Trong khi thị hiếu người tiêu dùng ngày càng giảm, thị phần lại đang phải san sẻ mạnh: Đây có thể là một trong số các lý do khiến "canh bạc" bánh trung thu hạ nhiệt.
Là thương hiệu bánh lâu đời sớm có mặt trên thị trường những năm 1948, thương hiệu Brodard Bakery của ông chủ CTCP Bông Sen đang thu về hàng trăm tỷ mỗi mùa trung thu – đóng góp đến 70% tổng doanh số cả năm. So với mảng kinh doanh còn lại, bán bánh trung thu thậm chí đạt tỷ trọng khoảng ¼ trên tổng doanh thu của toàn bộ hệ thống nhà hàng, khách sạn. Mức biên lãi cũng cực kỳ ấn tượng, lợi nhuận của Brodard hiện dao động quanh mức 20 tỷ đồng/năm - bằng phân nửa lợi nhuận của Bánh kẹo Hải Hà hay Hữu Nghị dù doanh thu chỉ bằng 10-20% so với hai ông lớn ngành bánh kẹo này.
Dù vậy, năm 2018 cũng đánh dấu giai đoạn tăng trưởng doanh số bánh trung thu của Brodard chậm lại, và chính thức đi lùi sau đó. Sang năm 2019, Bông Sen đạt doanh thu 103 tỷ đồng – giảm hơn 38%. Được biết, năm 2019 doanh nghiệp quyết định đóng 10 cửa hàng bán lẻ, chỉ tập trung phát triển cửa hàng có hiệu quả cao. Ngoài ra, hãng cũng hợp tác với đối tác xây dựng xưởng bánh mới với quy mô lớn, tối tân thiết bị máy móc nhằm sản xuất bánh ngọt xu hướng mới, đảm bảo độ tươi ngon, đặc biệt đẩy mạnh dòng bánh trung thu. Tái cơ cấu để tăng cường hiệu suất, thương hiệu lâu đời có vẻ không tránh khỏi sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
Cùng diễn biến, doanh thu tại hai đơn vị khác là ABC Bakery và Thu Hương Bakery 2 năm gần đây cũng cho thấy sự sụt giảm rõ rệt. Trong đó, nếu những năm trước doanh thu ABC Bakery tăng mạnh mẽ, thì năm 2019 lại giảm 7,5% xuống còn 257 tỷ đồng. Thu Hương Bakery cũng giảm từ mức 58 tỷ (năm 2018) về 46 tỷ (năm 2019).
Trong khi thị hiếu người tiêu dùng ngày càng giảm, thị phần lại đang phải san sẻ mạnh: Đây có thể là một trong số các lý do khiến "canh bạc" bánh trung thu hạ nhiệt. Ghi nhận, bánh trung thu những năm gần đây trở thành tâm điểm "hái tiền" không chỉ của doanh nghiệp trong ngành bánh kẹo mà các khách sạn, chuỗi nhà hàng đến các chuỗi cafe cũng quyết liệt tham gia vào lĩnh vực này. Thậm chí, đây còn là cơ hội kiếm thêm thu nhập cho những người nội trợ, nhân viên văn phòng, các bạn trẻ với dòng bánh trung thu homemade, hoặc bánh được biến thể dưới dạng rau câu...
Trong động thái mới nhất, Kido (KDC) tuyên bố tham gia thị trường bánh trung thu trong năm 2020 với thương hiệu Kingdom. Nói về kế hoạch này, ông Trần Lệ Nguyên – Tổng Giám đốc Kido - phân trần bánh trung thu đã có mặt tại Việt Nam từ những năm 90. Lúc bấy giờ, bánh chủ yếu được làm thủ công và bày bán ở khu vực quận 5. Bởi vì làm thủ công, bao bì gói gắm cũng bằng tay nên rất mau hỏng, có khi chưa đến mùa là bánh đã bị mốc rồi. Điều này cũng manh nha cho ngành nghề làm bánh trung thu của Kido. Với những kinh nghiệm, máy móc và lợi thế có được, Công ty nhanh chóng thống lĩnh thị trường bánh sơ khai với 70% thị phần.
Và hôm nay, "Tôi cũng khá bất ngờ khi nhiều đơn vị rất chào đón sự quay lại của chúng tôi, đây là một tín hiệu vui và tăng thêm tự tin cho chặng đường sắp đến", ông Nguyên nói. Bởi, với một thương hiệu mới như Kingdom thì rất khó để được kê lên kệ bán, nhưng là khách lâu năm nên việc phân phối không còn là vấn đề lớn.
Cũng theo ông Nguyên, không chỉ mức độ cạnh tranh tăng, bánh trung thu những năm gần đây đã không còn sự đột phá. Trong đó, việc không tạo được không khí của lễ hội Trung thu Việt kìm nén sự phát triển của ngành.
Trong tâm thế quay lại, Kido kỳ vọng sẽ lưu giữ nét văn hoá truyền thống về ngày tết trung thu của người Việt. Theo đó, năm đầu tiên Công ty sẽ không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, mà xem như một bước thử cho hành trình sắp tới.
Điểm lại, khi chưa bán mảng bánh kẹo cho Mondelez, lợi nhuận quý 3 của Kido (trước đây là Kinh Đô) thường chiếm từ 65-75% lợi nhuận cả năm, giá trị hàng trăm tỷ đồng. Riêng năm 2020, Kingdom dự đóng góp vào doanh thu Tập đoàn khoảng 160 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 36 tỷ đồng.