Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Từ nhân viên văn phòng đến một freelancer có thu nhập khủng, đây là cách người đàn ông 38 tuổi mạo hiểm sự nghiệp để có được thành công và đổi đời

24/12/2018 19:12

Cũng như bao người lao động trẻ khác, David Feldman từng mơ ước về một công việc bàn giấy nhàn hạ, ổn định, lương thưởng, lộ trình thăng tiến rõ ràng cho đến khi nhận ra “đời không như mơ”. Thử rồi mới biết, Feldman sớm nhận ra rằng đây không phải là con đường dành cho mình. Chính vì vậy, anh đã sớm từ bỏ công việc trong mơ đối với nhiều người và trở thành một người làm việc tự do.


Cũng như bao người lao động trẻ khác, David Feldman từng mơ ước về một công việc bàn giấy nhàn hạ, ổn định, lương thưởng, lộ trình thăng tiến rõ ràng cho đến khi nhận ra “đời không như mơ”. Thử rồi mới biết, Feldman sớm nhận ra rằng đây không phải là con đường dành cho mình. Chính vì vậy, anh đã sớm từ bỏ công việc trong mơ đối với nhiều người và trở thành một người làm việc tự do.

Tưởng chừng như phải đối diện trước bước ngoặt bất lợi lớn trong cuộc đời nhưng David Feldman, 38 tuổi, chưa một lần thấy hối hận về quyết định của mình. Hiện tại, anh kiếm được 100.000 USD mỗi năm, thừa đủ để nuôi dưỡng gia đình anh tại Boise, Idaho.

Chia sẻ về quyết định chuyển nghề, Feldman nói đơn giản: “Tôi đã làm phân tích đầu tư tài chính hơn chục năm trời nhưng vẫn muốn trở thành một người viết quảng cáo chuyên nghiệp. Đó là lý do tôi nhảy việc. Hơn nữa, cũng chẳng ai ngăn cấm tôi cả, vì thế, tôi cứ vậy mà chuyển nghề thôi”.

 Từ nhân viên văn phòng đến một freelancer có thu nhập khủng, đây là cách người đàn ông 38 tuổi mạo hiểm sự nghiệp để có được thành công và đổi đời - Ảnh 1.

David Feldman.

Cuộc sống nơi công sở cùng các vấn đề tài chính phát sinh

Trước khi bắt đầu sự nghiệp của một freelancer, Feldman từng sở hữu một vị trí công việc đáng mơ ước. Không lâu sau khi tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân, anh được nhận vào vị trí phân tích viên của một công ty tương đối có tiếng. Mức lương khởi điểm anh nhận được rơi vào khoảng 50.000 USD một năm, không hề tệ cho một sinh viên vừa mới tốt nghiệp.

Lương cao là vậy nhưng Feldman lại để ý một vị trí làm việc tại Goldman. Tại đây, mức lương cơ bản của anh thấp hơn một chút, xấp xỉ 46.000 USD. Tuy nhiên, anh cho rằng số tiền thưởng hàng năm (20.000 USD) sẽ bù đắp cho những mất mát tài chính do chuyển việc gây ra. Với anh, được cống hiến cho Goldman thực sự là điểm sáng xuyên suốt sự nghiệp.

Đáng buồn thay, nhiệt huyết với công việc của Feldman không kéo dài được lâu.

Chỉ sau vài tuần an vị tại vị trí mới, cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra và công ty anh không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của nó. Hậu quả là, anh không hề nhận được một xu tiền thưởng nào trong suốt thời gian làm việc. Đó là quãng thời gian khó khăn với anh. Tất cả những gì anh biết đến là công việc. Cân bằng cuộc sống với anh không hề tồn tại.

Feldman nhớ rõ, anh từng phải làm việc lên tới 90 tiếng trong tuần nhưng số tiền anh nhận được, chỉ là 7 USD/giờ. Điều này như một cú tát mạnh sau bao nỗ lực anh có. Anh từng nói đùa một cách chua xót với đồng nghiệp: “Thay vì đứng đây, chúng ta có thể nghỉ việc và đến một cửa hàng nào đó làm công việc bán hàng. Có khi họ còn cho ta mức lương cao hơn.”

Rời bỏ cuộc sống công sở bộn bề

Sau vài năm lăn lộn trong ngành tài chính, Feldman thừa sức hình dung được cuộc đời mình sẽ như thế nào nếu cố bám trụ lại. Tất cả những gì anh thấy là sự kiệt quệ sau những ngày, những giờ làm việc dài đằng đẵng. Anh ghét điều này.

Khi còn là sinh viên, thứ anh khao khát là một vị trí tại một ngân hàng đầu tư nào đó, thành công, thăng tiến không ngừng, trở thành CEO vào một ngày không xa. Nhưng nực cười thay, bước chân vào thế giới tài chính rồi, anh lại mơ về công việc mình từng làm thuở sinh viên khó khăn: Anh nhớ về công ty vệ sinh cửa kính do một tay anh quản lý, thành lập. Công việc này, theo một cách nào đó, trọn vẹn hơn đối với Feldman.

Hồi tưởng về quá khứ, Feldman chia sẻ: “Tôi thích công việc đó. Bởi tôi có quyền tùy chọn thời lượng làm việc. Khi nào cần tiền thì tôi đi làm, chẳng ai bắt ép tôi cả. Thành thực mà nói, đó có lẽ là công việc tuyệt nhất tôi từng có.”

Nghĩ sao làm vậy, năm 2014, Feldman rời tầng lớp “cổ cồn trắng”. “Sức chịu đựng của con người là có hạn. Tôi cần tìm hạnh phúc cho bản thân mình. Bởi giả như ngày mai thời gian sống của tôi có kết thúc, tôi cũng sẽ không thể thanh thản trước sự thực rằng mình đã lãng phí 10 năm cuộc đời với đống giấy tờ nhàm chán”.

May thay, trước vô vàn biến động cuộc đời như vậy, Feldman vẫn có người bạn đồng hành sát cánh bên cạnh. Vợ anh, Melissa, ủng hộ mọi quyết định của chồng. Sau khi Feldman nghỉ việc, hai vợ chồng bán căn hộ tại Salt Lake, dùng tài sản tích góp đi du lịch châu Âu. Chuyến đi bắt đầu vào tháng 11 năm 2014 và kết thúc vào tháng 6 năm 2015.

 Từ nhân viên văn phòng đến một freelancer có thu nhập khủng, đây là cách người đàn ông 38 tuổi mạo hiểm sự nghiệp để có được thành công và đổi đời - Ảnh 2.

Gia đình Feldman tại London, Anh.

Bước ngoặt đổi đời mang tên freelancer

Trong suốt chuyến du lịch, nhằm kiếm thêm chút thu nhập cũng như định hình lại sự nghiệp, Feldman đăng ký tài khoản trên một website dành riêng cho marketing online cung cấp các dịch vụ tự do như lập trình, quảng cáo... Trên thực tế, Feldman không hề thành công ngay từ bước đầu. Anh hiếm khi nhận được đơn hàng của khách và buộc phải bán lại hai trang web của mình với giá 20 USD/trang.

Không nản chí, Feldman tìm hiểu từ những người đi trước, họ đang bán những gì và phản hồi của khách hàng ra sao. Và đó cũng là lúc anh chợt nảy ra ý tưởng về một thương vụ kinh doanh chất xám, đại loại kiểu: “Tôi sẽ giúp bạn tìm ra cái tên tuyệt nhất cho sản phẩm của bạn”. Với tính sáng tạo vốn có, Feldman nhanh chóng đăng tải các video quảng cáo cho dịch vụ của mình và có những đơn hàng đầu tiên.

Trong khoảng thời gian đầu, một tháng Feldman kiếm được khoảng 600 USD từ công việc này. Tiếng lành đồn xa, anh nhanh chóng mở rộng mạng lưới dịch vụ, không ngừng khai thác tiềm năng của công việc. Sau cùng, anh đã tạo nên một cú “hit” lớn trong sự nghiệp của mình với lĩnh vực copywriting. Với Feldman, thử thách không là vấn đề nếu con người ta học hỏi không ngừng.

Thời gian ăn nên làm ra với công việc tự do cũng là lúc gia đình anh dần ổn định ở nơi ở mới. Sinh hoạt phí tăng cùng các vấn đề tài chính khác khiến anh phải trở lại làm việc chốn văn phòng song song với quản lý công việc của mình. Không muốn bỏ bẵng bất cứ thứ gì, Feldman một mình tiếp quản hai vị trí làm việc toàn thời gian. Ngày nào cũng như ngày nào, anh dậy lúc 6 giờ sáng, xử lý các công việc, tất tả đến công ty, về nhà lúc 5 giờ chiều rồi lại tiếp tục làm freelancer đến 1 giờ sáng.

Đó là quãng thời gian kiệt quệ theo trí nhớ của Feldman. Thực tế, tại thời điểm ăn nên làm ra, dựa vào thu nhập nhờ làm freelancer, anh hoàn toàn có thể nuôi sống gia đình mà không cần đi làm công ty. Thế nhưng, anh đã lỡ ký hợp đồng 2 năm. Đâm lao phải theo lao. Thành ra, đến tận tháng 5 năm 2017, anh mới hoàn toàn thoát khỏi công việc bàn giấy chán ngắt.

Tại thời điểm nói trên, Feldman thu về từ công việc tự do 7.000 đến 8.000 USD mỗi tháng. Tính đến thời điểm hiện tại, với tính chất đa dạng hóa dịch vụ, công việc của Feldman mỗi lúc một nhiều, khách hàng của anh cũng ngày càng đông, thông thường trên website dịch vụ của anh sẽ có khoảng 20 – 30 đơn hàng trong tình trạng chờ để được xử lý. Bận rộn là vậy nhưng anh chọn cách hoàn thành công việc vào đêm muộn để có thể dành trọn thời gian với gia đình.

“Trung bình mỗi tuần tôi dành ra 50 tiếng làm việc của một freelancer bởi lượng đơn hàng thường xuyên trong tình trạng quá tải", Feldman chia sẻ.

Tính đến đầu tháng 12 năm 2018, Feldman kiếm được số tiền 125.000 USD từ công việc tự do này. Cùng với thu nhập khủng, anh cũng vô cùng thích thú với sự tự do thường trực từ việc làm một freelancer. Anh thích làm việc tại gia để đưa đón hai đứa con của mình đi học mỗi ngày, để được dùng bữa trưa cùng Melissa cũng như giúp con trai luyện đá bóng. Feldman của bây giờ hạnh phúc hơn rất nhiều so với Feldman thời còn đi làm bàn giấy.

“Thành thực mà nói, thứ tôi bỏ lại sau lưng đều là những vị trí tốt, đãi ngộ, lương bổng tốt. Tôi cũng từng sống trong một khu dân cư tuyệt vời, có xe đẹp để đi lại. Người ta từng nhìn tôi bằng ánh mắt thán phục nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Họ không biết rằng tâm hồn tôi héo úa... Cũng chính vì vậy, tôi thành thực khuyên các bạn rằng đừng bao giờ bám víu lấy thứ mà mình không thích. Còn vô số cơ hội đang đợi bạn ngoài kia”.


Theo Minh An

Nhịp sống kinh tế