Từng thống trị thị trường hàng không giá rẻ, AirAsia "bẻ lái" thành siêu ứng dụng đa ngành, từ dịch vụ gọi xe đến giao thực phẩm

28/08/2021 09:26

Hãng hàng không của tỷ phú Tony Fernandes đã ra mắt dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn ở Malaysia với quyết tâm trở thành một trong những siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, AirAsia đã mạo hiểm tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau như giao nhận thực phẩm, cửa hàng tạp hóa và thậm chí là video streaming. AirAsia đặt mục tiêu trở thành siêu ứng dụng tại Đông Nam Á.

Bước đi này được cho là khá thuận tiện với AirAsia nhờ danh tiếng sẵn có trong vai trò thương hiệu thống trị thị trường hàng không giá rẻ tại khu vực. Tuy vậy, các chuyên gia nhận định, dịch vụ của AirAsia vẫn cần cải thiện nhiều trước khi khách hàng đủ tin tưởng để sử dụng.

Giám đốc điều hành Tập đoàn AirAsia Tony Fernandes Giám đốc điều hành Tập đoàn AirAsia Tony Fernandes

Tại Malaysia, dịch vụ giao đồ ăn và gọi xe của AirAsia đã triển khai được gần một năm nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa có đủ sức cạnh tranh với Grab và Foodpanda.

Để cải thiện, AirAsia cũng đã mở rộng dịch vụ của mình tới nhiều khu vực khác ở Thung lũng Klang, Johor Bahru và Malacca từ tháng 3/2021. Trong tương lai, AirAsia sẽ cần phải liên kết mạnh mẽ hơn nữa với các nhà hàng các khu vực xa trung tâm để gia tăng khả năng lựa chọn món ăn cho khách hàng.

Amanda Woo, Giám đốc điều hành chuỗi siêu ứng dụng AirAsia, chia sẻ, “AirAsia đã đưa hơn 700 triệu hành khách đến hơn 130 điểm đến trong suốt 20 năm qua. Với dịch vụ gọi xe mới, AirAsia mong muốn trao quyền cho mọi người để việc di chuyển dễ dàng hơn, sử dụng đầy đủ các tiện ích của công nghệ Siêu ứng dụng AirAsia và tận hưởng những trải nghiệm tuyệt vời”.

AirAsia đã và đang xây dựng các hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của mình khi hãng gặp phải nhiều khó khăn do tác động kéo dài của dịch bệnh đối với ngành du lịch toàn cầu.

Bên cạnh dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn, AirAsia còn mạo hiểm dấn thân vào thương mại điện tử, fintech, hậu cần. Đây cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển một siêu ứng dụng dành cho du lịch và giải trí, đủ sức cạnh tranh với những gã khổng lồ công nghệ Đông Nam Á hiện nay như Grab, GoTo và Sea Group.

Tuần trước, bộ phận Logistics - Teleport của hãng hàng không AirAsia cũng đã mua lại công ty giao đồ ăn Delivereat có trụ sở tại Penang.

Tháng 7, AirAsia và Gojek đã cùng tuyên bố về thỏa thuận hoán đổi cổ phiếu, để Gojek nắm 1 lượng cổ phần không xác định tại mảng siêu ứng dụng của AirAsia. Thỏa thuận này đã mang lại cho gã khổng lồ gọi xe Indonesia 4,8% cổ phần trong AirAsia Digital.

Có thể thấy, AirAsia đang dần chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh kỹ thuật số trong bối cảnh thua lỗ ngày càng gia tăng do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. AirAsia liên tiếp chìm trong sắc đỏ 7 quý liên tiếp, ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 182 triệu USD.

Theo Selina Nguyễn/Doanh nhân và Pháp luật