tịch của LG đã được chuyển giao lại cho Koo Kwang-Mo, con trai nuôi và vốn là con ruột của em trai ông. Koo Bon-Moo chỉ có một người con trai và đã mất vì tai nạn nên sau đó nhận cháu trai của mình làm con nuôi từ năm 2004.

Koo Kwang-Mo, nhà lãnh đạo thế hệ thứ 4 của LG, tại lễ tang của cha nuôi. Ảnh: Hankyoreh.

Dù được đánh giá là còn trẻ và ít kinh nghiệm quản lý nhưng Koo Kwang-Mo sẽ được hậu thuẫn và cố vấn bởi nhiều lãnh đạo cấp cao trong LG. Cùng với đó, việc thừa kế của ông cũng diễn ra suôn sẻ do theo truyền thống của LG, khi con trai cả của người đứng đầu nhậm chức, các anh em khác sẽ phải rời vị trí quản lý. Việc này nhằm tránh đấu đá giữa các thành viên trong gia tộc và giúp người con cả củng cố quyền lực của mình, theo tờ The Korea Herald.

Việt Đức

Theo Zing