Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Từ chuyện Đào Chi Anh muốn hồi sinh The KAfe: Gọi vốn cộng đồng là con dao hai lưỡi, có thể giúp DN gọi được số vốn lớn, nhưng cũng có thể giết chết họ!

10/09/2019 13:00

Trên thế giới, hình thức gọi vốn cộng đồng đã khá phổ biến nhưng tại Việt Nam, hình thức này còn khá xa lạ. Mới đây, việc Đào Chi Anh – sáng lập thương hiệu The KAfe đã kêu gọi 200 nghìn USD từ cộng đồng để hồi sinh thương hiệu của mình đã khiến nhiều người bắt đầu quan tâm đến hình thức gọi vốn này. Từ hành động của nữ sáng lập The KAfe dư luận có một phen xôn xao về hình thức gọi vốn cộng đồng vốn còn khá xa lạ ở Việt Nam.

Gọi vốn cộng đồng là hình thức kêu gọi tài chính từ một nhóm cá nhân cùng góp tiền để tạo nên một mô hình kinh doanh, số lượng nhà đầu tư không giới hạn. Chủ doanh nghiệp hay các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở bất cứ đâu có thể thông qua các nền tảng mạng xã hội hoặc các trang web trực tuyến dành riêng cho gọi vốn cộng đồng.

Là cứu cánh cho các công ty startup

Trên thực tế, gọi vốn cộng đồng là một hình thức rất tốt dành cho các công ty startup vì tiếp cận nguồn vốn luôn luôn là một điều rất khó khăn nhất là khi mới có ý tưởng.

Ông Đỗ Hoài Nam – CEO Emotiv Systems và UP Coworking Space nhận định: "Giai đoạn đi từ số 0 lên số 1 là giai đoạn cực kỳ khó khăn. Phương thức gọi vốn cộng đồng sẽ giúp các startup có thể tạo ra những sản phẩm mà cộng đồng sẽ sẵn sàng tiếp nhận trước khi đến với vòng gọi vốn từ các nhà đầu tư. Cộng đồng góp vốn chính là những người dùng trải nghiệm và đánh giá sản phẩm".

Từ chuyện Đào Chi Anh muốn hồi sinh The KAfe: Gọi vốn cộng đồng là con dao hai lưỡi, có thể giúp DN gọi được số vốn lớn, nhưng cũng có thể giết chết họ! - Ảnh 1.

Ông Đỗ Hoài Nam – CEO Emotiv Systems và UP Coworking Space.

Gọi vốn cộng đồng không chỉ giúp doanh nghiệp có vốn để phát triển sản phẩm mà còn giúp họ có một số lượng người theo dõi, ủng hộ sản phẩm ngay từ đầu. Ngay khi họ bắt đầu xây dựng thị trường và đã được phản hồi là sản phẩm có được đón nhận hay không? Gọi vốn cộng đồng giúp các startup trở nên thực tế với sản phẩm của mình. Điều này giúp họ có thể đánh giá chính xác tiềm năng của sản phẩm và thị trường ngay trong giai đoạn đầu.

Nguyễn Hà Linh – người sáng lập trung tâm Anh ngữ IBEST cho rằng: "Gọi vốn cộng đồng là kêu gọi chính những người quan tâm đến sản phẩm, bản thân họ vừa góp vốn vào đầu tư và vừa trở thành kênh marketing miễn phí cho sản phẩm".

Với hình thức gọi vốn cộng đồng, doanh nghiệp không chỉ kêu gọi được nguồn vốn mà đây còn là một hình thức marketing hiệu quả. Đồng thời, thu hút được một lượng người dùng đáng kể.

Là con dao hai lưỡi

Gọi vốn cộng đồng có thể là cứu cánh đối với nhiều startup, tuy nhiên không phải lúc nào phương thức này cũng hiệu quả và an toàn. Trong một số trường hợp, đây lại là một trong những phương pháp huy động vốn gặp nhiều rủi ro.

Ông Đỗ Hoài Nam phân tích: "Gọi vốn cộng đồng là con dao hai lưỡi. Một mặt có thể thể giúp startup huy động được số vốn và số lượng người ủng hộ lớn. Mặt khác, khi khi một người không thích sản phẩm thì họ sẽ không mua sản phẩm, nhưng khi cả cộng đồng không thích thì họ sẽ có những hành vi có thể giết chết doanh nghiệp".

Với hình thức gọi vốn cộng đồng, nếu nhận được sự ủng hộ và yêu mến từ cộng đồng thì sẽ tạo ra hiệu ứng tốt. Tuy nhiên, nếu cộng đồng không yêu thích sản phẩm của bạn thì rất có thể, doanh nghiệp của bạn sẽ gặp phải rắc rối lớn.

Vì sao Startup Việt Nam ít kêu gọi được vốn cộng đồng?

Hình thức gọi vốn cộng đồng ở các quốc gia phát triển đã khá phổ biến nhưng  tại thị trường Việt Nam, đây vẫn là một khái niệm khá mới. Theo CEO Emotiv Systems và UP Coworking Space, không phải vì mới xuất hiện mà hình thức gọi vốn cộng đồng chưa thực sự phát triển mà vì ở Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý cho hoạt động này. Vì vậy khi những nhà đầu tư góp vốn vào thì độ rủi ro rất cao. Đây chính là một trong những rào cản lớn nhất.

Như tại Mỹ đã có khung pháp lý cho việc gọi vốn cộng đồng. Những người được phép gọi vốn cộng đồng là những doanh nghiệp khởi nghiệp và có doanh số dưới 200 triệu USD.

CEO Emotiv Systems và UP Coworking Space đề xuất: "Gọi vốn cộng đồng chỉ nên dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, nên đầu tiên phải quy định những doanh nghiệp nào được phép gọi vốn và sau đó là những ai là người được phép đầu tư vốn cộng đồng?"

Không chỉ hạn chế nguồn vốn từ cộng đồng trong nước mà các doanh nghiệp Việt cũng ít nhận được nguồn vốn cộng đồng từ nước ngoài. Trước điều này, ông Đỗ Hoài Nam cho rằng, các doanh nghiệp trong nước đang có một cái nhìn tương đối nội địa nên sản phẩm và dịch vụ thường đến từ nhu cầu nội địa thay vì quốc tế.

Để gọi vốn cộng đồng thành công, ông cũng đã chỉ ra 3 yêu cầu cơ bản sau:

Thứ nhất, các startup phải tạo ra sản phẩm đánh đúng vào nhu cầu của người tiêu dùng. Và đó phải là những sản phẩm mà thị trường đang thiếu.

Thứ  hai, những con người trong đội ngũ kêu gọi vốn phải là những người có kinh nghiệm và đã làm những sản phẩm tương tự.

Thứ ba, những người làm startup phải mô tả được quá trình làm ra sản phẩm một cách thuyết phục. Có nghĩa là phải biết được rằng mình sẽ phải làm gì những gì trong toàn bộ quá trình.

Theo Trí thức trẻ.