Trở thành hiện tượng nhờ phương thức marketing "truyền miệng", Nhà hàng bóng tối (Noir) với phân nửa nhân viên là những người khiếm thị, khiếm thính đã mang về doanh thu 1,1 triệu USD năm 2018. Noir là trường hợp doanh nghiệp xã hội hiếm hoi vừa mang lại giá trị cho cộng đồng, vừa mang lại lợi nhuận - yếu tố thiếu hụt trong nhiều DNXH khiến các nhà đầu tư ngại xuống tiền vì không biết khi nào mới thu hồi được khoản đầu tư…
Xuất hiện đầu tiên trong màn pitching trong Ngày hội Kết nối Đầu tư (Demo Day), Germ Doornbos đã chia sẻ lý do anh và người bạn Việt Nam Vũ Anh Tú thành lập Nhà hàng bóng tối (Noir - Dining in the Dark) vào năm 2014: "Có hơn 90% người khiếm thị ở Việt Nam thất nghiệp, tỷ lệ này ở người khiếm thính là hơn 65%. Chúng tôi muốn tạo ra một thế giới mà ở đó người khuyết tật được đối xử bình đẳng".
Noir - Dining in the Dark là mô hình nhà hàng ăn trong bóng tối duy nhất ở Việt Nam sử dụng nhân viên phục vụ là những người khiếm thị hoặc mù hoàn toàn.
Mỗi thực khách khi đến với Noir được đặt mình vào vị trí của người khiếm thị và những nhân viên khiếm thị lại trở thành người hướng dẫn thực khách thưởng thức món ăn. Không một nhân viên phục vụ nào nhìn thấy khách hàng và thực khách cũng không thể nhìn thấy gì trong bóng tối. Khi ăn trong một không gian như vậy, thực khách sẽ cảm nhận món ăn nhiều hơn bằng vị giác và khứu giác.
Mô hình độc đáo giúp Noir trở thành "hình mẫu điển hình" của một doanh nghiệp xã hội (DNXH), khi thu hút lượng lớn khách hàng qua kênh marketing "truyền miệng" là chủ yếu. Theo nhà đồng sáng lập người Hà Lan, mô hình Noir và Blanc (mô hình nhà ăn trong ánh sáng) đã mang lại doanh thu 1,1 triệu USD và lợi nhuận gần 300.000 USD (tương đương gần 7 tỷ đồng) trong năm 2018.
Đến với Ngày hội Kết nối Đầu tư lần này, nhóm sáng lập muốn gọi vốn cho mô hình kinh doanh thứ 3 - Blind massage and spa (Massage và Spa người mù).
Hướng tồn tại của doanh nghiệp xã hội: Vì trách nhiệm xã hội trước hay kiếm lợi nhuận để "sống" được trước?
Noir là trường hợp DNXH hiếm hoi vừa mang lại giá trị cho cộng đồng, vừa mang lại lợi nhuận - 2 vế sống còn mà các doanh nghiệp xã hội trước nay hầu như chỉ có vế đầu.
Thách thức của các DNXH hiện nay, theo ông Trần Lương Sơn - CEO Vietsoftware, người sáng lập MITFive - cho rằng doanh nghiệp ở Việt Nam đang thiếu nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính.
Ở một góc độ tiếp cận khác, bà Phạm Kiều Oanh - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Trung Tâm Hỗ Trợ Sáng Kiến Phục Vụ Cộng Đồng (CSIP) cho biết đã có nhà đầu tư tác động (Impact Investors - những nhà đầu tư rót vốn vào các DNXH) đến Việt Nam 7 năm trước, nhưng họ chỉ tìm được rất ít DNXH để đầu tư. Ở thời điểm đó, CSIP nhìn ra rất rõ khoảng cách giữa một bên có nguồn vốn, và bên còn lại thiếu hụt năng lực và mô hình kinh doanh phù hợp để tiếp nhận nguồn vốn ấy.
Muốn giúp đỡ họ, đưa tiền là được. Nhưng nếu nghĩ đó là một doanh nghiệp và đầu tư vào, và cầu chúa để khoản đầu tư đó có lợi nhuận? Tôi không thấy cách nào
Ông Trần Trí Dũng – Chuyên gia đánh giá từ Chương trình doanh nghiệp Thụy Sĩ tại Việt Nam - cho biết ông từng có những tranh luận rất gay gắt về việc KHÔNG đầu tư vào DNXH.
"Muốn giúp đỡ họ, đưa họ tiền là được. Nhưng nếu nghĩ đó là một doanh nghiệp và đầu tư vào, và cầu chúa để khoản đầu tư đó có lợi nhuận? Tôi không thấy cách nào", ông Dũng thẳng thắn.
Ông Dũng cũng chia sẻ 2 thách thức của DNXH hiện nay. Một là, rất khó để scale up (nhân rộng) một mô hình DNXH. Trong khi đó, một nhà đầu tư như ông Dũng ắt sẽ quan tâm tới việc làm sao scale up để kiếm lợi nhuận.
Thứ 2, ông Dũng cho rằng chúng ta cần những ý tưởng thực sự mới, một tư duy mới. "Những vấn đề khác nhau không thể giải quyết bằng cùng một lối tư duy", ông Dũng nói.
"Nếu các bạn muốn làm kinh doanh thì phải giải quyết vấn đề thị trường, phải kiếm tiền từ đó".
Những nhà đầu tư vào DNXH thường sẽ có 2 đòi hỏi tất yếu: Doanh nghiệp đó có tác động tới cộng đồng, và khoản đầu tư này sẽ sinh lời.
Tuy nhiên, ý kiến về việc một DNXH phải giải quyết được vấn đề thị trường của ông Dũng không nhận được sự đồng tình từ Giám đốc đại diện UNDP Việt Nam Caitlin Winsen. Bà Caitlin cho rằng DNXH cần quan tâm xem vấn đề xã hội mình giải quyết có đủ lớn, chứ không nên bắt đầu với một giải pháp dựa trên yếu tố thị trường.
Một yếu tố khác quan trọng không kém, theo Giám đốc đại diện UNDP Việt Nam, là phải trở thành một doanh nghiệp xã hội "sống" được.
"Hãy tiếp tục nhìn vào việc thị trường thay đổi thế nào, thử nghiệm các ý tưởng. Hãy tiếp tục học hỏi và phát triển doanh nghiệp của mình, mở rộng network mà các bạn được gắn kết thông qua các nhà đầu tư…", bà Caitlin nhắn nhủ.
Theo Báo cáo Tổng quan về tình hình đầu tư tác động khu vực Đông Nam Á (2018) do Mạng lưới Đầu tư Tác động Toàn cầu (GIIN) công bố, đầu tư tác động tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể từ năm 2007 đến nay. Theo đó, 23 gói đầu tư tác động trị giá 25 triệu USD đến từ các nhà đầu tư tư nhân và 50 gói đầu tư tác động trị giá 1,4 tỷ USD đến từ các tổ chức phát triển tài chính đã được triển khai tại Việt Nam trong hơn 10 năm qua.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ Việt Nam chính thức ghi nhận một loại hình kinh doanh đặc biệt là DNXH tại Điều 10, Luật Doanh nghiệp cũng được coi là bước tiến đáng ghi nhận nhằm thúc đẩy hoạt động này.
Demo Day là sự kiện được tổ chức bởi Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) phối hợp với Doanh nghiệp Xã hội Merry Year (MYSC) và Crevisse Consortium, dưới sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Đây là một trong những hoạt động quan trọng của Chương trình Tăng tốc Ươm tạo - Remake City Hà Nội – TPHCM.
Được triển khai từ năm 2017, Remake City là chương trình tăng tốc ươm tạo dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung giải quyết vấn đề xã hội tại hai thành phố lớn tại Việt Nam, bên cạnh Seoul (Hàn Quốc) và Jakarta (Indonesia).
Tại Việt Nam, Remake City Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh tìm kiếm các doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cùng tinh thần doanh chủ cao và khả năng tạo tác động xã hội tích cực. Chương trình gồm các hoạt động đào tạo, huấn luyện trực tiếp cho mỗi doanh nghiệp, ngày hội kết nối đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình làm việc với nhà đầu tư. Năm 2016, tổng doanh thu của các doanh nghiệp tham gia chương trình là 15 triệu USD. Trong số đó, 30% các doanh nghiệp đã thâm nhập vào thị trường toàn cầu, và 60% số còn lại nhận các gói đầu tư.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ