Để vẻ đẹp của bông hoa và lá sen lưu giữ được hàng chục năm mà màu sắc vẫn tự nhiên như ngày đầu là điều không tưởng, nhưng Kiều Cao Dũng đã làm được điều đó.
Ba năm trước, Kiều Cao Dũng biết về nghệ thuật làm hoa bất tử của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu - người được coi là ông tổ của nghề hoa khô ở Việt Nam. Đang làm việc ở một khách sạn kết hợp kinh doanh du lịch đã có gần 20 năm kinh nghiệm với mức thu nhập cao, chàng trai sinh năm 1983 đã từ bỏ để rẽ sang hướng đi mới. Anh quyết tâm theo học nghề này.
Quyết định từ bỏ công việc kiếm hàng nghìn USD mỗi tháng là điều khiến gia đình và bạn bè Dũng ngạc nhiên, thậm chí phản đối. Sau đó Dũng vẫn kiên quyết theo đuổi và dành tất cả thời gian của mình cho việc nghiên cứu làm hoa bất tử, đặc biệt là hoa sen.
“Tôi là một người yêu hoa, không muôn thấy việc nó bị tàn phai sau vài lần nở vội vàng. Điều đó thôi thúc tôi phải tìm kiếm ra những bí quyết để giữ những vẻ đẹp ấy càng lâu càng tốt", Kiều Cao Dũng chia sẻ.
Hành trình tìm giữ hồn sen bất tử
Phóng viên gặp Kiều Cao Dũng vào một buổi sáng ngày cuối tháng 7, khi những đầm sen đã thưa hoa và lá cũng già nhiều. Lúc này công việc tìm nguyên liệu làm sen bất tử càng khó khăn hơn. Dũng phải lùng sục khắp đầm cả buổi mới hái được khoảng 30 bông sen ưng ý và mấy chục chiếc lá sen vừa tầm.
Anh bảo mình phải trực tiếp đến các đầm sen để tự tay chọn từng bông hoa tốt nhất. "Thường là hoa đã nở một lần của ngày hôm trước, đến đêm nó sẽ cụp cánh lại, tới sáng sớm hoa chưa kịp nở thì mình hái, nhưng bông hoa như vậy mới dùng được", Dũng giải thích.
Việc xử lý nhiệt để làm khô hoa phải trải qua rất nhiều công đoạn, kết hợp với nhiều hóa chất khác nhau. Nồng độ và liều lượng được dùng như thế nào là bí quyết chỉ có người làm nghề mới biết. Xử lý một bông hoa tươi cho đến lúc hoa khô đạt chuẩn mất khoảng 10 ngày. Sau đó, tùy thuộc vào thời gian và chất liệu phối hợp để tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh.
Các công đoạn làm sen bất tử đòi hỏi sự chính xác tuyết đối về thời gian và nhiệt độ. Chỉ cần để quá một chút là cánh hoa, lá sen sẽ bị gãy vụn hoặc khô giòn không giữ được sự mịn màng dẻo dai giống hoa thật nữa. Màu sắc của hoa khô cũng rất quan trọng, giúp bông hoa giữ được nét tinh tế.
"Với hoa sen phải giữ được màu dịu nhẹ chứ không gắt, màu của sen chỉ phớt hồng như đôi má cô gái say rượu", Dũng cho biết.
Hoa sau khi hái thường bị mất nước, cánh hoa không được mềm tươi và dai. Vì vậy, trước khi xử lý Dũng phải cắm vào nước khoảng 3 tiếng để hoa hồi lại. Cuống hoa phải cắt vát để không bị nát cuống, sau đó mang đi tẩy đi toàn bộ màu của hoa cho trở về màu trắng.
Tùy thuộc vào mức độ đậm nhạt của bông hoa, chiếc lá để người nghệ nhân chọn thời gian xử lý. Thường để tẩy màu một mẻ hoa phải mất từ 2 đến 3 ngày. Khi nguyên liệu đã được tẩy màu hoàn toàn thì vớt ra để ráo nước rồi bắt đầu đến công đoạn nhuộm màu cho hoa.
"Mình dùng các loại hóa chất thân thiện để tẩy trắng hoa. Giai đoạn này cũng mất hơn 2 ngày. Sen trắng hay sen hồng đều phải xỷ lý như vậy. Mình nhớ mãi kỷ niệm những ngày đầu, khi nghĩ sen trắng thì không phải tẩy nên sau khi xử lý hoa xong mình đã nhuộm màu luôn. Kết quả là phải đổ đi mất cả một mẻ hoa gần 1.000 bông", Dũng kể.
Nhuộm màu cho hoa là công đoạn khó nhất trong việc xử lý hoa sen khô. Thường chất lượng các bông hoa tươi trong một mẻ không đồng đều, có bông già bông non, lá non lá già. Một bông hoa lại có cánh cứng, cánh mềm những điều đó quyết định độ thẩm thấu màu khác nhau.
Dũng bảo hoa khô để trưng trong nhà, rất gần gũi với con người nên nhưng hóa chất làm ra nó cũng phải thân thiện không được gây hại, thường là màu thực phẩm. Hoa sau khi sơ chế tẩy màu rồi sẽ có màu trắng đục, Người nghệ nhân phải có công thức pha màu riêng để nhuộm hoa mà vẫn giữ được nét đẹp tự nhiên.
Tùy thuộc vào ý đồ tạo màu đậm nhạt cho hoa, lá để chọn thời gian ngâm trong dung dịch màu thực phẩm, thông thường 2-3 ngày. Khi đã đạt được màu ưng ý anh sẽ vớt hoa ra để cho ráo nước rồi bắt đầu cho vào lò sấy. Màu ban đầu khi được nhuộm sẽ nhạt bớt đi so với sau khi sấy. Vì vậy, phải tính toán từng giờ để kiểm tra xem hoa đang ở màu nào và phải có kinh nghiệm phán đoán mùa của hoa sau khi sấy xong từ lúc chọn thời gian nhuộm.
Hoa và lá sen được làm khô đúng cách khi trưng bày trong nhà, nơi không có ẩm mốc và ánh nắng trực tiếp, có thể để được 5-10 năm mà vẫn giữ được độ tươi như ban đầu.
Để có được một bông sen ưng ý quả thực chẳng phải chuyện dễ dàng. "Tôi không muốn là một người hời hợt với công việc vì thế tôi phải tự mình ra ngồi thuyền thúng lựa những bông sen, lá sen vừa độ bánh tẻ, để khi nhuộm mẻ sen có đồng nhất”, Dũng tâm sự.
Sen chỉ mọc theo mùa nên Dũng tranh thủ làm nhiều hoa nhất có thể trước lúc tàn. Những ngày mới vào nghề chưa có kinh nghiệm nhuộm màu sen, những mẻ sen thất bại phải dứt ruột bỏ đi hàng trăm bông, hàng nghìn chiếc lá từng làm anh trăn trở nhiều. Có khi nhuộm một màu, lúc sấy xong lại ra một màu khác, đó là những mẻ hoa thất bại.
"Nhiều lần thất bại quá, áp lực về kinh tế có lúc mình hoài nghi về chính quyết định từ bỏ công việc ổn định thu nhập cao của bản thân", Dũng nói.
Người đàn ông 36 tuổi cầm trên tay những chiếc lá, bông hoa bị hỏng vì nhuộm sai màu trong những mẻ sen thất bại, anh chẳng muốn bỏ chúng đi. Dũng bảo nó là minh chứng cho những bài học của mình.
Nhìn bàn tay Dũng nhiều nhưng vết xước, màu hóa chất bám sâu trong móng lâu ngày không tẩy được mới thật sự cảm nhận được lòng đam mê của anh với nghề.
“Gần 2 năm nghiên cứu và làm thử nghiệm mà sản phẩm không thành công. Nhìn con đường phía trước vẫn mịt mù vô định, nhiều lúc mệt mỏi nản chí đã nghĩ đến bỏ cuộc”, Dũng chia sẻ.
Biết bao những giọt mồ hôi, tiền bạc đã đổ vào hoa. Điều làm anh suy nghĩ nhiều hơn là ý tưởng về một hướng đi mới cho sản phẩm hoa, lá sen khô. Suy tính cho từng tác phẩm của mình, sản phẩm hoa khô của anh phải có lối đi riêng, đường đi đó là sự kế thừa và sáng tạo.
Ba năm dòng dã theo đuổi tìm cách làm sen bất tử, cuối cùng Dũng thành công. Trong một lần ngồi tìm hiểu các sản phẩm về hoa và lá sen, một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu anh. Đó là đưa các chất liệu dân gian kết hợp với các sản phẩm từ sen khô của mình.
Đưa nghệ thuật dân gian kết hợp với sen
Từ cái duyên với hoa lá và sự đam mê sáng tạo, Dũng đã thổi hồn quê hương vào sen. Những tác phẩm của anh chứa đựng vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của nón lá, mây tre đan kết hợp với sự thanh thoát của sen.
Kiều Cao Dũng đã tìm đến các làng nghề, gặp các nghệ nhân để nghe những câu chuyện về sản phẩm truyền thống và nói về ý tưởng kết hợp những sản phẩm truyền thống với hoa và lá sen khô để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh.
“Vì sen là quốc hoa của Việt Nam, mà các chất liệu dân gian của Việt Nam thì rất gần gũi với cuộc sống, vô cùng phong phú và độc đáo”, Dũng nói.
Anh về làng Chuông, tìm đến các nghệ nhân làm nón để giải quyết bài toán cho sự kết hợp nón lá cùng lá sen làm sao để sự kết dính của hai chất liệu này với nhau được hài hòa nhất.
Xử lý làm khô, nhuộm màu cho hoa và lá sen là một công việc rất kỳ công và khó. Nhưng đến khi tạo hình và phối các chất liệu với nhau làm sao cho ra một tác phẩm hoàn chỉnh lại càng khó hơn, vì mỗi một tác phẩm hoa khô nghệ thuật là sự kết hợp của chất liệu, màu sắc khác nhau.
Với tranh dân gian hay thư pháp để nét vẽ ở lại được trên chất liệu lá sen mà trông bức tranh, kiểu chữ vẫn giữ được hồn cốt là điều khó. Dũng phải suy nghĩ tạo ra màu lá giống với màu của giấy dó và giấy điệp vàng. Chỉ cần sai sót nhỏ về nồng độ và thời gian trong khi nhuộm màu lá là bao công sức phải đổ đi.
Anh cũng phải tìm đến nhiều nghệ nhân giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tranh dân gian và thư pháp xin góp ý cho ý tưởng sản phẩm của mình.
Lòng say mê với nghệ thuật truyền thống của quê hương luôn được anh lồng ghép vào những tác phẩm của mình. Tiêu biểu có bức tranh đông hồ trên lá sen, lá sen kết hợp trên nón lá, nón quai thao, ghép tranh bằng cánh hoa sen.
Trải qua nhiều khó khăn và thất bại, anh đã tạo ra được những tác phẩm từ sen vừa có tính ứng dụng lại mang đậm nét văn hóa dân gian của Việt Nam, đã được nhiều người thích thú và ấn tượng.
Dũng tâm niệm mong sao những việc mình đang làm sẽ góp một phần nhỏ bé vào việc bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống. Anh mong muốn đưa được hình ảnh văn hóa Việt Nam đi xa hơn đến du khách trong và ngoài nước, giúp họ đến gần hơn với văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hoàng Đông
Theo Zing