Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Từng cùng chung chiến tuyến với Grab trong vụ kiện với Vinasun, nhưng vừa tiến quân sang Myamar, FastGo đã tố Grab "giả dối", "độc quyền", cố tình viện dẫn "cái gọi là 4.0" để lấp liếm vi phạm

20/11/2018 09:41

Startup gọi xe Việt Nam FastGo vừa có màn "đổ thêm dầu vào lửa" trong vụ Vinasun kiện Grab. FastGo tố Grab không phải là doanh nghiệp công nghệ trong bối cảnh startup Việt này vừa tiến quân sang Myanmar. Trong khi trước đó, đại diện FastGo lại có những phát biểu hoàn toàn khác trên báo giới liên quan đến vụ kiện này…


Startup gọi xe Việt Nam FastGo vừa có màn "đổ thêm dầu vào lửa" trong vụ Vinasun kiện Grab. FastGo tố Grab không phải là doanh nghiệp công nghệ trong bối cảnh startup Việt này vừa tiến quân sang Myanmar. Trong khi trước đó, đại diện FastGo lại có những phát biểu hoàn toàn khác trên báo giới liên quan đến vụ kiện này…

Mới đây, CTCP FastGo (công ty trực thuộc tập đoàn Next Tech) có động thái mà Chủ tịch HĐQT Next Tech Group Nguyễn Hòa Bình tự mô tả trên trang cá nhân là "đổ thêm dầu vào lửa" trong vụ Vinasun kiện Grab.

"FastGo gửi thư đến toà đổ thêm dầu vào lửa vụ Vinasun kiện Grab, mời đọc một số phân tích chuyên môn (đã biên tập bớt phần nhiều so với bản ra toà) về sự giả dối của Grab khi cố tình viện dẫn "cái gọi là 4.0" để lấp liếm cho những vi phạm của mình".

"Đây gọi là: người trong cuộc "vạch áo cho người xem lưng" nhằm đưa mọi thứ về đúng với các giá trị thật của nó!", ông Bình viết trên trang cá nhân.

Từng cùng chung chiến tuyến với Grab trong vụ kiện với Vinasun, nhưng vừa tiến quân sang Myamar, FastGo đã tố Grab giả dối, độc quyền, cố tình viện dẫn cái gọi là 4.0 để lấp liếm vi phạm - Ảnh 1.

Văn bản mà ông Bình nhắc tới là công văn FastGo gửi TAND TPHCM lên tiếng về vụ kiện giữa Grab và Vinasun, mà theo FastGo là nhằm làm rõ thông tin về hoạt động của các công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải.

ICTNews dẫn lại văn bản khẳng định quan điểm của FastGo như sau: "Căn cứ trên thực tế hoạt động của Grab hiện nay, rõ ràng đây không phải là mô hình công ty công nghệ thuần tuý, cũng không phải hoàn toàn mang tính chất môi giới kinh doanh như các ứng dụng gọi xe khác".

3 lý do được FastGo nêu cụ thể là ở giá cước, thanh toán, cách điều hành cuốc khách.

- Giá cước: Grab chính là đơn vị quyết định giá cước chuyến đi theo thời điểm (mô hình Surge Price) dựa trên các thuật toán mà có thời điểm giá cước có thể tăng cao 3-5 lần so với thông thường, giá cước này các tài xế hoàn toàn không biết trước mà chỉ hiển thị cho khách hàng khi đặt xe.

- Cách điều hành cuốc khách: Hệ thống của Grab chỉ định các lái xe phục vụ yêu cầu gọi xe của khách hàng. Trong trường hợp không nhận khách với một tỷ lệ nhất định, tài khoản của đối tác lái xe sẽ bị khoá và không được hoạt động. Còn tại FastGo, khi có yêu cầu gọi xe của khách hàng, tất cả các đối tác lái xe trong bán kính nhất định đều được nhận thông tin và được quyền quyết định có phục vụ hay không

- Thanh toán: FastGo cho rằng Grab không đơn thuần chỉ là trung gian thanh toán giữa tài xế và khách hàng khi chưa thanh toán theo mô hình ví điện tử như hiện nay.

Trong khi đó, ứng dụng này cũng cho rằng Grab đang có dấu hiệu độc quyền khi o bế không cho các đối tác lái xe được phép sử dụng ứng dụng của bất kỳ bên thứ 3 nào để giữ vị trí độc quyền, ngăn cản sự phát triển của các doanh nghiệp mới và cơ hội tăng thêm thu nhập của các đối tác lái xe, trong khi đó Grab không hề đảm bảo bất kỳ khoản thu nhập tối thiểu nào cho các đối tác lái xe.

Theo Báo Giao thông, văn bản nói trên do ông Nguyễn Phan Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Công ty FastGo ký, trong đó khẳng định "FastGo là một trong những doanh nghiệp cung cấp ứng dụng gọi xe thuần Việt với thị phần ước tính chiếm khoảng 15-20%, kết nối khoảng 40.000 tài xế trên toàn quốc. Vì vậy, những nhận định của công ty trong văn bản này là từ thực tế kinh doanh khách quan và dưới góc độ những doanh nghiệp công nghệ như Grab".

Trước đó thì FastGo nói gì?

Ngày 24/10, giữa tâm điểm vụ kiện Vinasun và Grab, CEO FastGo - ông Nguyễn Hữu Tuất bày tỏ quan điểm trên ICTNews: "Việc coi các doanh nghiệp Grab hay FastGo như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải không đúng. FastGo không phải là kinh doanh vận tải mà chỉ đơn thuần là một nền tảng kết nối, liên kết các bên đủ điều kiện cung cấp dịch vụ vận tải tham gia vào bao gồm cả các công ty taxi, gia đình…".

Vị CEO FastGo cũng đặt ra một câu hỏi: "Nếu Vinasun thắng kiện và Grab buộc phải bồi thường 41 tỷ đồng, các công ty taxi khác cũng quay ra kiện Grab thì cơ quan quản lý sẽ xử lý thế nào? Điều quan trọng là các nhà quản lý phải xây dựng quy định chung của ngành này vì tương lai chung của nền kinh tế bởi kinh tế chia sẻ tạo ra nhiều công ăn việc làm".

"Chiến hữu của Grab" cũng cho rằng Chính phủ nên có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tham gia vào mô hình kinh tế chia sẻ để phát triển kinh tế tư nhân, tạo công ăn việc làm mới cho xã hội. Hơn nữa, các doanh nghiệp địa phương sẽ giúp Chính phủ hoàn thiện các khung pháp lý theo hướng đảm bảo môi trường kinh doanh phù hợp với Việt Nam, vì quyền lợi chung của đất nước.

Đối chiếu những phân tích của "người thứ ba" FastGo trong cuộc chiến Grab - Vinasun từ trước tới nay, rút cục vẫn không rõ theo quan điểm của FastGo, Grab là doanh nghiệp vận tải hay công nghệ!? Chỉ biết rằng FastGo đã tiến quân sang Myanmar chỉ ít ngày trước khi gửi công văn "vạch tội" Grab tới TAND TPHCM.

FastGo là công ty trực thuộc tập đoàn Next Tech, launching chính thức vào giữa tháng 6/2018, cùng với nhiều Startup Việt khác tham gia vào thị trường tranh thủ thời cơ Uber rút khỏi thị trường Việt Nam.

FastGo tự quảng bá là chiết khấu thấp với giới lái xe, giá cước dành cho khách hàng thấp hơn Grab, và luôn gắn liền hình ảnh với lòng tự tôn dân tộc.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đây cũng là lý do FastGo ít tài xế, khách gọi phải chờ lâu, giá cả đôi khi cao hơn Grab, ngoài ra lòng tự tôn dân tộc cũng không còn nhiều ý nghĩa khi FastGo tiến quân chiếm lĩnh thị trường nước bạn.

Cái tên Grab cũng xuất hiện trên Fanpage của FastGo và nhà sáng lập Nguyễn Hữu Tuất khá nhiều, với nhiều nội dung trực diện về giá cước và lòng tự hào dân tộc.

Từng cùng chung chiến tuyến với Grab trong vụ kiện với Vinasun, nhưng vừa tiến quân sang Myamar, FastGo đã tố Grab giả dối, độc quyền, cố tình viện dẫn cái gọi là 4.0 để lấp liếm vi phạm - Ảnh 2.

Ngay sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam, Grab được xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn trong mỗi bước đường marketing của FastGo.

Từng cùng chung chiến tuyến với Grab trong vụ kiện với Vinasun, nhưng vừa tiến quân sang Myamar, FastGo đã tố Grab giả dối, độc quyền, cố tình viện dẫn cái gọi là 4.0 để lấp liếm vi phạm - Ảnh 3.

Thực tế, thứ hạng của FastGo tại thị trường Việt Nam cũng không cao. Theo thống kê của chúng tôi, tính riêng trên bản Android, app FastGo có khoảng 100.000 lượt tải, đứng sau app gọi xe của một startup Việt khác là VATO. Tính riêng trên Android, VATO driver có hơn 50.000 lượt tải, trong khi FastGo Driver chỉ có 10.000 lượt tải.


Bình An

Theo Trí Thức Trẻ