Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Từ kế hoạch tỷ đô của Bamboo Airways, nhìn lại FLC Faros: Từng làm chao đảo thị trường chứng khoán, vốn hóa có lúc gần 5 tỷ USD

14/10/2019 14:46

Bamboo Airways nếu lên sàn sẽ là cổ phiếu thứ 3 trong hệ thống FLC Group. Trước đó, cổ phiếu của FLC Faros khi lên sàn đã tăng giá mạnh mẽ và lọt top những mã có vốn hóa lớn nhất trên sàn.


Bamboo Airways nếu lên sàn sẽ là cổ phiếu thứ 3 trong hệ thống FLC Group. Trước đó, cổ phiếu của FLC Faros khi lên sàn đã tăng giá mạnh mẽ và lọt top những mã có vốn hóa lớn nhất trên sàn.

Theo thông tin mới đây từ Bloomberg, hãng hàng không non trẻ Bamboo Airways đang có kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán và kỳ vọng đạt mức vốn hóa thị trường lên tới 1 tỷ USD.

Cụ thể, một lãnh đạo của Bamboo Airways cho biết, hãng muốn niêm yết 400 triệu cổ phiếu, với mức giá từ 50.000-60.000 đồng/cổ phiếu ngay trong đầu tháng 1/2020 tới đây.

Trước đó, Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết kỳ vọng huy động được 100 triệu USD từ thương vụ IPO của Bamboo Airways. Vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 2,2 nghìn tỷ đồng lên khoảng 4 nghìn tỷ đồng.

Trước khi đưa Bamboo Airways lên sàn chứng khoán, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã từng tạo nên biến động mạnh trên thị trường chứng khoán với thương vụ niêm yết cổ phiếu của Công ty FLC Faros, cũng là một công ty trong hệ thống của Tập đoàn FLC.

Thời điểm lên sàn, FLC Faros chỉ định giá ở mức khiêm tốn khoảng 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, giá của FLC Faros liên tục lập những đỉnh cao mới và có lúc đã vượt 100.000 tỷ đồng.

Điều này khiến FLC Faros đã có lúc trở thành một trong những cố phiếu lớn nhất trên sàn chứng khoán và biến động giá của FLC Faros tác động mạnh lên chỉ số VN-Index. Đồng thời, FLC Faros cũng đưa vợ chồng Chủ tịch Trịnh Văn Quyết lọt top những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, FLC Faros không duy trì được mức vốn hóa 100.000 tỷ đồng mà nhanh chóng giảm giá, giờ đây đã mất 85% so với đỉnh, chỉ còn khoảng 15.000 tỷ đồng.

Quay lại với Bamboo Airways, hiện nay doanh nghiệp sở hữu hãng hàng không này đang chưa đủ các điều kiện cần thiết để niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Để lên sàn, doanh nghiệp cần hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần tối thiểu 2 năm, trong khi Bamboo Airways đang là công ty TNHH. Bên cạnh đó, các yêu cầu về tài chính cũng rất khắt khe, như có lãi 2 năm liên tiếp, ROE trên 5%, có hơn 300 cổ đông... Đây là các yêu cầu mà Bamboo Airways chưa thể đáp ứng ngay lập tức bởi doanh nghiệp mới thành lập và vẫn đang trong giai đoạn thua lỗ.

Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, Bamboo Airways sẽ tìm cách "bay vòng" để có thể lên sàn.

Hà My

Theo Trí Thức Trẻ